Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vốn vẫn… xa tầm với doanh nghiệp!
10 | 11 | 2008
Sáng 7-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất vay, thuế… nhằm thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Các vấn đề nóng của “hậu” lạm phát đã được đặt ra, bàn bạc, mổ xẻ...

80% hồ sơ không đủ điều kiện vay

Vấn đề vốn vay của DN có lẽ là điểm “nóng” nhất hiện nay nên hội trường chật cứng người. Hội trường càng nóng hơn khi Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM Huỳnh Văn Minh phát biểu: “DN - nhất là DN vừa và nhỏ - đang rất “khát” vốn, trong đó đặc biệt là DN bất động sản”, trong khi đó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM Hồ Hữu Hạnh lại tuyên bố, từ tháng 9 đến nay các ngân hàng thừa tiền cho vay.

Theo ông Huỳnh Văn Minh, sở dĩ DN không tiếp cận được nguồn vốn không chỉ vì DN không vay được vốn mà vì lãi suất quá cao, lợi nhuận của DN không đủ để trả lãi suất ngân hàng, nên không dám vay. Còn ông Hồ Hữu Hạnh nói, qua khảo sát tại 97 ngân hàng thì hơn 80% hồ sơ của DN đề nghị vay vốn không đủ điều kiện vay, phương án kinh doanh không khả thi, khả năng thu hồi nợ không có…

Ông Minh cho rằng, chính sách “thắt chặt tiền tệ” đã gây “tác dụng phụ” đến DN làm nhiều dự án khả thi bị ngưng trệ. Đến nay, tình hình lạm phát đã tương đối ổn định, nên rất cần Nhà nước “khai thông” bằng cách xem xét lại việc thắt chặt tiền tệ theo hướng chỉ thắt chặt có trọng điểm (đối với dự án đầu cơ, dự án không khả thi), thậm chí có dự án phải hỗ trợ để góp phần đưa nền kinh tế phát triển trở lại.

Cụ thể là phải ưu tiên hỗ trợ cho DN xuất khẩu, doanh nghiệp bán lẻ. Vì theo cam kết WTO, đầu năm 2009 chúng ta mở cửa cho DN bán lẻ nước ngoài vào, trong khi DN “nhà” vừa trải qua lạm phát lại thấm mệt vì lãi suất cao nên chẳng khác nào họ chưa ra sân đã bị… thẻ đỏ! Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đề nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay, lãi vay phải dưới 10%/năm thì DN mới tồn tại được.

Lãnh đạo ngân hàng cho rằng, thời gian qua nhà nước cũng thực hiện ưu đãi lãi suất vay cho một số DN xuất khẩu, nông sản… Bà Lê Thị Tú Anh, Phó Chủ tịch Hội DN trẻ TPHCM, bức xúc: “Lãi suất ưu đãi không đến được tay DN nhỏ”. Nhiều DN có hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch đề nghị lãnh đạo ngân hàng phải điều chỉnh lại Quyết định 09 về việc cho vay ngoại tệ. Vì hiện nay nhiều DN phải thanh toán nước ngoài bằng USD nhưng phải vay VND với lãi suất cao hơn gấp 2 lần…

Trả lời về vấn đề DN bất động sản “khát” vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đưa ra số liệu: Dư nợ cho vay ở các DN tại TPHCM lên đến 61.000 tỷ đồng. Hiện nay có 151 dự án bất động sản làm hồ sơ vay vốn và ngân hàng cam kết cho vay 14.300 tỷ đồng nhưng chỉ mới giải ngân 9.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giải ngân hết thì không thể gọi là “khát” vốn được. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay TP đã lập quỹ bảo lãnh DN với 7 ngân hàng tham gia với tổng số vốn 50 tỷ đồng để hỗ trợ DN. Vì vậy, đề nghị các DN lập danh sách những DN cần vốn gởi lên để TP cùng ngân hàng xem xét hỗ trợ.

Hoàn thuế chậm = chiếm dụng vốn

“Hiện nay, DN phải “gánh” lãi suất vay đến 18%, nếu là DN cổ phần thì phải kéo theo lãi tức trả cho cổ đông phải cao hơn mức lãi suất ngân hàng; đã vậy, DN phải đóng thuế thu nhập đến 28%... trước thời điểm khó khăn này, nó trở thành gánh nặng cho DN. Do vậy, đề nghị nhà nước sớm giảm lãi suất và giảm thuế thu nhập cho DN, vì hiện nay mặt bằng thuế ở các nước như Lào chỉ 20%, Trung Quốc 15%...” - bà Lê Thị Tú Anh đề nghị.

Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình Nguyễn Thị Hoa Lệ thì cho rằng, chính sách thuế của nhà nước thay đổi liên tục đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN. Bà ví dụ, chỉ riêng việc tính thuế chuyển lợi nhuận sau thuế ra nước ngoài thôi, năm 2000 là 10%, năm 2002 là 7%, đến đầu năm 2008 là 0% nhưng đến nay là 2%. Do thay đổi liên tục như vậy, nên khi đối tác nước ngoài hỏi về chính sách thuế của VN, DN không biết trả lời thế nào, điều đó còn làm mất cơ hội kêu gọi hợp tác đầu tư từ nước ngoài của DN.

Một thông tin khác làm hội trường “sôi” lên khi Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành Nguyễn Văn Tâm đặt vấn đề cơ quan thuế luôn kêu ca việc DN nợ thuế, trong khi về phía mình nợ DN thì lại không được đề cập, gây thiệt hại cho DN. Ông dẫn chứng cụ thể, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Thạnh bị cơ quan thuế “chôn” 23 tỷ đồng gần 1 năm trời vẫn chưa hoàn thuế. Thử hỏi, trong thời buổi khó khăn này mà tiền hoàn thuế bị “chôn” như thế thì DN khó khăn đến thế nào. Ông nói thêm, bị chậm hoàn thuế cả năm nhưng vì lý do “tế nhị” nên công ty không dám làm đơn gởi các cơ quan chức năng nhờ can thiệp! Tuy vấn đề này được lãnh đạo UBND TP đề nghị cơ quan thuế báo cáo cụ thể để xử lý, nhưng khi hội nghị kết thúc dường như vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc khác của DN chưa được giải bày.

 



Nguồn: SGGP
Báo cáo phân tích thị trường