Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su trong nước tuần từ 9-12/1/2012
17 | 01 | 2012
Theo nguồn tin từ Công ty phân tích thị trường AgroMonitor, thị trường cao su trong nước tuần 9-12/1/2012 có những biến động trái chiều đối với giá cao su SVR.


 

 

 

Giá cao su SVR có biến động trái chiều với giá cao su thế giới. Giá cao su SVR đã giảm 400 đồng/kg ngay trong ngày giao dịch đầu tuần. Tuy nhiên do được hỗ trợ bởi giá cao su thế giới nên ngày 11/1 nó quay lại đi cùng chiều với giá cao su thế giới.
 
Chốt phiên 11/01, giá cao su SVR CV và SVRL mua vào ở mức lần lượt 71.100 đồng/kg và 68.900 đồng/kg. Trong khi đó giá cao su SVR10 và SVR 20 mua vào đã tăng 1.300 đồng/kg so với phiên đầu tuần để lên mức lần lượt 67.100 đồng/kg và 67.00 đồng/kg.
 
Trung bình tuần giá mủ nước cao su tại Bình Phước tăng 5.613 đồng/kg lên 23.160 đồng/kg; giá mủ nước cao su tại Đồng Nai trong tuần này ở mức 16.000 đồng/kg, trong khi mủ cao su đông tại Đồng Nai ở mức 22.000 đồng/kg
 
Ngành cao su Việt Nam đặt mục tiêu 800.000 hecta trồng cao su đến năm 2015, và sản xuất hơn 1,2 triệu tấn cao su tự nhiên mỗi năm tính đến 2020. Trong năm 2012, BộNN&PTNN dự báo xuất khẩu mặt hàng này về lượng sẽ tăng lên hơn 880 ngàn tấn nhưng chỉ thu về trên 2,1 tỷ USD, giảm hơn 1 tỷ USD so với năm ngoái. Theo Bộ, trong giai đoạn đầu năm 2012, giá cao su tự nhiên chỉ ở mức thấp nếu tình hình kinh tế Châu Âu và thế giới không được cải thiện.
 
Nhằm tăng cường tiêu thụ nội địa trong bối cảnh xuất khẩu cao su năm nay được dự báo sẽ gặp khó khăn tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã ký một biên bản thoả thuận với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) về việc tiêu thụ cao su. Theo đó, trong năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) sẽ cung ứng cho VINACHEM khoảng 28.500 tấn cao su các loại.
 
Tại thị trường biên mậu thương nhân Trung Quốc chuyển về mua hàng tại các kho ngoại quan trong nước do dự trữ của nước này tăng mạnh. Giao dịch cao su tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Kinh vẫn tiếp tục bị đóng băng do nhu cầu của đối tác Trung Quốc chững lại, cộng với các biện pháp siết chặt giao dịch của phía cơ quan quản lý nước này. Một số nhà giao dịch cho rằng, phía Trung Quốc sẽ quyết tâm đóng cửa thị trường tiểu ngạch nhằm chuyển sang xuất nhập khẩu chính ngạch ở cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu, với mục đích tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực này. Một số khác thì cho rằng, thị trường sẽ sôi động trở lại sau Tết Nguyên đán.
 
Cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại thị trường cửa khẩu Móng Cái – Đông Kinh ngày 11.1.2012 được chào quanh mức 20.600-20.700NDT/tấn, tăng 100 đến 200NDT so với ngày hôm qua 10.1.
 
Thị trường cao su vật chất châu Á những ngày đầu năm 2012 khá trầm lắng bởi sự vắng mặt của các khách hàng Trung Quốc – người mua lớn nhất trên thị trường. Theo giới thương nhân, các hợp đồng trao tay được thực hiện rất ít. Giá cao su tấm hun khói RSS3 của Thái Lan chỉ dao động quanh 3,33 – 3,35 USD/kg kể từ ngày 4/1 tới nay. Giá cao su khối SIR20 của Indonesia thì ở mức 1,48 USD/lb (1lb = 0,454 kg). Hiệp hội người trồng cao su Thái Lan cho biết, chính phủ nước này có thể mua 200.000 tấn cao su tấm chưa hun khói để đẩy giá tăng lên 120 baht (3,79 USD)/kg) sau khi nông dân kiến nghị giá hiện quá thấp.
 
Dự báo về nguồn cung và giá cao su đầu năm 2012
 
Theo Goldman Sachs, nguồn cung cao su toàn cầu sẽ tăng 7% lên 11,8 triệu tấn trong khi nhu cầu cao su chỉ tăng 3% lên mức 11,4 triệu tấn. Sản lượng cao su của Thái Lan được dự báo tăng 8% lên mức 3,7 triệu tấn trong năm 2012. Trong khi đó, sản lượng cao su của Indonesia dự kiến tăng 5,1% lên mức 3,1 triệu tấn. Nguồn cung cao su của Malaysia sẽ duy trì xung quanh mức một triệu tấn trong năm sau. Cả ba nước này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu.
 
Mặc dù nhu cầu cao su của ngành công nghiệp ô tô vẫn cao nhưng giá cao su tiếp tục chịu áp lực giảm vì giá cao su phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Trung Quốc. Hiện, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như Trung Quốc đang chậm lại khiến giá nhiều hàng hóa, bao gồm cao su giảm.

Trong một báo cáo mới đây, ANRPC cho rằng, có rất ít lý do để lạc quan vào sự hồi phục của nền kinh tế năm mới. Bên cạnh đó, dự trữ khổng lồ và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc – nước mua cao su thiên nhiên nhiều nhất – sẽ giữ cho giá cao su khó có những bứt phá vượt bậc. Giá cao su chỉ trông chờ hỗ trợ từ nguồn cung eo hẹp khi các nước sản xuất chủ chốt bước vào mùa khô. Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) nhận định, giá cao su thiên nhiên sẽ cải thiện kể từ tháng 2 năm nay do nguồn cung sụt giảm. Đà tăng tuy nhiên sẽ bị hạn chế bởi điều kiện kinh tế khó khăn.



Theo VINANET
Báo cáo phân tích thị trường