Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2 tỷ USD giúp phát triển nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL
18 | 05 | 2009
Trong 2 ngày 13 và 14-5, tại Cần Thơ đã diễn ra hội thảo “Đầu tư phát triển nông thôn tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long” do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần (ảnh) chủ trì với sự tham dự của bà Hoonea Kim – Giám đốc phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí thứ trưởng về dự án đầu tư phát triển nông thôn tại ĐBSCL.

- PV: Thưa Thứ trưởng, dự án do WB tài trợ có kinh phí dự kiến lên tới 2 tỷ USD – là dự án về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay. Vậy xuất phát điểm từ đâu mà có dự án này?

Thứ trưởng DIỆP KỈNH TẦN: ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh lương thực và xuất khẩu gạo của nước ta.

Với gần 4 triệu ha đất tự nhiên, trong đó 32% là đất nông nghiệp, ĐBSCL đã đóng góp cho đất nước 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản... nhưng đây lại là nơi có các chỉ số năng lực cạnh tranh đạt bình quân thấp, nơi khó nghèo nhất lại nằm gần như trọn vẹn ở vùng nông thôn, những người vinh danh cho ĐBSCL bằng hạt gạo, con tôm, trái cây nổi tiếng lại là những người nghèo nhất trong cộng đồng dân cư toàn khu vực. Nghị quyết của Trung ương hướng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và thực trạng KT-XH ĐBSCL đã đặt ra cho Bộ NN-PTNT nhiệm vụ phải thực thi để đưa nghị quyết vào thực tiễn ở ĐBSCL.

Chúng tôi đã chủ động trình bày những ý tưởng ban đầu về dự án với WB và nhận được sự nhiệt tình ủng hộ.

- Dự án phát triển nông thôn tổng hợp bao gồm những chương trình cụ thể nào, thưa Thứ trưởng?

Hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nâng cao chất lượng cây ăn trái, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, công nghệ sau thu hoạch, đào tạo nhân lực cho ĐBSCL, tín dụng ưu đãi cho nông dân (bao gồm vốn hỗ trợ nông dân nghèo vượt khó và vốn hỗ trợ nông dân khá - giàu tạo ra cơ hội thoát nghèo cho các “bạn điền” của mình)...

- Làm thế nào có thể thuyết phục WB vào cuộc để có dự án lớn như vậy?

WB có mối quan tâm đặc biệt đến các chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nghèo trên khắp thế giới, đặc biệt ở nông thôn. WB đánh giá cao chương trình xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đã kiên trì, nỗ lực thực hiện nhiều năm qua với một quyết tâm phát huy nội lực và khả năng đóng góp chia sẻ đầy tính nhân ái của toàn cộng đồng.

WB hiểu sâu sắc ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Sự biến đổi khí hậu thế giới ngày càng gây tổn hại toàn cầu mà vùng sản xuất nông nghiệp như ĐBSCL của Việt Nam chịu tác động tiêu cực lớn nhất. Những ý tưởng đề xuất của Bộ NN-PTNT tìm được ở WB sự phản hồi đồng thuận.

- Với một dự án có tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD thì cách tiếp nhận và phân bổ có gì mới?

Tôi tin rằng dự án sẽ là sự đóng góp tâm huyết của nhiều người, thuộc Bộ NN-PTNT, WB, các địa phương từ xây dựng chương trình dự án. Có thể nói, chúng tôi đã có sự phối hợp nhanh, hiệu quả vượt trên mong đợi: năm 2008 đề xuất với WB đồng thời thực hiện một cuộc hội thảo. 2 ngày 13 và 14-5-2009 là dịp tổ chức thêm hội thảo để trình bày chương trình khung, lắng nghe ý kiến đại diện các ngành hữu quan trong khu vực.

Sau hội thảo tại TP Cần Thơ lần này, bộ và WB sẽ sớm hoàn thiện tiếp chương trình khung để chuyển tới 13 tỉnh, thành trong khu vực, thu thập ý kiến bổ sung. Tiếp đến là đoàn công tác phối hợp giữa bộ và WB sẽ đến từng địa phương để xem xét cụ thể các đề xuất.

Chúng tôi mong muốn chương trình khung của dự án thật sát với thực tiễn, tính khả thi cao, được sự đóng góp trí tuệ của các địa phương ngay từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất và triển khai thực hiện.

Một điểm rất mới nữa của dự án là địa phương nào đã xong phần chuẩn bị là sẽ triển khai thực hiện ngay, không chờ cho xong 13 tỉnh thành, không “ưu tiên” riêng địa phương nào.

- Thưa Thứ trưởng, bây giờ còn điều gì băn khoăn nhất?

Chương trình khung ban đầu và những vấn đề liên quan, khi đưa ra trình bày trong hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến, nhưng đều có điểm chung là đánh giá cao tính khả thi. Băn khoăn cũng có, nhưng đó là băn khoăn về phía WB. Với tâm huyết và lòng nhiệt thành, niềm tin trong quá trình làm việc với bộ và các tỉnh, thành ĐBSCL, bà Hoonea Kim và các chuyên gia của WB cùng đi mong chương trình triển khai đúng dự kiến (đầu năm 2011).

Nhưng việc giải ngân của WB thường chậm – đó là băn khoăn của họ – và họ chia sẻ rằng sẽ hết sức cố gắng để việc giải ngân đồng hành kịp với tiến trình triển khai dự án đầu tư phát triển nông thôn tổng hợp tại ĐBSCL.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường