Khoảng 16 giờ chiều ngày 10/3/2013, tại ruộng mía của gia đình bà Khuất Thị Nga (ấp Biên Đông, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) bốc cháy dữ dội. Người dân trồng mía chung quanh phát hiện kịp thời đã huy động hơn chục người chữa cháy, nhưng do gió lớn, mía khô nên toàn bộ ruộng mía 4 ha của bà Nga vẫn bị “bà hỏa” đốt trong vòng hơn một tiếng rưỡi.
Những tưởng ruộng mía của bà Nga là do kẻ xấu nào đó “ganh ăn tức ở” chơi ác đốt cho bõ ghét. Thế nhưng, chỉ đến hôm sau thông tin từ những người làm công tiết lộ mới biết chủ ruộng mía mới là thủ phạm chứ không ai khác. Rất may, nhờ dập tắt kịp thời nên ruộng mía cháy của bà Nga không cháy lan qua ruộng mía bên cạnh.
Làm việc với chính quyền xã Tân Đông, bà Nga thừa nhận: “Mía tui gần 1 tháng nay bị khô ngoài đồng mà chưa thu hoạch được. Thông báo cho nhà máy đường Bourbon-Tây Ninh, họ hứa chặt hoài mà không thực hiện, đến nước này thì tui phải đốt. Lẽ ranăng suấtđạt trên 70 tấn/ha, nhưng do để quá khô nên sau khi cháy chỉ còn chưa tới 50 tấn/ha.
Như vậy, mỗi ha mất 20 triệu đồng. Chưa kể qui định của nhà máy là nếu đưa mía cháy về trước 72 giờ sẽ được bao 8,5 chữ đường, còn sau 72 giờ thì có (chữ đường) bao nhiêu tính bấy nhiêu là sẽ rất khó thực hiện do vận chuyển tăng-bo từ ruộng mía về nhà máy rất khó khăn”.
Ông Ngô Khắc Lợi, Chủ tịch HND xã Tân Đông nói: “Năm nào nông dân chẳng đốt mía, vấn đề là nhiều hay ít thôi. Năm nay, do nhà máy đường trong tỉnh chủ trương không bao tiêu mía cháy nên hiện tượng tự đốt mía như bà Nga nhìn chung không nhiều. Chẳng qua là do họ quá bức xúc trước việc mía để lâu ngoài đồng sẽ mất NS và chữ đường nên đốt để gây sức ép với nhà máy”.
Ông Phạm Văn Sạ, Chủ tịch HND xã Tân Hưng, huyện Tân Châu bổ sung, việc mía cháy có nhiều nguyên nhân nhưng rất khó nói, bởi có khi do chính mấy ông đầu công chặt mía đến đốt, bởi công chặt mía cháy lên tới 300.000 đ/ngày, cao gấp 2 lần so với chặt mía không cháy. Thậm chí, có khi giữa hai chủ mía trên đồng ghét nhau cũng đốt nữa.
“Điều đáng nói là, năm nay công lao động rất thiếu do phần lớn dịch chuyển vào khu vực trồng nhiều cao su nên dù trả công cao như vậy vẫn khó kiếm. Trong khi mía cháy đòi hỏi phải có đủ lao động để thu nhanh, phương tiện chở nhanh để không bị mất NS và chữ đường” - ông Sạ nhận định.
Tính từ đầu vụ đến nay, sản lượng mía cháy đưa về nhà máy đã lên đến gần 70.000 tấn (tương đương hơn 1.000 ha mía bị cháy) mà mía cháy buộc công ty phải ưu tiên xử lý trước. Lịch chặt mía vì vậy phải thay đổi khiến cho nhiều nông dân bức xúc, tuyên bố bán mía ra ngoài cho các nhà máy khác làm chúng tôi “mất” nguyên liệu.
Không chỉ vậy, mía cháy còn làm giảm chất lượng đường, tăng chi phí SX cho DN” (một đại diện công ty Đường Bourbon-Tây Ninh).
|
Ông Nguyễn Việt Hùng, PGĐ Nhà máy Đường Biên Hòa-Tây Ninh cho hay, hàng năm vào giữa tháng 11, các nhà máyđường vùng Đông Nam bộ bắt đầu ép mía và vụ SX kéo dài đến giữa tháng 4 năm sau. Vì vậy, mỗi nhà máy đều có lịch phân bổ diện tích thu hoạch của từng vùng.
“Hiện tại đa số mía bị khô nên bà con nông dân đều muốn nhà máy mua ngay để bớt thiệt hại về năng suất, chất lượng. Nhưng công suất của nhà máy có hạn, chỉ khoảng 3,5-4 ngàn tấn mía/ngày, đành mua mía ở những vùng đủ thời gian trước. Nói thật, mía khô hoặc cháy thì nhà máy cũng thiệt, vì sản lượng đường giảm rất nhiều”, theo ông Hùng.
Tại Nhà máy Đường Biên Hòa-Trị An, công suất ép mía khoảng 2.200 tấn/ngày. Lượng mía cháy đưa về chiếm trên 30% khiến nhà máy cũng lo lắng không kém nông dân. “Cứ 100 tấn mía thì ép được 8 tấn đường, nhưng mía bị cháy nên sản lượng đường giảm xuống còn 5-6 tấn. Nếu khô hạn kéo dài, lượng mía cháy tiếp tục tăng có thể nhà máy sẽ thua lỗ” - GĐ Nhà máy Đường Biên Hòa-Trị An Lê Thành Được dự báo.
Cũng theo ông Được, nếu trong cả vụ mà sản lượng mía cháy chỉ cần 10.000 tấn (tương đương khoảng 200 ha) thì không chỉ nhà máy thiệt hại ít nhất 500 tấn đườngmà nông dân cũng mất năng suất 20-30% và chữ đường (CCS) trong mía cũng giảm từ 1-2 CCS. Theo quy định, cứ giảm 1 CCS sẽ trừ 90.000-100.000 đồng/tấn, như vậy số tiền thiệt hại hàng tỷ.