Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế thế giới: Vẫn vang danh Trung Quốc
25 | 08 | 2007
Kinh tế thế giới năm qua chứng kiến vô số những ấn tượng vui buồn từ mỗi góc của địa cầu. Song ở góc nào, người ta cũng phải nhắc tới một cái tên có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới mình: Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và dự báo sẽ tiếp tục đà này trong năm 2007, bất chấp chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp hạ nhiệt.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế nước này ít nhất có thể duy trì mức tăng trưởng cao 8-10% cho tới năm 2025. Đến năm 2008, Trung Quốc có khả năng vượt Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trước hết, hãy nhìn qua vài chỉ số quan trọng nhất và những dự báo có cơ sở.

Tăng trưởng kinh tế 2006 đạt 10,7%

Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc vừa công bố số liệu thống kê sơ bộ cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong năm 2006 đạt 2.700 tỷ USD, tăng tới 10,7% so với năm trước do đầu tư quá lớn và thương mại tăng vượt bậc.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 vẫn cao hơn 0,3% so với tốc độ tăng trưởng 10,4% của nước này trong năm 2005.

Các số liệu thống kê đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2006 tiếp tục tăng mạnh do đầu tư quá lớn và tăng trưởng thương mại quá cao. Số liệu thống kê cũng cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng 27% so với năm 2005, lên mức 969 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu chỉ tăng 20%, đạt tổng giá trị là 792 tỷ USD. Thặng dư thương mại như vậy đạt 177,5 tỷ USD trong năm 2006.

Trong năm 2007, Trung Quốc xác định mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 8%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, GDP của nước này trong năm nay vẫn sẽ duy trì ở mức trên dưới 10%. Các chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc nhận định, nền kinh tế nước này ít nhất có thể duy trì mức tăng trưởng cao từ 8-10% cho tới năm 2025.

CPI của Trung Quốc năm 2006 tăng 1,5%

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2006 vẫn cao như vậy song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc năm 2006 vừa qua đã tăng 1,5%.

Đây là một con số tích cực, phản ánh sự kiểm soát tốt đối với tình hình lạm phát của chính phủ nước này, nhất là khi GDP của quốc gia này trong năm 2006 tăng tới 10,7% so với năm trước.

Chỉ số này thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với con số của năm liền trước. Số liệu cho thấy CPI tăng đều như nhau ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn của Trung Quốc, đều ở mức 1,5%.

Trong khi đó, giá bán lẻ hàng hoá năm 2006 của Trung Quốc tăng 1,0 so với con số của năm liền trước. Giá nhà ở tại 70 thành phố lớn và trung bình của Trung Quốc tăng tới 5,5%, góp phần lớn trong việc đưa chỉ số CPI cả năm tăng ở mức 1,5% nói trên.

Nông dân Trung Quốc có bước "đại nhảy vọt" về thu nhập

Trong bối cảnh tăng trưởng chung của đất nước, thu nhập của những người nông dân Trung Quốc - một phần quan trọng của nền kinh tế lớn này - đã tăng mạnh mẽ trong năm 2006 vừa qua.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của những nông dân nước này đã đạt 3.587 Nhân dân tệ trong năm 2006 vừa qua (tương đương 460 USD/năm). Đây là năm tăng trưởng thứ 6 liên tiếp của thu nhập bình quân đầu người của nông dân Trung Quốc.

"Đây là một bước đại nhảy vọt nếu so với thu nhập bình quân đầu người của nông dân Trung Quốc trong quá khứ. Có được điều này một phần là do năm 2006 vừa qua, lần đầu tiên nông dân không phải nộp thuế nông nghiệp, một loại thuế đã có từ 2.600 năm nay, gỡ cho nông dân gánh nặng 100 tỷ NDT tiền thuế mỗi năm (12,8 tỷ USD), Xie Fuzhan, Cục trưởng Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, cho biết.

Ông Xie Fuzhan cũng ca ngợi những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc cố gắng tạo việc làm mới ở các thành phố để nông dân lên tìm việc dễ dàng hơn và có thu nhập tốt hơn.

"Bên cạnh đó, kinh tế cả nước tăng trưởng mạnh cũng giúp lao động đơn giản tại nông thôn có điều kiện tham gia vào những lĩnh vực sản xuất có năng suất cao và lợi nhuận tốt hơn", ông nói.

Thu nhập trung bình từ lương của nông dân Trung Quốc trong năm 2006 vừa qua đạt 1.375 NDT (173,9 USD/năm), tăng 17% so với năm 2005.

Bắt đầu từ tháng 1/2007, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp triển khai công cuộc xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa mới.

Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc trong những năm tới là nhanh chóng cải thiện môi trường sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn; rút ngắn đáng kể khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn với thành thị; thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp lạc hậu truyền thống bằng một phương thức sản xuất hiện đại và hiệu quả cao.

Trung Quốc sẽ cân bằng được cung cầu dầu trong năm nay

Không những thế, như một minh chứng cho đà phát triển bền vững và ít bị tổn thương của mình, Uỷ ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc - hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu nước này - đã nhận định rằng cung cầu dầu trong năm nay của Trung Quốc sẽ cân bằng được nhờ Chính phủ đã tăng cường dự trữ dầu đi đôi với việc khuyến khích tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, trong năm 2007 này, chính phủ Trung Quốc cũng sẽ nới lỏng các quy định để ngành than và ngành điện phát triển mạnh hơn nữa, qua đó bổ sung nguồn năng lượng cho phát triển kinh tế quốc gia, giảm sự lệ thuộc mạnh mẽ vào dầu.

Trung Quốc là nước phụ thuộc vào năng lượng truyền thống để đáp ứng nhu cầu năng lượng với than chiếm 2/3 tổng lượng tiêu thụ năng lượng, dầu chiếm ¼. Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi cần nhiều và nhiều dầu thô hơn nữa và đó là một khó khăn của Trung Quốc trong việc tìm đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu của mình.

Số liệu thống kê cho thấy nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng 14,5% so với năm trước đó, lên đạt 145,2 triệu tấn trong năm 2006 (tương đương nhập về 2,9 triệu thùng mỗi ngày).

Trung Quốc có thể có nền kinh tế công nghiệp vào năm 2015

Với những thành tự nổi bật như thế nên trong Báo cáo Đổi mới 2007 được các viện khoa học trung ương và các trường đại học hàng đầu Trung Quốc đã mạnh dạn đưa ra dự báo rằng, tới năm 2015, Trung Quốc có thể chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp.

Theo báo cáo, đến năm 2015, các chỉ số về kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ đạt được mức của các nước phát triển trên thế giới trong những năm 1960.

Báo cáo dựa trên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc từ năm 1980 - 2004 vẫn giữ được mức trung bình trên 9,6%. Các nhà khoa học Trung Quốc đưa ra 10 chỉ số để định giá tiến trình công nghiệp hóa. Họ cho biết Trung Quốc đã đạt được 6 trong 10 chỉ số, bao gồm tuổi thọ, học vấn và khả năng được tiếp cận với nền giáo dục cao.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cần cải thiện 4 chỉ số để có thể trở thành nền kinh tế công nghiệp vào năm 2015 như tỷ lệ lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ cư dân thành thị…

Vẫn còn đó những khó khăn...

Quả vậy, dù tăng trưởng mạnh mẽ và còn nguyên những cơ sở vững chắc đảm bảo cho những nhận định lạc quan nhất, thì với kinh tế Trung Quốc, vẫn còn đó những khó khăn...

Theo các nhà phân tích của CLSA, một ngân hàng đầu tư đặt ở Hồng Kông, có những lý do chính sau đây khiến Trung Quốc đang mất đi ưu thế là điểm đến thu hút đầu tư hàng đầu ở khu vực châu Á.

Đầu têin phải kể đến là chi phí ở nước này đang ngày càng tăng cao. Các loại chi phí như tiền thuê mướn văn phòng, nhà xưởng, đất đai, chi phí sử dụng các tiện ích ở những trung tâm đang tăng lên rất nhanh trong những năm qua.

Loại chi phí hiện đang tăng mạnh nhất và làm đau đầu các nhà đầu tư ở Trung Quốc là tiền lương. Tiền lương cho công nhân ở các khu vực này đang tăng lên với tốc độ hai con số mỗi năm, mức tăng lương của các giám đốc còn cao hơn rất nhiều. Mặc dù năng suất lao động của công nhân Trung Quốc cũng tăng lên, nhưng mức tăng này không tiến kịp mức tăng lương.

Nguyên nhân tiếp theo khiến các nhà đầu tư quốc tế chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác ở châu Á là họ muốn phân tán rủi ro. Những rủi ro hàng đầu làm cho môi trường đầu tư ở Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn bao gồm: việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn chưa được thực hiện đầy đủ; bất ổn xã hội ở các vùng nông thôn, nhất là ở các tỉnh miền Tây; nguy cơ đồng nhân dân tệ có khả năng tăng giá mạnh.

Cuối cùng, sự trỗi dậy của các thị trường khác ở châu Á cũng là một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư quốc tế nay không còn muốn dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư vào Trung Quốc.

Bên cạnh đó, xuất khẩu - mảng quan trọng hàng đầu trong kinh tế Trung Quốc, cũng dự báo không duy trì được đà tăng trưởng ngoạn mục như bấy lâu nay.

Cụ thể, Bộ Thương mại Trung Quốc dự đoán tăng trưởng ngoại thương năm 2007 của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 15%, giảm 9% so với năm 2005.

Năm 2006, ngoại thương của Trung Quốc đã đạt 1.760 tỷ USD và thặng dư thương mại 117,47 tỷ USD. Như vậy, với mức tăng trưởng dự kiến như trên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này sẽ vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD trong năm nay.

Các chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thặng dư mậu dịch trong tương lai gần, trừ khi tiêu thụ ở trong nước tăng đột biến.

Trung Quốc nỗ lực cơ cấu lại sự phát triển

Chính vì những khó khăn như thế, các lãnh đạo nước này cố gắng quản lý mức tăng trưởng thặng dư của nước mình đảm bảo làm sao những lợi ích của sự tăng trưởng này được phân bổ rộng khắp cho nhiều người trong xã hội cùng được hưởng.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 10,7% trong năm 2006 vừa qua và tăng bình quân khoảng 9,8%/năm kể từ khi nước này bắt đầu các cải cách thị trường vào năm 1978. Vài năm vừa qua, mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tăng hơi cao hơn mức bình quân, do xuất khẩu và đầu tư tăng mạnh.

Do vậy, hiện nay thay vì tập trung vào mức tăng trưởng kinh tế, các nhà làm chính sách hiện nay đang cố gắng đạt đến mức phân phối đồng đều cho mọi người các tài nguyên quốc gia. Ví dụ như chính phủ đã bãi bỏ việc đóng học phí của học sinh vùng nông thôn, và hứa mở rộng mức bảo hiểm y tế cơ bản và các kế hoạch an sinh xã hội cho người dân nông thôn.

Những lo ngại khác trong nền kinh tế Trung Quốc là mức tiết kiệm quá cao, còn tiêu dùng quá thấp; mức thặng dư mậu dịch khổng lồ đang làm tràn ngập hệ thống ngân hàng với lượng tiền mà hệ thống này không thể quản lý nổi.

Ủy ban Nhà nước về phát triển và cải cách của Trung Quốc cũng đã cảnh báo việc ngân hàng cho vay và đầu tư để xây dựng nhà xưởng và thiết bị sản xuất công nghiệp lại tăng quá nhanh. Trong năm 2006, chính quyền Trung Quốc đã nâng lãi suất và áp dụng các biện pháp khác nhằm hạn chế việc lưu thông lượng tiền thặng dư trong nền kinh tế, trong khi đó vẫn giữ mức phát triển không bị chậm lại. 



Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường