Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mây mù mới chỉ tạm tan
04 | 06 | 2008
Yêu cầu các ngân hàng cung cấp vốn (ưu đãi) giúp DN tiêu thụ lượng cá tra tồn đọng với số lượng lớn, đồng thời triển khai việc gia hạn, cho vay mới để ngư dân "sống" với nghề... Có thể nói với hàng loạt giải pháp thiết thực, chính sách mới của Chính phủ đã xua được mây mù đang bao phủ lên nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, giải pháp cần thiết để vực dậy một làng nghề mang tầm cỡ quốc tế này vẫn như đang còn phía trước.

Liều thuốc hồi sinh


Sau hội nghị trực tuyến giữa đại diện các bộ ngành với lãnh đạo 8 địa phương có thế mạnh về nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, An Giang là địa phương đầu tiên ở ĐBSCL triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. 8 giờ sáng, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thế Năng, các ban ngành cùng đại diện các DN chế biến cá tra xuất khẩu trong tỉnh bàn giải pháp giải ngân, tổ chức thu mua và định giá sàn việc tiêu thụ cá tra...

Tại cuộc họp, hầu hết các ý kiến đánh giá cao chủ trương thiết thực của Chính phủ trong việc xua tan bóng mây đang bao phủ lên làng nghề cá tra.

Ông Phan Văn Danh - Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản An Giang cho biết: Hiện nay, An Giang còn tồn gần 70 ngàn tấn cá tra "quá lứa" (trên 1kg/con), nguyên nhân chủ yếu là do DN thiếu vốn. Trong khi đó, hầu hết các vật tư chăn nuôi đều tăng với tốc độ phi mã nên buộc lòng ngư dân phải "bán đổ, bán tháo" và đối mặt với rủi ro, nguy cơ phá sản rất cao. Vì vậy sự ra đời chủ trương "bơm tiền" của Chính phủ được xem như liều thuốc "hồi sinh".

Cần thêm sự hỗ trợ thiết thực


Tuy nhiên theo phân tích của nhiều cơ quan chuyên môn, hành động "bơm tiền" này chưa chắc sẽ mang lại cho làng nghề hơi ấm sau thời gian dài mang trong lòng sự "lạnh lẽo" khá lớn. Điều này không chỉ thể hiện trong việc ngán ngại, chần chừ tiếp cận nguồn vốn của DN mà còn thể hiện ở việc định mức giá sàn, phương thức tổ chức thu mua... Bởi tại An Giang, ngay tại cuộc họp sáng ngày 2.6, các đại biểu đã thống nhất giá sàn mua cá "quá lứa" là 14.000đ/kg.

Tiền Giang: DN không có tiền mua cá, hàng ngàn công nhân sẽ mất việc

Ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Cty CP Hùng Vương vừa cho biết, do ngân hàng thắt chặt cho vay, công ty đang thiếu tiền mua cá tra, dự kiến cầm cự đến tháng 8.2008 sẽ buộc phải cắt giảm 1.000 lao động.

Không riêng Hùng Vương, nhiều Cty chế biến thủy sản ở KCN Mỹ Tho cũng đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo trên.

Tuy nhiên theo ông Danh, chỉ có 2 DN là Cty CP Nam Việt và Cty CP XNX thuỷ sản An Giang đồng ý nhận nguồn vốn ưu đãi 450 tỉ đồng theo chủ trương của Chính phủ, các DN còn lại đều từ chối với lý do khó mở rộng được thị trường.

Ông Dương Văn Nhiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Đồng Tháp cho biết: Nếu chỉ dừng lại ở hành động "bơm tiền" cho DN thì nhiều khả năng chúng ta chỉ giúp ngư dân "cắt lỗ". Bởi giá thành chăn nuôi hiện đã lên đến 16.000đ/kg, nếu chấp nhận bán với giá sàn mà nhiều địa phương mới "thống nhất", ngư dân sẽ lỗ từ 1.500- 2.000đ/kg.

Ông Phan Văn Danh cho rằng, trong vụ việc này ngư dân chỉ là nạn nhân. Bởi xét đến cùng ngư dân gia tăng diện tích nuôi cá dẫn đến tình cảnh thừa nguyên liệu chế biến như hiện nay là do tin tưởng vào tầm nhìn của Nhà nước trong việc cấp phép cho nhiều nhà máy chế biến ra đời. Vì vậy, họ rất cần nhận được sự hỗ trợ thiết thực để có thể vừa khắc phục được những tác động trước mắt vừa có điều kiện để tính toán sự hồi phục sắp tới.

"Giá cá tra có khả năng ổn định ở mức 17.000-18.000đ/kg, thậm chí cao hơn nữa, nếu DN đoàn kết lại", ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA nhấn mạnh: Trước đây, khi nối chân cá ba sa vào thị trường quốc tế, giá bán 1kg phi-lê cá tra xấp xỉ 4USD. Với mức bán này, rất dễ cho DN mua cá nguyên liệu ở mức 17.000-18.000đ/kg.

Thế nhưng, nhiều năm qua, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đã không được các DN cho hưởng lợi thế này chủ yếu do các DN cạnh tranh "nội bộ" khi chủ động hạ giá bán xuống dưới 3USD. Theo ông Bình dù hạ đến đâu, DN cũng không lỗ, bởi tất cả đều được họ "dồn nén" vào giá thu mua nguyên liệu. Vì vậy, một khi chưa hoá giải được sự mất đoàn kết giữa các DN thì mọi nỗ lực đầu tư dù lớn đến mấy cũng sẽ dừng lại ở chừng mức nhất định.

Ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam:

Chủ trương rót vốn về 8 địa phương ở ĐBSCL để mua 300 ngàn tấn cá tra, cá ba sa đang tồn đọng, chuẩn bị cho đợt xuất hàng lớn sau đó, tôi đánh giá nếu thực hiện suôn sẻ, là rất tuyệt vời.

Tuyệt vời bởi lẽ, Chính phủ và NHNN đã can thiệp vào đúng khâu khó khăn nhất cho ngành nuôi và xuất khẩu cá tra, cá ba sa. Mà lại can thiệp một cách nhanh chóng, với quyết tâm cao. Là người nhiều năm điều hành DN, tôi hiểu rằng có nhiều vấn đề thuộc về chuyên môn, kỹ thuật mà các bên phải phối hợp giải quyết với trách nhiệm cao thì chủ trương lớn của Nhà nước mới phát huy hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Quốc Bảo -- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre:


Chính quyền, các DN và người nuôi cá trong tỉnh rất phấn khởi đón nhận chủ trương này của Chính phủ. Chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình để sự hỗ trợ tuyệt vời này sớm phát huy hiệu quả.

Chúng tôi đã họp bàn và đề xuất, trước mắt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hỗ trợ cho Bến Tre 45 tỉ đồng để thu mua cá. Cty CP XNK Nông lâm thủy sản (Aquatex) sẽ là DN tiếp nhận vốn và thu mua cá.

Ngày 2.6, UBND tỉnh Bến Tre đã có công văn báo cáo Chính phủ về những nội dung trên.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn --Giám đốc Sở Thuỷ sản Tiền Giang:


Ngày 1.6, tại cầu truyền hình điểm TP.Mỹ Tho, có nhiều DN và người nuôi cá được mời đến tham dự Hội nghị trực tuyến. Tất cả họ đều rất đồng tình với chủ trương hỗ trợ vốn của Chính phủ và NHNN. Họ cho rằng, việc "bơm" vốn kịp thời không chỉ giúp tiêu thụ lượng cá rất lớn đang tồn đọng, mà từ việc này chắc chắn giá cá tra, cá ba sa sẽ được cải thiện, giúp người nuôi không bị lỗ, từ đó sẽ giúp duy trì và phát triển ngành nghề này.

Theo quy định của Chính phủ, mỗi tỉnh đề xuất 2 DN có năng lực nhất để tiếp nhận tiền và thu mua cá. Tiền Giang hiện có 9 DN chế biến, xuất khẩu cá tra, cá ba sa.

Trước mắt, chúng tôi chọn 1 DN có sản lượng lớn nhất để triển khai chủ trương, đó là Cty Cổ phần Hùng Vương. Sau đó, chúng tôi sẽ xem xét chọn tiếp 1 DN. Ngay sáng 2.6, tỉnh Tiền Giang đã gửi công văn kiến nghị Chính phủ và NHNN hỗ trợ 200 tỉ đồng để Cty Cổ phần Hùng Vương triển khai ngay việc mua cá của dân.

Ông Dương Ngọc Minh -- Tổng Giám đốc Cty cổ phần Hùng Vương:


Được tỉnh Tiền Giang chọn để đón nhận nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tổ chức thu mua, xuất khẩu cá tra, cá ba sa đang tồn đọng trong nhân dân, Cty Cổ phần Hùng Vương cho rằng đó là vinh dự và trách nhiệm lớn của mình.

Thời gian qua, thấy cá tồn ứ trong dân, trong khi thị trường nước ngòai có nhu cầu, mà DN không đủ vốn thu mua để xuất khẩu, chúng tôi rất khổ tâm.

Nay có chủ trương đúng đắn của Nhà nước, chúng tôi tâm niệm rằng đây là việc lớn, các DN không thực hiện vì lợi nhuận, mà cốt tiêu thụ và xuất khẩu được cá đang tồn đọng, từ đó giúp ổn định và phát triển ngành nghề nay.

Nguồn: Lao Động


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường