Ông Vương Hải – GĐ Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La: Hiện nay café ở Sơn La phát triển tốt nhưng doanh nghiệp của tỉnh giúp bà con thu mua lại vướng mắc do nợ cũ, nợ trong dân không thể giải quyết được. Sau 2 lần chuyển đổi nhưng không thành công, và nợ trong dân thành nợ khó đòi và mất luôn vốn của Nhà nước chỉ còn cách doanh nghiệp xin phá sản.
Ông Vương Hải – GĐ Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La: Chúng tôi mong muốn Nhà nước và Chính phủ làm thế nào để tái lập công ty café cây ăn quả. Một là để ổn định vùng nguyên liệu đảm bảo công việc cho bà con nông dân, hai là để thiết bị máy móc được hoạt động tiếp tục phát huy tránh để lãng phí.
Năm 2007, tỉnh Sơn La chủ trương trồng mới 300ha càphê, tập trung ở huyện Mai Sơn và thị xã Sơn La, nâng tổng diện tích càphê toàn tỉnh lên 3.500ha. Tuy nhiên, Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La lại đang trên bờ phá sản do nợ đọng vốn đầu tư trong dân quá lớn chưa thể giải quyết. Khi bắt đầu được hưởng lợi vì café được giá, nông dân lại quay lưng với doanh nghiệp. Họ không thực hiện cam kết bán càphê và trả nợ cho Công ty. Mà trong lúc tình thế khó khăn, họ bán sản phẩm ra ngoài cho thương lái với giá cao hơn. Thực tế đó đã đẩy Công ty Càphê và Cây ăn quả Sơn La vào thế khó...
Ông Vương Hải – GĐ Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La: 20 đến 30 năm chúng tôi đã làm cho bà con nông dân có kinh nghiệp và bài bản. Chúng tôi đã xây dựng hình ảnh thị trường tiêu thụ café sơn la rất tốt. Đã nhiều năm làm và có kinh nghiệm , nếu không củng cố và phát huy được là điều rất đáng tiếc . Trước mắt là thiệt cho Nhà nước, doanh nghiệp thì không chuyển đổi được, bà con nông dân không có đầu tiêu thụ ổn định.
Toàn bộ nhà máy chế biến cafe này, Công ty đang phải cho đơn vị khác thuê lại để có tiền duy trì cho một số hoạt động khác. Ý tưởng xây dựng liên kết 4 nhà để cải thiện đời sống kinh tế của nông dân, ổn định và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La xem ra sẽ phá sản theo doanh nghiệp này. Cây café phát triển tốt và thu nhập của bà con ở mức khá như bây giờ cũng nhờ vào dự án trồng café Arabica và công ty café và cây ăn quả Sơn La cũng đi đầu trong thực hiện liên kết 4 nhà nhưng giờ đây, chính công ty này đang lao vào cảnh khốn đốn.
Ông Vương Hải – GĐ Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La: hiện tại tỉnh đang xác định việc phá sản là việc rất khó và tỉnh đang nhờ công ty mua bán nợ. và công ty mua bán nợ đã khảo sát nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Mô hình 4 nhà là mối liên kết có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của các bên tận dụng có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương nhằm tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có giá trị cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn nhất cho đến thời điểm hiện tại chính là sự thiếu đồng bộ giữa các nơi được áp dụng mô hình cũng như giữa các nhà với nhau. Một rào cản lớn hiện nay trong mô hình là quan hệ về lợi ích, trách nhiệm và nghĩa vụ giữa các nhà với nhau vẫn chưa rõ ràng.
Ông Vương Hải – GĐ Công ty Cà phê và Cây ăn quả Sơn La: Vai trò của Nhà nước là người cầm cân nảy mực cũng chỉ ở giữa, vai trò của nhà khoa học phải thông qua doanh nghiệp mới đến được với nông dân, ít khi mà nhà khoa học đến trực tiếp với nông dân. Mấu chốt vẫn là mối quan hệ doanh nghiệp và nông dân. Tỉnh vẫn chưa can thiệp gì nhiều về thể chế, mua bán café trong tỉnh, hiện có 4 nhà máy thu mua café nhưng chưa có liên kết.
Doanh nghiệp và nông dân là trung tâm của mối liên kết nhưng không đặt trọn niềm tin vào nhau đã làm cho mối liên kết của 4 nhà thiếu chặt chẽ, nên rủi ro trong sản xuất là điều khó tránh khỏi. Chỉ khi nào, cả 4 nhà cùng nhìn về một hướng, mới có thể xây dựng được một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Và như vậy quy trình hoạt động của Công ty café Cây ăn quả Sơn La này mới hoạt động nhộn nhịp trở lại.
AGROINFO