Trong báo cáo về ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam, trang mạng này nhận định Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi có sức thu hút nhất đối với các nhà đầu tư vào ngành bán lẻ thực phẩm, đồ uống và rau quả vì Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế cao và thu nhập của người dân có xu hướng tăng lên. Dân số đông cũng có nghĩa là tiềm năng cho một tầng lớp trung lưu đáng kể sẽ xuất hiện, tầng lớp này có thể tăng chi tiêu vào các mặt hàng chất lượng cao và xa xỉ phẩm.
Về tình hình ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam trong quý IV/08, báo cáo trên cho thấy trong ngành bán lẻ rau quả, các hàng bán lẻ độc lập vẫn thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, theo cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ phải mở cửa cho các công ty phân phối và bán lẻ nước ngoài vào hoạt động từ đầu năm 2009. Với nguy cơ của các công ty đa quốc gia khổng lồ vào thị trường, các công ty lớn đang hoạt động tại Việt Nam phải đua nhau tăng quy mô và thị phần của Metro Cash & Carry và Big C. Các công ty này có thể nhanh chóng cạnh tranh với các công ty bán buôn vào hạng lớn nhất của Mỹ như Wal-Mart, Carrefour và Costco.
Trong khi đó, theo mạng kinh doanh này, Việt Nam đang hướng tới đầu tư vào ngành công nghiệp cà phê dễ bị rủi ro. Trong hai năm tới, khoảng 80 triệu USD sẽ được đầu tư xây dựng ba nhà máy chế biến cà phê để tăng gấp đôi sản lượng cà phê của Việt Nam lên tới 15.000 tấn vào năm 2010. Các nhà kinh doanh hy vọng doanh thu từ bán cà phê hoà tan sẽ tăng gấp đôi vào năm 2010. Đó là tin tốt cho các nhà sản xuất cà phê Việt Nam vì họ thường bị nước ngoài phê phán bán hạt cà phê chất lượng thấp do hái hạt cà phê xanh và chín lẫn nhau. Mỗi năm, khoảng 30.000 tấn cà phê của Việt Nam bị các nhà kinh doanh từ chối ngay từ các cảng. Cà phê chất lượng thấp vì chưa đảm bảo chất lượng cho các cơ sở rang cà phê quốc tế sử dụng làm nguyên liệu nhưng hoàn toàn có thể dùng để chế biến cà phê hoà tan, như vậy sẽ giúp tăng giá trị của ngành công nghiệp này mà không chịu lỗ vì giá 1 tấn cà phê hoà tan có thể cao hơn gấp ba lần.
Trang mạng Nghiên cứu - Thị Trường còn đưa tin Việt Nam cũng đang hướng tới mở rộng ngành chè. Hiệp hội chè Việt Nam (VITAS) đưa ra một chỉ tiêu đầy tham vọng, phấn đấu đưa chè trở thành ngành triển vọng của Việt Nam trong 12 năm tới, với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2020. Hiện tại, ngành chè Việt Nam phụ thuộc vào xuất khẩu vì hầu hết các khoản thu của ngành này là từ xuất khẩu, với kim ngạch năm 2007 đạt khoảng 100 triệu USD. VITAS phải nỗ lực rất lớn trong sản xuất và tiếp thị để đạt được chỉ tiêu mà mình đề ra.