Sợi “kêu” thuế xơ cao
Ông Trần Đăng Chúc, Chủ tịch Hiệp hội Sợi Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) sợi dệt đang khó khăn vì Quyết định 106/2007/QĐ-BTC của Chính phủ, về việc tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% và sau đó giảm xuống 3% đối với xơ tổng hợp (polyeste).
“ Nếu duy trì mức thuế như hiện nay các DN dệt sợi mất khả năng cạnh tranh, nhiều DN có nguy cơ thua lỗ phải đóng cửa”. (Phát biểu của ông Trần Đăng Chúc, Chủ tịch Hiệp hội Sợi VN) |
Việc áp dụng nâng thuế suất nhập khẩu bắt nguồn từ quan điểm bảo hộ sản xuất xơ trong nước bằng hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, hiện nay cả nước mới có một Công ty Formosa Hưng Nghiệp sản xuất được xơ polyeste, nhưng số lượng còn ít. Tính ra, đến năm 2010 mà Formosa hoạt động hết công suất thiết kế thì cũng chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu nguyên liệu kéo sợi của các DN trong nước.
Ông Trần Đăng Chúc khẳng định, ngành sợi VN đang trên đà phát triển trong khi ngành dệt, nhuộm hoàn tất lại gần như giậm chân tại chỗ. Sợi sản xuất ra vượt xa khả năng hấp thụ của ngành dệt, cho nên trong vài năm tới, xuất khẩu vẫn là nhiệm vụ mang ý nghĩa sống còn.
Để gia tăng xuất khẩu được hiệu quả, yêu cầu về chất lượng và sự đa dạng của chủng loại hàng hóa là điều kiện tiên quyết, trong đó chất lượng của xơ đóng vai trò then chốt. Xơ sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác trong khối ASEAN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu này. Đó là chưa kể, ngành dệt, nhuộm hoàn tất trong nước đang có kế hoạch hiện đại hóa nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào lượng vải nhập khẩu phục vụ ngành may mặc.
Do đó, chất lượng sợi đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng vải trong nước cũng phải không ngừng tăng lên. Quyết định 106/2007-QĐ-BTC dường như vẫn chưa tạo động lực cho sự phát triển của xu thế này.
Hiện nay, các nhà cung cấp từ các nước thuộc khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc dường như đều tận dụng sắc thuế 3% để tăng giá xơ bán ra, gây thiệt hại, giảm sức cạnh tranh và tâm lý bất an cho nhà sản xuất sợi trong nước. Trong cộng đồng các DN kéo sợi xuất hiện tâm lý phản cảm với hàng do Formosa sản xuất, trong khi đúng ra họ cần phải liên kết chặt chẽ với nhau. Đây thực sự là mối đe dọa tiềm ẩn không chỉ đối với Formosa mà cả với các DN kéo sợi Việt Nam.
Giấy “than” tiêu chuẩn môi trường
Một trong những khó khăn khác mà tiếng nói từ Hiệp hội giấy VN cho biết, tiêu chuẩn nước thải công nghiệp trong sản xuất giấy và bột giấy chỉ số COD trong cột A: 7732:2007 là 50mg/l đang làm các DN giấy khó khăn, thậm chí các DN cho là duy ý chí.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy, các cơ sở sản xuất hiện đại nhất hiện nay tại VN cũng không đạt được mức chỉ tiêu 80mg/l đối với chỉ số COD. Đánh giá tác động môi trường từ thực tế của các dự án sản xuất giấy sử dụng công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý nước thải tiên tiến nhất hiện nay, cũng cho thấy chỉ có thể đạt được 80-100mg/l. Khi nhân với hệ số lưu lượng dòng nước và hệ số lưu lượng nước thải thì mức chỉ số sẽ lên 120-132mg/l.
Sau khi so sánh với các tiêu chuẩn quốc tế đang áp dụng, đặc biệt là với Trung Quốc, hiệp hội này đã chính thức kiến nghị với Bộ Công thương đề nghị điều chỉnh chỉ số COD trong cột A-tiêu chuẩn nước thải công nghiệp là 150mg/l.
“Quy định như hiện nay là lượng mg/l thì nhiều DN sẽ dùng thêm nước pha loãng chất thải, về thực tế vẫn gây ô nhiễm môi trường mà chi phí DN và xã hội tăng cao”. (Phát biểu của ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy VN) |
Theo giải thích của ông Vũ Ngọc Bảo, nếu quy định tiêu chuẩn nước thải quá khắt khe trong khi thực tế các DN không đạt được thì chỉ làm tăng chi phí không cần thiết, không tạo điều kiện để thu hút đầu tư nhưng lại tạo điều kiện để có thể một số cá nhân trong cơ quan quản lý gây khó khăn cho hoạt động của DN.
Còn nếu thật sự quan tâm đến việc thu hút công nghệ hiện đại, thì hiện nay người ta đã có những quy định quản lý chặt phần gốc là để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm thì phát sinh ra khối lượng là bao nhiêu chất thải, từ đó mới có cơ sở để so sánh mà hạn chế và ngăn ngừa các dự án đầu tư sản xuất gây ra nhiều chất thải.
Hiện nay, ngành giấy đang thu hút nhiều dự án đầu tư để sản xuất bột giấy và giấy. Môi trường là một yếu tố có tác động khá nhạy cảm và có thể gây khó khăn cho việc triển khai những dự án này, nếu không có những điều chỉnh cụ thể các quy định quy chuẩn về chất thải sinh ra phù hợp thực tế. Đồng thời với quyết định giảm thuế nhập khẩu đột ngột từ 7%-12% đối với các mặt hàng giấy theo Quyết định 71/2008/QĐ-BCT, nhiều dự án đầu tư sẽ bị hủy bỏ vì không hiệu quả, không đủ khả năng cạnh tranh.
Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, mà đại diện là Hiệp hội nghề nghiệp là điều rất cần thiết để có những chính sách phù hợp với lộ trình gia nhập WTO, trong khi vẫn có thể hỗ trợ hợp lý và kịp thời giúp các DN vững mạnh hơn trong quá trình hội nhập này.