Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cắt giảm đột ngột tại Trung tâm giết mổ An Nhơn: Sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng
21 | 11 | 2008
Rất nhiều người chăn nuôi, giết mổ đang kêu trời vì quyết định cắt giảm đột ngột sản lượng giết mổ gia cầm tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (TTAN), một trong những nơi cung cấp tới 40-50% tổng sản lượng gà tiêu thụ tại địa bàn TP.HCM.
Theo thông báo tại cuộc họp tối 18-11 giữa Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAI) với các cơ sở giết mổ gia cầm tại TTAN - đơn vị trực thuộc SAI, kể từ ngày 20-11, sản lượng gia cầm giết mổ tại TTAN chỉ còn 20.000 con/ngày đêm, thay vì khoảng 60.000 con so với trước. Theo lãnh đạo của tổng công ty này, nếu quá thời hạn nêu trên, các cơ sở giết mổ không tuân thủ yêu cầu thì TTAN sẽ bị tạm ngưng. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở đều phản ứng gay gắt với yêu cầu này. “Với việc cắt giảm sản lượng giết mổ đột ngột này, không chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi bị thiệt hại mà còn gây ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt đối tượng khác” - bà Tôn Thanh Thùy, giám đốc cơ sở giết mổ Phạm Tôn, nói.

Sau đợt dịch cúm gia cầm năm 2003, TP.HCM tiến hành tập trung các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trên địa bàn thành phố để dễ dàng quản lý. Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (TTAN) ra đời nhằm cung cấp nguồn thực phẩm bảo đảm an toàn chất lượng cho người tiêu dùng trong điều kiện dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát cao. Ngày 30-12-2004, SAI chính thức đưa vào hoạt động TTAN tại đường Lê Đức Thọ, P.13, Q.Gò Vấp, TP.HCM. TTAN có diện tích 1,6ha với dây chuyền khép kín gồm khu giết mổ, kiểm dịch, đóng gói...

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mạnh - chủ cơ sở Mạnh Thắng - bất bình cho rằng việc đột ngột cắt giảm sản lượng gà giết mổ sẽ đẩy hầu hết các cơ sở này vào con đường phá sản. “Liên quan đến chuyện sống còn của nhiều doanh nghiệp, hàng loạt công nhân, chưa kể đến chuyện thị trường... mà chúng tôi lại không được thông báo sớm để có sự chuẩn bị hay giải pháp dự phòng” - ông Mạnh nói.

Theo giải thích của SAI, việc cắt giảm sản lượng gà giết mổ tại TTAN là chuyện chẳng đặng đừng do hệ thống xử lý nước thải của TTAN bị quá tải. Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo tổng công ty cho biết hệ thống xử lý nước thải tại trung tâm này chỉ đủ khả năng xử lý đối với số lượng gia cầm giết mổ vào khoảng 20.000 con, trong khi con số thực tế hiện nay lên gấp ba lần. “Chúng tôi không những bị các cơ quan chức năng cảnh báo mà còn bị người dân phản ứng, do đó chỉ còn có thể thực hiện “hạ sách” này” - vị lãnh đạo này nói.

Tuy nhiên, theo bà Thùy, lý do này không thuyết phục bởi trung tâm hiện đã thu tiền phí nước thải 150 đồng/con. Với mức bình quân 40.000-50.000 con/ngày đêm, khoản phí nước thải TTAN thu được mỗi năm lên tới hàng tỉ đồng. “Tất cả cơ sở đều nộp đủ tiền phí nước thải, trung tâm thu tiền thì phải có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, không thể đột ngột đẩy các doanh nghiệp vào chỗ khó được” - bà Thùy bức xúc.

Theo nhiều hộ chăn nuôi gà, hiện TP.HCM - thị trường tiêu thụ gà lớn nhất phía Nam - chỉ có một cơ sở giết mổ tập trung duy nhất là TTAN, nếu trung tâm này không tiếp nhận nữa, khả năng gà lông sẽ được đem bán tràn lan, dẫn đến nguy cơ về lây lan dịch cúm gia cầm cao, chưa kể hàng loạt hộ chăn nuôi rơi vào phá sản. Trong khi đó, người tiêu dùng TP.HCM có khả năng phải tiêu thụ sản phẩm gia cầm với giá cao.

Ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết hiện các cơ sở giết mổ gia cầm tại TTAN cung cấp tới 40-50% tổng sản lượng gà tiêu thụ tại địa bàn TP.HCM và cũng là nguồn tiêu thụ gà chính từ các hộ chăn nuôi các tỉnh trong khu vực. “Việc cắt giảm đến 67% tổng sản lượng giết mổ tại trung tâm này không chỉ gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi mà còn tác động đến giá cả thị trường gia cầm tại TP.HCM” - ông Mạnh khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Minh - chủ cơ sở Nguyễn Gia - bức xúc cho rằng việc tập trung tại TTAN là thực hiện theo chủ trương của UBND TP.HCM sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát vào năm 2003, nay các doanh nghiệp bất ngờ bị đẩy vào tình cảnh khó chẳng biết kêu ai. “Lẽ ra phải tạo điều kiện tốt cho những hộ giết mổ tập trung, hạn chế việc kinh doanh gia cầm có nguy cơ lây lan dịch cúm, nay các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng lại bị đẩy vào tình cảnh khó” - ông Minh than.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường