Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp sữa trong nước tăng tốc, mở rộng thị trường
11 | 11 | 2013
Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD, từ tháng 8 đến nay, nhiều hãng sữa đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thêm 10-15%, có loại tăng 20%. Hiện giá sữa nội thấp hơn giá sữa ngoại 27-74%, trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng sữa trong nước được Chi cục VSATTP TPHCM khẳng định là tương đương với các sản phẩm ngoại nhập cùng chủng loại.
Một thực tế là dù sữa ngoại có bất ổn về giá cả hay chất lượng, phân khúc thị trường của sản phẩm này vẫn phải có bởi nguồn cung sữa nội chỉ đáp ứng 30% tổng nhu cầu tiêu thụ sữa ở Việt Nam.  Chính bởi điều này nên những doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước luôn tìm cách nâng cao sản lượng, mở rộng thị trường.
 
Theo Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu,  năm 2013 tổng đàn bò là hơn 14.000 con – tăng 1.000 con so với năm ngoái. Mục tiêu là đến 2015, Mộc Châu sẽ đạt 17.000-20.000 con và năm 2020 là 40.000 con, sản lượng khoảng 180.000 tấn. Cty tự mở nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, ổn định thu nhập của nông dân, có như vậy mới đảm bảo ổn định giá bán sữa.
 
Dù đã chủ động khá lớn về nguồn nguyên liệu đầu vào, song hiện một số doanh nghiệp sữa nội mới chỉ tham gia chủ yếu ở phân khúc sữa tươi. Với lộ trình làm thay đổi thói quen sử dụng sữa tươi thay cho sữa bột của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp sữa như đang tập trung cho dòng sữa tươi và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Vì thiếu nguồn cung nên hiện doanh nghiệp sữa trong nước mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu, phần còn lại chủ yếu sử dụng sữa hoàn nguyên nhập khẩu để sản xuất sữa tiệt trùng.
 
Do thị trường hiện quá mập mờ về các nguồn gốc, chủng loại sữa tươi, sữa tiệt trùng, nhiều doanh nghiệp chủ động kiến nghị cơ quan quản lý công khai hóa các nhãn mác sản phẩm sữa. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tạo môi trường phát triển lành mạnh, cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại thị trường sữa, phân loại các sản phẩm đủ tiêu chuẩn lưu hành, cấm các sản phẩm sữa không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Nguồn: Vinanet
 


Báo cáo phân tích thị trường