Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tết này ăn gà nội hay gà ngoại?
14 | 11 | 2008
Sau nhiều tháng người chăn nuôi trong nước xơ xác vì giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã và thịt đông lạnh nhập về ồ ạt, hiện nay nhiều trang trại đang tích cực tăng đàn trở lại để chuẩn bị dịp tết. Mặc dù vậy người chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn trước mắt...
Việc nâng thuế nhập khẩu thịt đông lạnh của Bộ Tài chính tháng mười vừa qua mới chỉ có tác dụng tâm lý với người chăn nuôi và bước đầu giúp giá gà trong nước không giảm nhiều chứ chưa giúp tăng giá bán.

Gà ngoại vẫn “ép” gà nội

Hơn một tháng trôi qua kể từ khi Bộ Tài chính nâng thuế đánh vào các mặt hàng thịt gia cầm đông lạnh nhập vào VN, thịt gà ngoại vẫn xuất hiện phổ biến trên thị trường. Theo chị H. - chủ quán cơm bình dân trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình, TP.HCM), đùi, cánh gà đông lạnh với giá phải chăng vẫn là mặt hàng được các quán cơm và nhậu bình dân ưa chuộng. “Vì giá một suất cơm đùi gà chỉ 8.000-10.000 đồng nên đây là lựa chọn rất phù hợp trong những bữa cơm của công nhân” - chị H. phân tích.

Theo thống kê của Chi cục Thú y TP.HCM, trong mười tháng lượng gia cầm đông lạnh nhập khẩu tiêu thụ trên địa bàn TP là 19.640 tấn, chủ yếu là đùi và cánh gà. Nếu từ tháng một đến tháng sáu, lượng thịt gia cầm đông lạnh lưu thông trên thị trường bình quân 60-100 tấn/ngày thì từ tháng sáu đến tháng tám tăng lên 120-130 tấn/ngày. Đặc biệt trong ba tuần gần đây, mặt hàng này đã tăng gần gấp đôi so với hồi tháng tám, lên khoảng 1.136 tấn/ngày.

Anh Khái, một người kinh doanh thức ăn chăn nuôi vừa làm tư vấn cho nhiều trang trại ở khu vực Đông Nam bộ, cho hay: “Sở dĩ thịt đông lạnh còn nhiều là do trước khi tăng thuế nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ nhập hàng về dự trữ và tránh thuế”.

Theo Cơ quan Thú y vùng VI, tính đến cuối tháng 9-2008, tại các cảng trên địa bàn TP.HCM còn khoảng 100 container thịt gia cầm đông lạnh, chưa kể hàng về cảng nhưng chưa đăng ký kiểm dịch với cơ quan chức năng. Một cán bộ ngành thú y nhận định: “Với mức tiêu thụ như hiện tại và lượng hàng tồn kho ngoài cảng, lượng gia cầm đông lạnh nhập khẩu đủ để bán từ nay tới tết”.

Trong khi gà ngoại vẫn đang “tung hoành” thì giá gà trong nước tiếp tục giảm. Một tháng trước đây ông Lê Thanh Tùng (một chủ trang trại ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai) bán gà thịt với giá 28.000-29.000 đồng/kg, nay giá chỉ còn khoảng 22.000-23.000 đồng/kg.

Nhiều người chăn nuôi cho rằng việc điều chỉnh thuế của cơ quan nhà nước có nhiều điểm không hợp lý. Ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ trại gà thịt ở ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo (Trảng Bom, Đồng Nai), bức xúc: “Trong khi các mặt hàng nhập về không đáng kể như gà nguyên con, gà tươi thành phẩm bị tăng thuế lên 40% thì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là cánh, đùi, chân, đầu, lòng, mề gà...chỉ điều chỉnh từ 15% lên 20%”. Theo ông Long, những phụ phẩm là “rác” ở nước ngoài, chỉ dùng làm thức ăn gia súc nhưng cứ cho nhập về mà chưa có hàng rào kỹ thuật về thời gian bảo quản, vận chuyển, kiểm soát ra sao... “Nếu soi kỹ việc nâng mức thuế nhập khẩu thịt vừa qua chúng ta sẽ thấy có quá nhiều điều bất thường” - ông Long nhấn mạnh.

Sẽ không thiếu gà tết

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, nuôi gà bản địa đang là hướng đi mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân. Nuôi gà ta cho giá trị cao hơn gà công nghiệp nhờ giảm chi phí thức ăn và được giá. Hiện nay trên thị trường gà công nghiệp lông màu (còn gọi là gà thả vườn) của Công ty CP bán với giá 49.000 đồng/kg, gà của D&F có giá 48.500 đồng, gà của Công ty Phú An Sinh bán 48.000 đồng/kg, trong khi gà ta có giá từ 90.000 đồng/kg trở lên, có nơi đến 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nuôi gà ta tốn nhiều thời gian (4-5 tháng) và yêu cầu diện tích vườn lớn.

Mặc dù giá gà đang ở mức thấp nhưng nhiều trại gà ở Đồng Nai đang tích cực mua con giống về nuôi để kịp tung hàng trong dịp tết. Người nuôi gà cho rằng tết cổ truyền là thời điểm người tiêu dùng bỏ gà nhập khẩu sang dùng gà nguyên con. Sức mua tăng sẽ kéo giá bán gà tăng theo. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi đang giảm cũng tạo động lực cho nhiều trang trại tăng đàn trở lại. Ông Lê Thanh Tùng cho hay vừa nhập thêm gà giống để cung cấp khoảng 40.000 gà thịt trong dịp tết này.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, chưa kể lượng gà nuôi nhỏ lẻ, số trang trại nuôi gà thịt trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi với số lượng trên 1,6 triệu con, tập trung nhiều nhất ở huyện Trảng Bom.

Nếu như các năm trước, thị trường gà tết là nơi “độc diễn” của gà công nghiệp ngắn ngày hay gà công nghiệp lông màu Tam Hoàng, Lương Phượng... thì năm nay người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn mới như gà ta chính hiệu, gà H’Mông bản địa... Theo đánh giá của một số nhà buôn gia cầm lớn, người tiêu dùng ngày một ưa thích loại gà ta thả vườn với thịt dai, thơm và da vàng đẹp hơn hẳn gà công nghiệp. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều trang trại và doanh nghiệp đã tranh thủ đầu tư nuôi gà ta để bán trong dịp tết. Theo TS Nguyễn Văn Bắc - Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư quốc gia, thời gian gần đây những nơi cung cấp gà ta giống đều có rất nhiều người tìm mua nhưng không đủ bán.

Ông Vũ Bá Quang, phó giám đốc Công ty Thực phẩm Đồng Nai (D&F), cho biết năm ngoái D&F đưa ra thị trường khoảng 30.000 gà ta nhưng không đủ cung cấp cho khách hàng. Năm nay công ty đầu tư trại gà ta với tổng đàn 68.000 con ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tuy còn hơn hai tháng nữa mới tới tết, nhưng số gà trên đã được các chuỗi siêu thị lớn như Co-op Mart, Vinatex, Big C, Lotte... đặt mua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Kim Giao - cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết ngành chăn nuôi đang phát triển tốt hơn hẳn so với đầu năm vì đã khống chế được dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi giảm. Nếu như sáu tháng đầu năm nay tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi chỉ tăng 0,03% thì sau chín tháng tăng 2,56%, trong đó tăng mạnh nhất là đàn gia cầm.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường