Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN TĂCN, thuốc thú ý "chết chùm" với người chăn nuôi
03 | 12 | 2008
Những khó khăn của ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản năm 2008 này không chỉ đẩy hàng loạt chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản vào cảnh thua lỗ, mà nhiều DN SXKD thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng sống dở chết dở…
DN kinh doanh nguyên liệu “chết” vì... tham

Lỗ nặng nhất trong ngành TĂCN, có lẽ là những DN chuyên kinh doanh nguyên liệu (khô dầu đậu tương, ngô, sắn lát, bột cá...). Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi VN, hồi tháng 7, 8 và nửa đầu tháng 9, giá khô dầu đậu tương thế giới lên 550 USD/tấn. Nhiều DN tính toán giá sẽ còn lên cao nữa nên hối hả nhập về với khối lượng lớn.

Nhưng sau khi leo lên đến đỉnh điểm, giá khô dầu đậu tương bắt đầu giảm xuống, trong khi lượng nguyên liệu tồn kho vẫn còn khá lớn. Khoảng giữa tháng 12 này sẽ có một khối lượng lớn khô dầu đậu tương được nhập vào Việt Nam với giá chỉ còn 320-350 USD/tấn, thấp hơn tới 200 USD/tấn so với lúc giá lên tới đỉnh. Một nguồn tin cho biết, giá khô dầu đậu tương thế giới hiện nay chỉ còn dưới 300 USD/tấn.

Ngoài khô dầu đậu tương, một số Cty tích trữ sắn lát cũng lỗ chổng kềnh. Theo nguồn tin riêng của NNVN, có một DN mua sắn lát lúc giá 4.600- 4.700đ/kg giờ giá sắn còn già nửa đã lỗ gần 2 triệu USD. Hai DN khác cũng có máu mặt trong làng thức ăn phía Bắc lỗ từ 6- 14 tỷ đồng.

Ngay cả lô hàng khô dầu đậu tương nhập về vào giữa tháng 12 này cũng đang đứng trước nguy cơ bị lỗ nặng. Với vụ thua nặng về giá này, nhiều DNNK nguyên liệu TĂCN đã bị thua lỗ khoảng vài chục tỷ đồng/đơn vị. Đến nay đã có khoảng 80% doanh nghiệp TĂCN bị thua lỗ, 36 DN đã phải tạm ngưng hoạt động

Thức ăn chăn nuôi bán chậm, sắn không tiêu thụ được bị mối mọt ăn, phẩm chất sắn giảm càng khó bán hơn. Được biết hơn 2 tháng qua, Cục Chăn nuôi cũng như Cục Thú y hầu như không nhận được lời mời nào từ DN kinh doanh nguyên liệu đến lấy mẫu các lô hàng nguyên liệu nhập về để giám định chất lượng. Đơn giản, thức ăn chăn nuôi trong các NM tồn kho chất cao đến nóc không tiêu thụ được thì NK nguyên liệu về bán cho ai?

Các DN sản xuất TĂCN chết thì người chăn nuôi gia súc, nuôi cá, nuôi tôm... cũng lao đao. Hiện hàng loạt trang trại chăn nuôi đã phải giảm đàn từ 30-40%. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL đã phải treo ao, treo hầm vì bị thua lỗ trong suốt cả năm qua. Nhiều hộ nuôi tôm sú ở khu vực này cũng giảm hẳn mức đầu tư so với trước do giá tôm xuống quá thấp. Không tiêu thụ được sản phẩm, đến nay đã có khoảng 80% doanh nghiệp TĂCN bị thua lỗ, 36 DN đã phải tạm ngưng hoạt động. Điều đáng nói là cả 36 DN này đều là DN Việt Nam 100%. Còn các “đại gia” trong ngành TĂCN, có nguồn vốn nước ngoài vẫn đang tiếp tục trụ vững nhờ chủ động được vốn cũng như nguồn nguyên liệu.

Sản xuất thuốc thú y đang gặp khó
DN thuốc thú y chỉ SX 1-2 ngày/tuần

Các DN sản xuất thuốc thú y cũng đang đứng ngồi không yên trước tình trạng tiêu thụ thuốc các loại rất chậm. Bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Cty TNHH Thuốc Thú y- thuốc thuỷ sản Minh Dũng than thở “Hồi đầu năm, thuốc vẫn bán được. Nhưng bây giờ tình hình trở nên quá khó khăn. Nhiều DN lớn trong ngành thuốc thú y phía Nam chỉ còn sản xuất cầm chừng thôi. Anh tính số lượng đầu gia súc, gia cầm giảm chóng mặt, giá thực phẩm lại xuống thấp do thịt NK thì người dân đâu dám mua thuốc thú y về xài. Nếu người chăn nuôi chết chắc chúng tôi cũng khó mà sống được”.

Theo ông Nguyễn Như Pho, Phó TGĐ Tập đoàn NOVA “Giá heo, gà rớt mạnh khiến cho nhiều hộ bỏ nuôi. Phần lớn người nuôi cá tra lỗ nặng, phải treo ao, treo hầm. Người nuôi tôm sú cũng chẳng khá gì hơn. Vừa rồi, tôi đi ĐBSCL thấy tình hình nuôi cá, nuôi tôm còn thê thảm lắm. Khi người chăn nuôi gia súc và thuỷ sản cùng “chết” thì các DN thuốc thú y cũng lao đao bởi thuốc làm ra biết bán cho ai”.

Tập đoàn NOVA đang có vốn sở hữu trong 2 Cty thuốc thú y lớn là Bio Pharmachemie và Anova thì cả hai Cty này mỗi tuần chỉ còn sản xuất được từ 1-2 ngày. Còn ông Nguyễn Hữu Vũ, TGĐ Cty Thuốc thú y Hanvet- một DN thuốc thú y thuộc hàng anh cả ở phía Bắc cũng than thở: "Hanvet vừa đưa vào hoạt động NM SX thuốc đạt chuẩn GMP thì đúng lúc chăn nuôi xuống dốc. NM chúng tôi đầu tư hơn 70 tỷ đồng giờ vừa làm vừa trả nợ thì biết bao giờ mới hoàn vốn đây. Nhưng tôi tính năm tới sẽ còn khó khăn hơn năm nay".

DN lớn đã vậy, DN vừa và nhỏ lại càng bi đát hơn. Nhiều DN thuốc thú y vừa và nhỏ đã phải tạm ngừng SX dài ngày, có khi chỉ chạy máy 3-4 ngày/tháng để máy móc đỡ hỏng hóc. Không bán được thuốc, một vài DN đành đem tặng nông dân dưới hình thức hỗ trợ nhưng thực chất là giải toả hàng tồn kho.

GĐ một DN thuốc thú y than thở “Chưa có khi nào tiêu thụ thuốc khó như mấy tháng cuối năm nay. Do thua lỗ nặng, dân bỏ nuôi gà, heo, cá nhiều qúa, khiến DN nào cũng bị tồn đọng một lượng sản phẩm rất lớn. Nếu tình trạng này còn kéo dài, e rằng sẽ còn thêm nhiều DN thuốc thú y phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản luôn”.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường