Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp chế biến thủy sản cầu cứu
26 | 11 | 2008
Các nước tiêu thụ sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam đang giảm số lượng, giảm giá, chậm thanh toán. Công với việc đồng tiền mất giá… đã làm cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL hết sức khó khăn.
Nhà máy chế biến lo đóng cửa

Tại Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang) đã có hai doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bán cơ sở sản xuất. Đó là Cty Bảo Vinh vừa bán giá 2 triệu USD và Cty Hải Minh đang rao bán 2,5 triệu USD.

Ông Mai Thành Đảo, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Thủy sản Tắc Cậu nói: “Nhà máy chúng tôi trước đây mỗi tháng xuất khẩu 400-500 tấn chả cá, nay chỉ còn 100-200 tấn. Có ít nhất 2/3 nhà máy sản xuất chả cá xuất khẩu ở phía Nam đã phải tạm đóng cửa. Có nhà máy còn tồn kho 4.000 tấn chả cá”.

Ông Cao Hương Thiên, Giám đốc Cty TNHH Mai Sao, có cơ sở tại Cảng cá Tắc Cậu, than thở: “Mọi năm vào dịp này, hàng thủy sản chúng tôi làm ngày làm đêm để phục vụ cho các đơn đặt hàng của nước ngoài phục vụ Noel và Tết dương lịch. Nay chẳng mấy ai đặt hàng nên sản xuất cầm chừng. Thị trường xuất khẩu của chúng tôi chủ yếu là châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, nhưng đồng euro, yên và won tại đây đang bị mất giá, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, đã thế việc thanh toán lại chậm”.

Tại Cần Thơ, ông Phan Như Khánh, Phó Giám đốc Cty TNHH thủy sản Hiệp Thành chuyên chế biến cá tra xuất khẩu ở khu công nghiệp Trà Nóc cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi đi các thị trường Nga, Ukraina và EU hiện bị thu hẹp, giảm mạnh về số lượng cầu. Các đối tác truyền thống không chỉ cắt giảm hợp đồng mà còn khó tính. Hiện chúng tôi chỉ sản xuất để cung ứng cho vài hợp đồng trong tháng 11 và 12. Sang năm mới chưa có hợp đồng nào. Cty đang tính toán cắt giảm 40-50% sản lượng và đang lo ngưng hoạt động”.

Ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Cty Thiên Mã chuyên chế biến cá tra xuất khẩu ở khu công nghiệp Trà Nóc, than thở: “Trước đây, chúng tôi xuất 200 tấn/ngày đi châu Âu, Nam Mỹ, Mexico, Malaysia…nhưng nay nhiều đối tác đã từ chối ký hợp đồng tiêu thụ cá. Chúng tôi đã giảm 30% công suất và đang tính cắt giảm thêm. Cty mới đầu tư một dây chuyền sản xuất trị giá hàng chục tỷ đồng có nguy cơ xếp xó”.

Tại khu công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tập trung tại phường 8 (TP Cà Mau), các xí nghiệp hoạt động cầm chừng vì thiếu tôm nguyên liệu. Ông Ngô Thanh Lĩnh, Phó trưởng phòng Quản lý chế biến - Xúc tiến thương mại Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết: “Các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh hoạt động khoảng 57% công suất”.

“Mỏ tôm” Cà Mau có sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu xây dựng 38 xí nghiệp, tổng công suất thiết kế 250.000 tấn/năm. Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu sản xuất đang rất gay gắt .

Ông Lê Văn Quang, TGĐ Cty chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Phú (Cà Mau) cho biết: “Thời điểm trước, chúng tôi mua được 50 tấn/ngày nay chỉ trên dưới 15 tấn/ngày. Chúng tôi đã cho người đi mua ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL và miền Trung để duy trì sản xuất”.

Bà Lê Việt Ánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu đã bắt đầu vì người nuôi tôm thu vét ao cuối vụ. Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 11 xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang chạy mua nguyên liệu khắp nơi. Tại thời điểm này, người nuôi tôm trong tỉnh đã thu hoạch xong nên rất khó tìm nguyên liệu duy trì sản xuất như bình thường”.

Gặp khó do biến động tỷ giá và lãi suất

Ông Phan Bá Tòng, Giám đốc Cty Thiên Mã (khu công nghiệp Trà Nóc) giải thích việc các đối tác nước ngoài từ chối nhập hàng là do đồng USD ở các nước này đã tăng giá đến 20 - 30%. Chẳng hạn tại Mexico 1USD hiện tại đổi được 13 peso, tăng 2,5 peso; ở Malaysia 1 USD đổi được 3,6 ringit, tăng 0,4 rigit…

Việc giao dịch xưa nay dựa vào đồng USD nên tình hình trượt giá khiến hàng loạt đối tác nước ngoài thua lỗ. Các thị trường Mexico, Malaysia gần như “đóng cửa” với cá tra. “Việc doanh nghiệp trong nước cắt giảm sản lượng là tất yếu. Nếu tình trạng này kéo dài, một loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL đối mặt với nguy cơ đóng cửa” - Ông Tòng khẳng định.

Ông Cao Hương Thiên, Giám đốc Cty TNHH Mai Sao (tại Cảng cá Tắc Cậu) lại “kêu khó” về lãi suất cho vay của ngân hàng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông nói: “Tôi tìm hiểu một số nước, hầu hết họ có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong vay vốn. Ở nước ta, chúng tôi hầu như đang phải tự bơi trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới”.

Ông Thiên cho rằng, với lãi suất như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán dẫn đến phá sản, công nhân thất nghiệp. Ngân hàng lãi càng lớn thì nhiều DN đi tới điêu đứng.

Ông Thiên mong muốn, Chính phủ có cái nhìn thấu đáo hơn trong quản lý, điều hành ở cấp độ vĩ mô, có cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ riêng ngành chế biến thủy sản. “Chỉ có Chính phủ mới giúp chúng tôi vượt qua cơn bĩ cực này. Cứu chúng tôi cũng là cứu một phần lớn nền kinh tế” - Ông Thiên khẳng định.

Công nhân hứng chịu khó khăn

Quanh các xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở phường 8 (TP Cà Mau) công nhân ngồi chật các quán ăn, quán cà phê, đợi vào ca. Chị Nguyễn Thị Bảy, công nhân của Cty Chế biến Thủy sản xuất khẩu Minh Phú, tâm sự: “Tôi làm công nhân chế biến thủy sản hơn 10 năm rồi. Chưa năm nào thiếu tôm như năm nay, thiếu tôm nguyên liệu nên không việc làm, thu nhập thấp, đời sống càng khó khăn vì giá cả tăng cao”.

Khu nhà trọ nơi chị Bảy ở chỉ thấy công nhân nằm chờ việc.

Chị Thái Thị Loan cho biết: “Chúng tôi nằm đợi người điều khiển ca gọi mới vào ca. Ngày nào có việc thì hơn 8 giờ sáng mới vào sản xuất và nắng lên chênh chếch đã về rồi. Ăn lương theo sản lượng nên đói dài dài.

Tháng 10 vừa qua, tôi lãnh được 2,7 triệu đồng. Sang tháng 11 này, chị em chúng tôi lãnh chưa đến 2 triệu đồng. Chị em chúng tôi đã phải cắm thẻ ATM để lấy tiền xài, vì giá cả mọi thứ đều tăng cao”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Camimex (Cà Mau) cho biết: “Hơn 1.500 công nhân của chúng tôi đang phải giảm lương vì sản xuất không nhiều. Nói thật, những tháng cuối năm, chị em công nhân khâu chế biến chỉ đủ tiền ăn. Nghề chế biến thủy sản khắc nghiệt lắm. Lúc có nguyên liệu phải tăng ca, lúc thiếu nguyên liệu chỉ sản xuất cầm chừng, công nhân khó khăn lắm”.

Ông Cao Hương Thiên than thở: “Lương tháng của công nhân giảm từ 1,8 triệu đồng/người xuống còn khoảng 1,5 triệu đồng/người. Biết là công nhân khó khăn nhưng doanh nghiệp đang mong hoà vốn hoặc là lỗ ít, lo tới đây không duy trì được công ăn việc làm cho người lao động”.

Việc doanh nghiệp trong nước cắt giảm sản lượng là tất yếu. Nếu tình trạng này kéo dài, một loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL đối mặt với nguy cơ đóng cửa

Ông Hoàng Vinh, Trưởng phòng KHĐT Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: “Toàn tỉnh Kiên Giang có 17 đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản với 21 nhà máy chế biến, tổng công suất thiết kế gần 100.000 tấn sản phẩm/năm. Việc xuất khẩu trước nay đã khó khăn, nay thì lao đao với nguy cơ phá sản. Sức mua sụt giảm chưa từng thấy, giảm từ 15 - 25% so với đầu năm. Hiện các nhà máy chỉ hoạt động 40 - 50% công suất. Nhiều loại cá nguyên liệu cũng đã giảm khoảng 50% so với đầu năm” (Hồng Lĩnh)





Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường