Bởi năm 2009 là lần đầu tiên sau 13 năm, xuất khẩu thủy sản VN đạt tăng trưởng âm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN, năm 2009, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt hơn 4,2 tỷ USD, giảm khoảng 6,6% so với năm 2008. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính và do nguồn nguyên liệu trong nước sụt giảm mạnh.
Đây cũng là lý do để nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL quyết định gia tăng diện tích nuôi trồng nhằm gỡ khó cho ngành thủy sản!? Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, năm 2010, các tỉnh ĐBSCL sẽ đưa diện tích nuôi thủy sản lên 930.000 ha mặt nước, tăng 100.000 ha so với năm 2009; sản lượng đạt 2,4 triệu tấn, tăng 400.000 tấn.
Thật ra, với mục tiêu trên, không quá khó để các tỉnh thực hiện, nhưng liệu rằng khi đạt yêu cầu nó sẽ đảm bảo tính phát triển ổn định cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của vùng hay không? Thực tế cho thấy, hiện nay vấn đề cần giải quyết vẫn là tập trung nâng cao chất lượng và qui hoạch tốt vùng nguyên liệu; nếu không sắp tới mặt hàng thủy sản của vùng ĐBSCL sẽ khó chen chân xuất ngoại.
Bộ NN & PTNT nhìn nhận, xuất khẩu cá tra VN năm 2010 tiếp tục gặp khó khăn với nhiều rào cản kỹ thuật từ phía nhà nhập khẩu; mà cá tra lại chính là một trong 2 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL ngoài con tôm.
Lâu nay, người nuôi thủy sản vẫn sản xuất theo kiểu manh mún, và chạy theo phong trào, nên việc qui hoạch vùng nuôi, loại hình nuôi phù hợp là hết sức cần thiết. Dễ thấy nhất, nếu nhìn lại năm 2008, khi nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL “lao đao” bởi dịch bệnh trên tôm thì sang năm 2009, diện tích nuôi tôm của vùng đã bị “teo tóp”; kéo theo “cơn khát” nguyên liệu thường xuyên của các nhà máy chế biến.
Quan trọng hơn, ngày nào các địa phương chưa xác định cụ thể được vùng nuôi thủy sản, ngày đó môi trường còn tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Theo tính toán của các chuyên gia môi trường, để có được 1 kg cá thương phẩm, người nuôi cần trên 1,3 kg thức ăn công nghiệp hoặc 2 kg thức ăn tự chế. Trong đó, lượng thức ăn thất thoát ra môi trường nước chiếm khoảng 15%. Còn đối với tôm sú nuôi theo dạng công nghiệp, để có được 1 tấn tôm đúng kích cỡ thì môi trường phải “hứng” gần 350 kg chất ô nhiễm hữu cơ. Tính ra, với diện tích nuôi khoảng 820.000 hecta như hiện nay ở ĐBSCL, mỗi năm có đến 140.000 tấn chất thải phát sinh.
Do đó khi các tỉnh nâng diện tích lên thêm 100.000 hecta mà vẫn chưa giải quyết được bài toán qui hoạch vùng nuôi thì hậu quả về ô nhiễm môi trường sẽ không tránh khỏi. Và rõ ràng, để đạt chỉ tiêu về sản lượng, nhằm đáp ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng đổi lại môi trường gia tăng mức độ ô nhiễm thì cần xem lại.