Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu tôm sú: xuất nhiều nhưng nuôi ít
11 | 05 | 2010
4 tháng qua, thị trường Nhật vẫn đứng đầu và kế tiếp là Mỹ mà cả hai thị trường này chiếm tới 33% xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Giá tôm sú tăng chóng mặt, còn các nhà máy chế biến tôm đông lạnh thì không mua được tôm nguyên liệu chế biến giao cho khách hàng nên chỉ hoạt động 30-50% công suất thiết kế. Đây chính là khó khăn nội tại của nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm hiện nay trước thực trạng xuất khẩu tôm ngày một tăng nhưng nuôi trồng thì giẫm chân tại chỗ.

Tăng xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ Công Thương, xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm nay tăng tới 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,3 tỉ đô la Mỹ mà trong đó tôm là mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên, trong phân tích tình hình xuất khẩu trong thời gian tới của chính bộ này thì việc tăng kim ngạch thủy sản sẽ gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu của thị trường trong nước. Hiện sản lượng tôm chỉ đáp ứng từ 30- 50% nhu cầu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu.

Năm ngoái, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên xuất khẩu thủy sản sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, đã giảm 6%. Thế nhưng tôm sú lại là mặt hàng duy nhất tăng trưởng 3%, đạt 1,675 tỉ đô la Mỹ và nhờ chiếm tỷ trọng lớn, tới hơn 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nên ngành thủy sản xem con tôm sú chính là mặt hàng đã giúp ngành này không tụt giảm mạnh.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), khi nói về xuất khẩu tôm năm nay, đã cho rằng giá thành nuôi tôm lẫn sản lượng tôm sú trong nước là nhân tố quyết định kim ngạch xuất khẩu chứ không phải thị trường xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ thị trường xuất khẩu tôm năm nay nhiều khả quan, báo hiệu con tôm sú còn tăng trưởng kim ngạch mạnh hơn nữa.

Thực tế cũng chứng minh qua xuất khẩu tôm 4 tháng qua, thị trường Nhật vẫn đứng đầu và kế tiếp là Mỹ mà cả hai thị trường này chiếm tới 33% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hàn Quốc vươn lên vị trí nhập khẩu tôm thứ ba đúng như dự đoán của Vasep hồi đầu năm nay trong một hội nghị phân tích về tình hình xuất khẩu tôm.

Ngay từ đầu năm nay, các nhà máy chế biến tôm bắt đầu than vãn chuyện thiếu thốn nguyên liệu tôm, nên phải hoạt động cầm chừng. Giá tôm thì tăng liên tục từ đầu năm tới nay, có lúc tăng tới 30-40% so với cuối năm ngoái.

Nuôi ít

Nghịch lý của chế biến xuất khẩu tôm trong nhiều năm qua là khâu nuôi trồng chưa tăng tương xứng với xuất khẩu cũng như đầu tư mở rộng nhà máy chế biến tôm ở các doanh nghiệp. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tăng trưởng tôm xuất khẩu bình quân hàng năm ở mức hai con số trong khi báo cáo nuôi trồng thủy sản, thì tôm chỉ tăng sản lượng trong mức một con số, còn diện tích thì chững lại, thậm chí có năm giảm mạnh.

Điển hình như năm ngoái, các doanh nghiệp vất vả lo tìm đầu ra cho con tôm thì trong nội tại của ngành sản xuất nội địa, con tôm nuôi vẫn giảm diện tích mạnh, giảm 66.000 héc ta so với năm 2008, xuống còn 548.000 héc ta. Trong một hội nghị về thủy sản gần đây, một doanh nghiệp chế biến tôm đã cho rằng trong chục năm qua, xuất khẩu tôm có kim ngạch tăng gấp đôi nhưng diện tích nuôi tôm trong nước cũng trong ngần ấy thời gian, lại tăng rất chậm, thậm chí có năm giảm mạnh.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến tôm thời gian gần đây đầu tư thêm nhà máy, cải tạo nâng công suất chế biến ngày một nhiều càng gây áp lực thiếu nguyên liệu.

Ngay cả những tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm có kim ngạch tăng khá nhưng sản lượng tôm nuôi trong quí 1 chỉ tăng có 6,1% và đây là lý do chính đẩy giá tôm sú tăng cao trong vài tháng gần đây. Cả quí 1 thì nuôi tôm ở ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh tăng diện tích hoặc sản lượng là Bạc Liệu tăng 12% diện tích và 26% sản lượng, Kiên Giang tăng 40% diện tích, Cà Mau tăng 20% sản lượng, còn lại các tỉnh ven biển khác đều giảm.

Khác với con cá tra là một số nhà máy có ao nuôi cá, hoặc có các tổ liên kết nuôi cá với nông dân để chủ động nguyên liệu, riêng con tôm, rất ít nhà máy chủ động được nguồn nguyên liệu. Doanh nghiệp đều phải mua nguyên liệu trong dân, giá cả trồi sụt thất thường, không ổn định, phụ thuộc vào người nuôi. Nên hiện nay có nhà máy chế biến tôm ở Sóc Trăng cần 60 tấn tôm một ngày nhưng chỉ mua được 5-6 tấn, cao lắm là 10 tấn/ngày. Rồi các nhà máy còn phải cạnh tranh mua tôm với các thương nhân Trung Quốc đến tận vùng tôm trọng điểm ĐBSCL để mua chở về Trung Quốc.

Còn câu hỏi tại sao diện tích nuôi tôm không tăng hoặc nếu có tăng thì không đáng kể, được các doanh nghiêp lẫn nhà quản lý mổ xẻ là do đầu tư nuôi tôm ở Việt Nam cần vốn lớn, giá thành nuôi tôm lại cao so với các nước trong khu vực nên nông dân không lời nhiều, thậm chí bị lỗ. Dịch bệnh xảy ra thường xuyên cũng làm diện tích nuôi tôm giảm và sau một thời gian nông dân đổ xô đào ao nuôi tôm, nay nhiều vùng tôm thường bị dịch bệnh đã chuyển thành ruộng muối hay ao nuôi các loại thủy sản khác.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường