Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
USD mất giá - “Liều thuốc” nào cho các DN xuất khẩu?
12 | 03 | 2008
Kim ngạch XK là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trong việc tăng trưởng GDP của cả nước, vì thế, nếu hoạt động XK của các DN gặp khó khăn thì đó là điều lo ngại lớn. Việc đồng USD đang rớt giá liên tục, đang đặt các DN XK vào thế cực kỳ khó khăn.
Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2008, kim ngạch XK của cả nước đạt tới 4,911 tỉ USD, tháng 2/2008 đạt 3,8 tỉ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy 2 tháng đầu năm 2008, kim ngạch XK đạt 8,71 tỉ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ - đây là con số khá lý tưởng để các DN tiếp tục đẩy mạnh XK từ nay đến cuối năm, đồng thời cũng là thước đo để các cơ quan quản lý điều hành XNK trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số khả quan trên đang có một vấn đề đáng lo ngại, đó là thực trạng đồng USD mất giá liên tục đã tác động tiêu cực tới các hoạt động XK. Đặc biệt, trong khi Việt Nam đang khuyến khích đẩy mạnh XK, hạn chế NK, nhằm thu hẹp khoảng cách nhập siêu đang đà tăng mạnh thì yếu tố mất giá của đồng USD thực sự đang là lực cản quá lớn. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, thứ nhất, sự mất giá của đồng USD tác động tiêu cực tới các hoạt động XK bởi hầu hết các DN Việt Nam XK đều thanh toán bằng đồng USD.

Hiện nay, USD bị mất giá trên thị trường, tiền đồng bị thiếu hụt trong lưu thông khiến các DN rất khó bán ngoại tệ thu về sau XK để thu hồi vốn, trang trải chi phí sản xuất. Các ngân hàng hiện nay chủ trương hạn chế mua USD hoặc mua với tỷ giá thấp, đã tác động đến dòng vốn kinh doanh của DN.

Thực tế trên đang đẩy nhiều DN rơi vào tình trạng có dư ngoại tệ, nhưng không bán được cho ngân hàng, trong khi vẫn phải vay vốn tiền đồng với lãi suất cao hơn trước đây (do các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất cho vay lên 1,1-1,4%/tháng) và các DN đang phải chịu lỗ để duy trì sản xuất và thực hiện các đơn hàng đã ký với khách hàng trước đây. Thứ hai, nhiều mặt hàng XK của Việt Nam, hoặc phải NK tới 70 – 80% nguyên phụ liệu, hoặc phải thu mua bằng đồng nội tệ trong nước; trong khi đó, mặt bằng giá của thế giới và cả trong nước tăng rất mạnh.

Như vậy, chi phí đầu vào thì tăng cao, trong khi XK thì thu về đồng USD mất giá. Đây là một thực tế đang diễn ra và theo dự báo vẫn còn sẽ tiếp tục trong những tháng tới.Hàng loạt các DN rất mạnh trong các hoạt động XK đang “kêu cứu”.

Ví dụ như các DNXK thủy sản. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) đã liên tục tổ chức nhóm họp và tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho các DNXK trong khả năng có thể. Tuy nhiên với tình hình đồng USD vẫn tiếp tục mất giá, khả năng tháo gỡ đã vượt khỏi tầm của DN và hiệp hội. Đầu tháng 3, VASEP đã khẩn cấp làm đơn trình Bộ NN&PTNT kêu gọi sự hỗ trợ kịp thời. Ngay như các DNXK cà phê, XK gạo, tuy đang thắng lợi vì giá XK, nhưng chi phí đầu vào, giá thu mua trong nước cũng tăng “chóng mặt” khiến nhiều DN phải tính đến con số lợi nhuận thực tế đem về cho DN là bao nhiêu đằng sau những con số tăng trưởng kim ngạch XK.

Điều đáng nói, trong khi các DNXK đang kêu trời vì sự mất giá của USD, nhất là việc tăng lãi suất cho vay đến chóng mặt đối với đồng tiền Việt Nam của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây, thì Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mở rộng biên độ mua, bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại so với tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng thêm 0,25% kể từ ngày 10/3. Như vậy, biên độ giao dịch ngoại tệ đã tăng từ mức 0,75% hiện nay lên 1% và đồng Việt Nam sẽ tăng giá ở một mức nhất định theo sự nới rộng biên độ tỷ giá.

Theo ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc NHNN, bài toán này trước mắt có tác động tích cực đến kiềm chế lạm phát và phản ánh chính xác hơn tình hình cung cầu trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực đó thì việc mở rộng biên độ giao dịch khiến đồng Việt Nam tăng giá là rất có thể tác động xấu đến hoạt động XK. Trước thực trạng này, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đang tích cực đưa ra một số các giải pháp giúp các DN từng bước khắc phục khó khăn và sẽ đưa ra kiến nghị đối với NHNN, để tìm được giải pháp hợp lý, giảm tác động xấu nhất đối với hoạt động XK.


Nguồn: Báo Thương Mại
Báo cáo phân tích thị trường