Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hàng Trung Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam
02 | 12 | 2008
Không chỉ hàng nhựa mà vật liệu xây dựng, quần áo, giày dép Trung Quốc cũng đang làm mưa làm gió thị trường VN. Đây chỉ là đợt sóng đầu tiên của những “cơn bão” hàng giá rẻ Trung Quốc được dự báo sẽ đổ bộ vào VN năm 2009.
Vài tháng nay, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc (TQ) đổ về VN ngày càng nhiều. Không chỉ mẫu mã đẹp, nhiều mặt hàng có giá chỉ bằng 50% so với hàng cùng loại của VN. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây chỉ là bước khởi đầu cho cuộc “đổ bộ” của hàng TQ vào VN ở thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo giới kinh doanh, không phải đến bây giờ hàng TQ mới xuất hiện tại thị trường VN một cách rầm rộ nhưng chưa bao giờ sự hiện diện của hàng TQ lại “ấn tượng” đến như vậy.

Từ 20% “vọt” lên 70%

Các loại đồ nhựa Trung Quốc bán tại chợ Bình Tây, Q.6, TP.HCM Nhiều loại giày dép nhãn hiệu Trung Quốc tại chợ An Đông, Q.5, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Một trong những mặt hàng có nguồn gốc từ TQ được giới kinh doanh xác nhận “tăng đột biến” ở thời điểm hiện nay là sản phẩm nhựa, quần áo, giày dép và gạch xây dựng. Chị Nguyễn Mỹ Anh, chủ sạp kinh doanh mặt hàng nhựa tại chợ Bình Tây, cho biết chỉ trong một tháng qua đã nhận không dưới 20 mẫu chào rổ rá, giỏ xách, xô chậu, bình đựng đá, bình thủy, kệ nhiều tầng... từ các thương lái chuyên đánh hàng nhựa gia dụng TQ. “Cùng một mặt hàng, nhưng hàng TQ kiểu dáng đẹp và giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với hàng sản xuất trong nước” - chị Anh cho hay.

Kim ngạch nhập khẩu từ TQ: gần 13 tỉ USD

Theo Thương vụ VN tại TQ, tính trong mười tháng đầu năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu của TQ sang VN ước đạt 12,87 tỉ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, xuất khẩu sang VN nhiều nhất là mặt hàng cơ điện, máy móc các loại trên 3,5 tỉ USD, nguyên phụ liệu, sắt thép - kim loại màu xấp xỉ 2,7 tỉ USD, hàng dệt may khoảng 2 tỉ USD...

Dù sức mua vẫn đang ở mức rất thấp nhưng với những đề nghị hấp dẫn như: hàng ký gởi chậm thanh toán tiền, tỉ lệ chiết khấu cao... nhiều mặt hàng có xuất xứ từ TQ đã khiến nhiều chủ sạp kinh doanh xiêu lòng tiếp nhận.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng thuộc loại lớn tại TP.HCM thừa nhận: đây là thời điểm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng nhựa gia dụng. “Những nhà phân phối của chúng tôi tại thị trường phía Bắc đều...khuyên đừng gửi hàng ra nữa vì hàng TQ đổ về nhiều vô kể, giá lại rẻ, mẫu mã đa dạng đến mức không thể tưởng tượng được” - vị phó tổng giám đốc này lo lắng.

Không chỉ riêng các mặt hàng nhựa, nhóm hàng vật liệu xây dựng, gạch lót nền xuất xứ từ TQ cũng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Theo khảo sát của chúng tôi, giá nhiều mặt hàng gạch lót nền TQ chỉ bằng 50% hàng sản xuất trong nước và mẫu mã rất đa dạng.

Chính ông Dương Đức Trí, chủ DNTN xây dựng Trí Viễn (Q.6, TP.HCM), phải thừa nhận: “Màu sắc của các loại “đa dạng đến mức dân trong nghề như chúng tôi không thể hình dung nổi”. Theo ông Trí, loại gạch granite TQ loại 60x60cm giá hiện tại chỉ khoảng 150.000-250.000 đồng/m2, trong khi cùng loại hàng sản xuất trong nước giá từ 300.000-400.000 đồng/m2. “Dù đã có rất nhiều khuyến cáo về chất lượng gạch TQ như: dễ bị thấm, đứt hàng giữa chừng trong quá trình thi công nhưng do giá rẻ nên một số người vẫn chọn mua” - ông Trí nói.

Theo một chủ đầu tư hệ thống siêu thị tại TP.HCM, tỉ lệ hàng giày dép, quần áo may sẵn có xuất xứ từ TQ kinh doanh tại hệ thống siêu thị đã tăng từ 20% lên mức... 60%, thậm chí đến 70% ở thời điểm hiện tại. “Hàng mẫu chào liên tục với giá rẻ hơn trước ít nhất 10-15% nên hàng TQ đang được tiêu thụ khá nhiều tại siêu thị” - chủ siêu thị này cho hay.

Đối phó cách nào?

Các loại giày dép Trung Quốc được bày bán tràn ngập tại chợ An Đông, quận 5, TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Theo một cán bộ có thẩm quyền của Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), dự báo hàng dệt may TQ sẽ tiếp tục “đổ bộ” với quy mô lớn khi mức thuế nhập khẩu từ mức 50% chỉ còn 20% theo lộ trình gia nhập WTO. “Với giá bán quá rẻ, ngay cả khi đi bằng đường chính ngạch, hàng TQ vẫn có lợi thế cạnh tranh so với hàng trong nước nếu như các doanh nghiệp vẫn... kiên quyết kinh doanh theo kiểu ì ạch hiện nay” - ông này nhận xét.

Không chỉ hàng cấp thấp của TQ tràn vào, dự báo các sản phẩm may mặc cao cấp, đạt chuẩn xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, EU... của TQ cũng chuyển hướng đổ vào VN thông qua các công ty thương mại lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng trước mắt Bộ Tài chính cần sử dụng ngay công cụ thuế để “chặn” bớt lượng hàng chính ngạch. Theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), để ngăn chặn tình trạng thép cuộn TQ sẽ ồ ạt đổ vào VN, cần nâng thuế nhập khẩu thép thành phẩm từ mức 8% lên 20%, thuế suất thuế nhập khẩu phôi từ mức 2% lên 5%. Dù cho rằng việc sử dụng công cụ thuế chỉ mang tính chất “đối phó” nhưng VSA thừa nhận “chỉ có sử dụng công cụ thuế mới may ra ngăn chặn được việc nhập khẩu thép ồ ạt từ TQ trong thời gian tới”.

Ông Phạm Đỗ Chí (phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital):

Cần một hàng rào kỹ thuật

Tôi đã cảnh báo tình trạng này mấy tuần trước vì đây sẽ là xu hướng chung khi tình hình suy thoái kinh tế ở nhiều nước làm ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu của những quốc gia láng giềng sang thị trường châu Âu và Mỹ. Khi các mặt hàng rẻ, có công nghệ cao hơn không thể bán sang các thị trường xuất khẩu truyền thống, họ sẽ tìm cách đưa vào thị trường khác và VN là thị trường gần sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Tuần rồi tôi xem một tivi màn hình phẳng hiệu Samsung bây giờ giá chỉ còn 5,3 triệu đồng (khuyến mãi thêm một máy hút bụi). Cũng tivi này năm ngoái tôi phải mua đến 16 triệu đồng. Sức ép giá rẻ, công nghệ cao hơn sẽ tạo một áp lực cạnh tranh rất lớn lên các ngành công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng của VN. Đây sẽ là bài toán lớn cho các doanh nghiệp và buộc họ phải nhanh chóng hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm tăng cường sức cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa. Tôi nghĩ một hàng rào kỹ thuật về thuế cần phải dựng lên để bảo hộ các doanh nghiệp trong nước nhưng không vi phạm bảo hộ mậu dịch quá đáng.



Nguồn: Tuoi Tre Online
Báo cáo phân tích thị trường