Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp “ngoại” nở nồi, nội teo tóp - Kỳ 3: “Nuốt chửng” ngành chăn nuôi
15 | 11 | 2012
TT - Là nước nông nghiệp thế nhưng ngành nông nghiệp, đặc biệt lĩnh vực chăn nuôi, đang bị các công ty nước ngoài chi phối. Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, hộ chăn nuôi đã chuyển sang nuôi gia công cho công ty “ngoại”.

>> Kỳ 1: Nhường sân cho nước ngoài
>> Kỳ 2: “Thôn tính” mì gói, bánh kẹo

 

Công ty De Heus (Hà Lan) đầu tư vào VN cuối năm 2008, đến nay công ty đã có bốn nhà máy trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản - Ảnh: T.Mạnh

 

Với nguồn lực tài chính dồi dào cùng công nghệ tiên tiến, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã phát triển rất nhanh chóng thời gian qua và đang dần chiếm lĩnh ngành chăn nuôi trong nước.

Phụ thuộc

Xã Sông Ray (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) là một trong số ít địa phương còn lại có phong trào nuôi gà công nghiệp tư nhân. Thế nhưng số người tự tổ chức chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, còn gọi là nuôi độc lập, như địa phương này đang thu hẹp lại do hiệu quả thấp trong khi rủi ro cao. Theo chị Nguyễn Thị Hoa - chủ trại gà trên 3.000 con tại đây, mặc dù độc lập nhưng chỉ trên danh nghĩa, còn thực tế người nuôi phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. “Họ bán gà giống với điều kiện phải mua kèm thức ăn chăn nuôi của họ” - chị Hoa nói.

Do phụ thuộc cả con giống lẫn thức ăn, nhiều đợt người nông dân tại Sông Ray lao đao vì giá gà giống của các công ty có lúc lên đến 20.000 đồng/con nhưng có khi chỉ vài ngàn đồng/con, chưa kể những đợt có vấn đề gà chết hàng loạt. “Tiền gà giống họ bán, tiền cám họ lấy nhưng khi gà chết hàng loạt thì họ nói lỗi do chúng tôi nên không chịu đền bù” - chị Hoa tâm sự.

 

"Nếu Chính phủ không sớm có những chính sách hiệu quả để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài, thì tương lai không xa người tiêu dùng sẽ ăn thịt và trứng do các công ty “ngoại” sản xuất ngay trên chính nước mình"

Ông Hoàng Kim Giao (cục trưởng Cục Chăn nuôi)

Do quá rủi ro, hàng loạt chủ trại gà lớn nhỏ ở khu vực Đông Nam bộ thời gian qua đã phải ngưng hoạt động hoặc chuyển sang làm gia công cho các công ty nước ngoài. Theo anh Trần Việt Sơn (Thống Nhất, Đồng Nai), cách đây năm năm từng có trại gà lên đến gần 50.000 con nhưng chỉ sau vài năm thua lỗ đã phải nghỉ để chuyển sang nuôi gia công cho một công ty của Thái Lan. “Từ năm 2008-2010, giá cám tăng liên tục khiến người chăn nuôi khốn khổ nên tôi quyết định chuyển qua nuôi gia công cho công ty nước ngoài” - anh Sơn cho biết.

 

Không chỉ chị Hoa, anh Sơn, hàng chục ngàn hộ chăn nuôi khác trên cả nước đều chuyển sang nuôi gia công do cạnh tranh quá lớn từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đối với giống gà công nghiệp lông trắng thì các công ty nước ngoài vẫn chiếm ưu thế vượt trội, hầu như cung cấp 100% con giống ra thị trường VN. Trong đó, lúc cao điểm chỉ riêng ba công ty Japfa (Indonesia), CP (Thái Lan) và Emivest (Malaysia) bán bình quân 6 triệu gà giống/tháng cho người chăn nuôi.

Thôn tính thị trường

Không chỉ có gà công nghiệp, các lĩnh vực quan trọng khác của ngành chăn nuôi cũng đã và đang dần bị các doanh nghiệp nước ngoài “nuốt chửng”.

Đầu tư vào VN năm 1993, đến nay sau 19 năm Công ty chăn nuôi CP Thái Lan trở thành công ty chiếm thị phần lớn nhất trong nhiều ngành nghề chăn nuôi. Ở lĩnh vực cung cấp thịt, trứng, CP là công ty hàng đầu chiếm thị phần 50% trứng gà, 30% thịt gà và 7% thịt heo. Công ty này chỉ cung cấp khoảng 5% về giống heo nhưng lại chiếm tới 8% thị phần sản phẩm từ heo trên thị trường. Để đạt được những con số ấn tượng này, đã có trên 20.000 hộ dân khắp cả nước tham gia mạng lưới nuôi gia công hoặc đối tác với công ty theo nhiều hình thức gia công khác nhau như nuôi lấy công, nuôi bán với giá cố định hoặc cho thuê chuồng trại.

Thị phần gà công nghiệp

 

Nguồn: Cục Chăn nuôi - Đồ họa: N.Khanh

 

Riêng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), các thương hiệu được người dân ưa chuộng, cùng với đó là thị phần lớn cũng đã thuộc về các công ty nước ngoài. Theo ông Hoàng Kim Giao - cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện cả nước có 233 nhà máy sản xuất TACN, trong đó 58 nhà máy (24,9%) thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả công ty 100% vốn nước ngoài và các công ty liên doanh) nhưng sản xuất tới 60% tổng sản lượng TACN công nghiệp quy đổi (trên 10 triệu tấn). Thị phần TACN công nghiệp của một số công ty nước ngoài hàng đầu như CP Việt Nam chiếm khoảng 18%, New Hope 9-10%...

Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế (2010-2012), trong khi nhiều công ty trong nước phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản thì các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chăn nuôi không ngừng mở rộng thị phần. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi ở 17/34 doanh nghiệp nước ngoài cho thấy tổng đầu tư các doanh nghiệp FDI là 269,7 triệu USD năm 2010 tăng lên 365,3 triệu USD năm 2012 (tăng 35,5%).

Doanh nghiệp trong nước tự bơi

Anh Nguyễn Xuân Thanh, người từng mở một nhà máy sản xuất TACN quy mô nhỏ tại Bình Dương vào năm 2003 và phải đóng cửa cuối năm 2011, phân tích nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp trong nước “chết” là do lãi suất ngân hàng quá cao. “Các công ty nước ngoài có nhiều vốn nên chiết khấu cho đại lý nhiều, cho khách hàng lớn trả chậm trong khi công ty tôi quy mô nhỏ không thể làm được như vậy, khách hàng dần chuyển qua các công ty đối thủ” - anh Thanh đau xót.

Không chỉ có anh Thanh, hàng trăm doanh nghiệp khác ngành sản xuất TACN trong nước cũng gặp khó khi đối mặt với các doanh nghiệp nước ngoài. Kết quả là thị phần của doanh nghiệp trong nước ngày càng bị thu hẹp trong khi các công ty FDI liên tục mở thêm nhà máy mới và mở rộng thị phần.

Anh Phạm Văn Tuấn, chủ trại gà quy mô lên đến hơn 100.000 con tại Trảng Bom (Đồng Nai) đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề, bức xúc cho biết từ trước đến giờ chưa khi nào tiếp cận được những chính sách ưu đãi của Nhà nước. “Chúng tôi phải tự bơi để cạnh tranh với các công ty nước ngoài đầu tư tại VN, gần đây lại thêm thịt gà nhập khẩu. Người chăn nuôi trong nước không còn đủ sức để cạnh tranh nữa” - anh Tuấn nói.

Trong lần gặp PV Tuổi Trẻ tại công ty mới đây, ông Chung Kim - giám đốc Công ty Kim Long (Bình Dương), một công ty có tiếng trong lĩnh vực sản xuất TACN - chỉ vào khoảng sân rộng nói trước kia khi kinh doanh phát đạt, xe ra vào lấy và dỡ hàng kín đặc sân nhưng hiện chỉ còn vài chiếc. “Ngành kinh doanh TACN nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung của VN đang rất khó khăn” - ông Chung Kim tâm tư.

Còn ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN, cho rằng năm 2012 các doanh nghiệp sản xuất TACN gặp khó khăn do tồn kho nhiều và chịu lãi suất lớn. Mặc dù vậy, tỉ lệ lợi nhuận của các công ty vốn nước ngoài vẫn ở mức cao do họ có lợi thế và trữ nguyên liệu, lãi vay thấp và thị trường lớn hơn các công ty trong nước.

 

Nguy cơ từ thịt nhập khẩu

Theo các chủ trang trại chăn nuôi, giá bán sản phẩm chăn nuôi (heo, gà, vịt, trứng) thấp suốt từ đầu năm đến nay, trong đó có nhiều tháng liền bán dưới giá thành khiến cả ngành chăn nuôi thua lỗ. Tháng 10 vừa qua, Công ty Japfa thông tin đến các chủ trang trại trong mạng lưới chăn nuôi gà của họ về việc giãn thời gian nuôi 4-5 lứa/năm xuống còn 2 lứa/năm.

Theo các chủ trại, các công ty lớn khác như CP, Emivest cũng đang có kế hoạch giảm đàn để cắt lỗ. Trao đổi mới đây, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg - tổng giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam - cho biết do ảnh hưởng của thịt nhập khẩu mà ngành chăn nuôi VN đang điêu đứng.



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường