Gạo Việt Nam đang trở nên có giá. Gạo 5% và 25% tấm được chào bán với giá lần lượt là 256,5 USD/tấn và 246USD/ tấn, tăng 3,8% và 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bù" vào sự sụt giảm của những tháng đầu năm.
9 tháng đầu năm 2006, tổng lượng gạo xuất khẩu đạt 4,1 triệu tấn, với kim ngạch 1,1 tỷ USD. Theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu xuất khẩu 5 triệu tấn gạo theo kế hoạch rất khả quan. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp vì lợi ích cục bộ đã hạ giá bán, gây mất ổn định thị trường.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, tình trạng không thống nhất, thiếu liên kết hợp tác, tư tưởng chụp giật, "mạnh ai nấy làm" của một số doanh nghiệp xuất khẩu đã làm giảm uy tín thương hiệu gạo Việt Nam. Minh chứng là một số doanh nghiệp đã tuỳ tiện sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài (theo từng hợp đồng xuất khẩu), nên quy trình tuyển chọn gạo (bao gồm các công đoạn xay xát, đánh bóng, phân loại...) không thống nhất. Thực tế thời gian qua cho thấy, một số lô hàng gạo xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn đã bị trả lại...
Bộ NN&PTNT cho biết, để ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh, việc cắt giảm diện tích lúa vụ hè-thu ở khu vực ĐBSCL khiến sản lượng lúa giảm đáng kể. Tuy nhiên theo ước tính sản lượng lúa cả năm 2006 vẫn đạt 36,2 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Theo Bộ Thương mại, nhu cầu nhập khẩu đang tăng cao, trong khi nguồn cung trên thị trường thế giới khan hiếm, nên việc bán gạo của các doanh nghiệp xuất khẩu hết sức thuận lợi. Vấn đề đặt ra ra không để nảy sinh tình trạng lấn sân giữa các doanh nghiệp, như chào giá thấp để tranh giành hợp đồgn xuất khẩu. Hạn chế các hợp đồng khối lượng nhỏ, giá trị thấp nhằm ổn định giá xuất khẩu.
Hội nghị đã thống nhất, từ nay đến cuối năm 2006, sẽ thực hiện việc "siết chặt" giá gạo xuất khẩu, phạt nặng doanh nghiệp bán phá giá hoặc ký hợp đồng xuất khẩu nhỏ, gây mất ổn định thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường kiểm soát việc ký hợp đồng của các doanh nghiệp xuất khẩu để tránh vội vàng trong ký kết, đảm bảo hiệu quả khi thực hiện xuất khẩu trong điều kiện giá lúa có xu hướng tăng và thị trường thế giới thuận lợi.