Cụ thể, theo Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) hiện có 7 doanh nghiệp FDI đang tham gia thu mua và xuất khẩu hồ tiêu tại Việt Nam với kim ngạch năm 2012 chiếm 36,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này (tăng 11,6% so với 2011).
Ông Trần Đức Tụng - Chánh Văn phòng VPA cho biết trong quý I-2013, các doanh nghiệp FDI đã có sự tăng trưởng khá mạnh về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kì, cá biệt có doanh nghiệp tăng đến 280%.
"Doanh nghiệp FDI đang chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu hồ tiêu Việt Nam với lợi thế về nguồn vốn và khả năng phân phối xuyên quốc gia. Việc này là tốt khi tạo ra sự cạnh tranh trong ngành nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị mất thị phần. Đồng thời một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện chuyển giá bằng cách mua tiêu giá cao nhưng xuất giá thấp về công ty mẹ", ông Tụng nhận định.
Về chính sách giúp phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong nước nói riêng, ông Trần Đức Tụng cho biết, hiện tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến hơn 90 quốc gia trên thế giới nhưng lại không có thương hiệu, tất cả các nhà nhập khẩu đều mua tiêu nước ta về đóng bao bì nhãn hiệu của họ.
Vì vậy, VPA kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ NN & PTNT quan tâm hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, truy nguyên nguồn gốc xuất xứ về hồ tiêu của các địa phương, sớm đưa cây tiêu vào chương trình VietGAP.
Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ giảm lãi suất, tạo cơ hội thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn lãi xuất thấp, vay vốn bằng ngoại tệ ổn định.
Theo Duy Quang
Báo hải quan