Với nước ta, lâu nay giá trị xuất khẩu luôn tương ứng trên 50% giá trị GDP hàng năm, thậm chí có khi lên đến 70% GDP thì việc điều hành xuất khẩu sao cho chuyên nghiệp và bài bản là yêu cầu vô cùng cần thiết. Vậy mà trong thực tế, nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra làm ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn đến hiệu quả xuất khẩu, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp và của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
Trong hoàn cảnh suy thoái chung của nền kinh tế toàn cầu, rất nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của thế giới đang giảm mạnh. Với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế dự đoán, mức tăng trưởng GDP ở 3 khả năng cao thấp khác nhau, và trong đó mức tăng trưởng xuất khẩu cũng ở 3 khả năng tương ứng. Trong đó khả năng đáng lo ngại nhất là xuất khẩu sẽ giảm mạnh nhất 25,5% so với năm ngoái, mức giảm thấp nhất là 7,2%, còn mức giảm trung bình là 12,2% so với năm ngoái. Như vậy, dù ở mức dự báo nào thì xuất khẩu cũng đều giảm mạnh so với những năm trước đây. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu hiện nay đang bộc lộ nhiều yếu kém và thiếu chuyên nghiệp.
Mặc dù con cá ba sa của Việt Nam đã được minh oan về chất lượng và độ tin cậy về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng nhìn lại thực tế thì cũng thấy đã có quá nhiều sơ suất dẫn đến “sự cố cá” đáng tiếc như thế.
Cách đây chưa lâu, chỉ vì một lượng nhỏ cá basa không đạt tiêu chuẩn bị một số doanh nghiệp làm ăn gian dối đưa ra thị trường thế giới mà sản phẩm cá tiêu chuẩn cao của cả nước bị ảnh hưởng, bị nghi ngờ thậm chí bị cấm nhập khẩu vào thị trường nước ngoài. Mặc dù sau đó, sự gian dối đã được vạch trần nhưng sự kiện này đã gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ dân nuôi cá và các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính. Đáng chú ý hơn nữa thì đây không chỉ là sự làm ăn gian dối của doanh nghiệp mà còn là sự yếu kém của các đơn vị có chức năng gác cửa chất lượng hàng xuất khẩu.
Mới đây nữa, những lục đục trong điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Việt Nam đối với hoạt động xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay, cũng đã mang về những bất lợi cho doanh nghiệp cả về giá trị kinh tế lẫn uy tín trên thương trường hội nhập.
Hiệp hội Xuất khẩu Gạo đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp thì với lý do đảm bảo an ninh thực nên đã chỉ đạo doanh nghiệp ngừng giao hàng xuất khẩu trong khi hợp đồng với khách đã được doanh nghiệp ký kết, không thể phá bỏ. Ngay cả Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên - khi trả lời phỏng vấn của báo chí cũng khẳng định cần dừng lại vì lượng gạo xuất đã đủ. Tuy nhiên, đã đủ vào thời điểm để cấm đó là bao nhiêu thì rất ít người biết. Chả thế mà doanh nghiệp bị lỡ tàu với khách hàng đã lên tiếng trước công luận rằng có người nhân danh Hiệp hội để bảo vệ lợi ích cá nhân. Sau đó, khi chuyện ngừng xuất khẩu được gỡ bỏ thì khách hàng đã bỏ đi, giá gạo đã hạ xuống và uy tín của doanh nghiệp đã giảm. Và bây giờ thì Hiệp hội lại đang đề nghị Chính phủ cho phép tăng thêm lượng gạo xuất khẩu.
Ngay những ngày này, các doanh nghiệp phía Nam đang chạy đôn chạy đáo thu mua hoa quả, đặc biệt là nhãn để xuất khẩu nhưng lượng thu mua được quá ít không đáp ứng được cho khách hàng. Thế là khi giá xuất khẩu rất cao thì chả có hàng để bán, nhưng có thể chỉ ít ngày nữa khi nhãn rộ lên thì lại chả có ai mua, chả biết bán cho ai. Chuyện này vẫn thường xuyên xảy ra đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta, đặc biệt là với hàng nông sản.
Hiệu quả xuất khẩu liên quan trực tiếp và gián tiếp đến lợi ích của người sản xuất đặc biệt là người nông dân, liên quan đến lợi ích của doanh nghiệp, của nền kinh tế, liên quan đến cán cân ngoại thương. Chính vì thế, không thể duy trì hoạt động xuất khẩu một cách bấp bênh, cũng như không thể điều hành xuất khẩu một cách tuỳ hứng.
Nói về chuyện bất đồng trong điều hành xuất khẩu gạo, Hiệp hội xuất khẩu gạo cho rằng đó chỉ là chuyện nội bộ. Tuy nhiên, dù nội bộ hay công khai mà ảnh hưởng đến hiệu quả xuất khẩu của doanh nghiệp và của nền kinh tế thì việc điều hành của một tổ chức đại diện cho doanh nghiệp như vậy cũng không thể được chấp nhận. Rất nhiều chuyện khác cũng từng xảy ra và khả năng là vẫn sẽ xảy ra.
Còn nhớ, khi mặt hàng thép và phôi thép bị ế ẩm và tồn đọng ở thị trường trong nước kéo theo tồn đọng vốn, các doanh nghiệp thép mang đi xuất khẩu đã bị lên án là chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt của riêng doanh nghiệp.
Rồi chuyện xuất khẩu phân bón cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và doanh nghiệp cũng bị lên án như thế.
Thế nhưng ở góc độ khác, liệu có ai bù lỗ cho doanh nghiệp phân bón và doanh nghiệp thép những khoản thua lỗ khi cứ giữ hàng lại trong kho để lãi suất ngân hàng ngày thêm nhiều hơn không.
Nền kinh tế thị trường khó có thể duy trì việc các cơ quan chức năng can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp như thế.
Trong khi thị trường thế giới đang buộc phải thu hẹp nhu cầu tiêu thụ, tức là thu hẹp mức nhập khẩu, thì tốc độ xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm xuống là điều không thể tránh khỏi. Doanh nghiệp đã và đang khắc phục tình trạng này bằng sự linh hoạt, sáng tạo trong việc tìm được thị trường thích ứng, sản phẩm phù hợp.
Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính ở mọi khâu, trên mọi phương diện mới chính là yếu tố mạnh giúp doanh nghiệp xuất khẩu vận hành tốt.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thì những yếu kém trong hệ thống hành chính chính là rào cản lớn đối với việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Vì vậy cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, coi đây là khâu đột phá trong điều kiện hiện nay, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.