Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt gia súc lậu tràn lan
15 | 01 | 2010
Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm lậu tại TPHCM đang rất phức tạp. Nguồn gia súc được thương lái thu gom từ các địa phương, kể cả nhập lậu từ Lào, Campuchia chưa qua kiểm dịch

Nhu cầu tiêu thụ thịt heo, bò của TPHCM bình quân khoảng 9.000 con- 10.000 con/ngày. Riêng tháng cận tết số lượng tăng vọt, cao điểm khoảng 25.000 con/ngày.

Vì vậy, hễ vào dịp gần tết là tình hình giết mổ lậu gia tăng. Năm nay, tình hình càng đáng lo ngại hơn khi dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc đang diễn biến khá phức tạp.

Theo cơ quan thú y, hiện vẫn còn 6 tỉnh, thành có dịch bệnh chưa qua 21 ngày, người nuôi đang bán “chạy” gia súc bị bệnh, thương lái thu mua với giá rẻ rồi tuồn về các TP lớn để tiêu thụ, trong đó có TPHCM.


Công khai mổ lậu


Chỉ trong 2 tuần qua, cơ quan thú y TPHCM đã kiểm tra, xử phạt 59 vụ vận chuyển, kinh doanh gia súc trái phép; tiêu hủy 3,3 tấn phụ phẩm, 28 con heo hạ phẩm, tiêu hủy 9 con heo nghi bệnh. Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết số vụ giết mổ heo lậu trong năm 2009 tăng 6% so với năm ngoái.


Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng giết mổ heo lậu trên địa bàn quận Gò Vấp thời gian gần đây khá “nóng”. Chi cục Thú y đã phải chỉ đạo trạm thú y quận và thanh tra chi cục tăng cường giám sát kiểm tra.

Tuy vậy, những đối tượng giết mổ lậu vẫn tìm đủ mọi cách để có hàng bán cho các cơ sở chế biến giò chả trong khu vực cũng như các chợ lẻ. Tại khu vực chợ Tân Sơn (quận Gò Vấp) có khoảng 4 - 5 lò, mỗi lò giết mổ từ 5 - 7 con heo/ngày.

Một chủ lò tại khu vực này cho biết giá thịt heo bán tại lò rất khác nhau, thịt nóng loại ngon bán giá cao, còn thịt heo “còi”, heo bệnh, heo chết bán rẻ hơn từ 30% - 50%, tùy chất lượng. Khu vực Xóm Mới hiện cũng có vài ba chục lò giết mổ không phép đang hoạt động.

Phần lớn là các lò nhỏ, mỗi ngày giết mổ từ 5 - 7 con heo, chủ yếu cung cấp nguyên liệu để chế biến giò chả hoặc các điểm bán lẻ... Nguồn heo cung cấp cho các lò mổ lậu tại những khu vực trên một phần được nuôi tại các quận, huyện vùng ven nhiều phần lớn được thu mua trôi nổi từ các địa phương khác, không qua kiểm dịch.


Tại khu vực Xóm Mới, vào khoảng 14 giờ - 16 giờ hằng ngày thường có nhiều xe tải chở heo cung cấp cho các lò mổ. Heo từ xe tải được lùa vào nhà công khai, không có đại diện cơ quan chức năng nào giám sát, kiểm tra. Hoạt động giết mổ được các lò tiến hành từ 23 giờ cho đến khoảng 6 giờ sáng hôm sau...


Heo chưa kiểm dịch được đưa vào các lò giết mổ lậu tại khu vực Xóm Mới (quận Gò Vấp - TPHCM).
Ảnh chụp chiều 12-1. Ảnh: N.Trân


Một cán bộ của Chi cục Thú y TPHCM thừa nhận tình trạng giết mổ lậu hiện nay rất phức tạp. Không ít trường hợp heo sống được chở bằng xe tải đưa thẳng vào lò mổ lậu ngay giữa ban ngày, thế nhưng khi lực lượng chức năng đến thì không thể vào kiểm tra do thiếu sự hỗ trợ của lực lượng chức năng địa phương.

Đặc biệt, trên địa bàn quận Tân Bình, một số đối tượng còn ngang nhiên mang heo ra đường để giết mổ lậu. Lực lượng kiểm tra xuất hiện thì họ viện cớ “chỉ giết mổ lấy thịt ăn chứ không bán”.


Trâu, bò lậu về nhiều


Gần đây, giới giết mổ lậu quy mô lớn còn lén lút tổ chức giết mổ trâu, bò tại những nơi hoang vắng thuộc các vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh lân cận. Họ nuôi nhiều chó dữ để đề phòng cơ quan chức năng kiểm tra bất ngờ.


Giới kinh doanh gia súc, gia cầm cho biết nguồn trâu, bò mắc bệnh ở nhiều địa phương được thương lái thu mua đưa về các TP lớn tiêu thụ, trong đó có TPHCM. Nếu thương lái “chạy” được giấy kiểm dịch ở các địa phương sẽ được công khai bán vào các lò giết mổ; nếu không giấy kiểm dịch thì bán cho giới giết mổ lậu...


Ngoài ra, nguồn gia súc nhập lậu từ Lào, Campuchia cũng đang tràn về khá nhiều. Tại khu vực cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) thường xuyên có hàng ngàn con trâu, bò để bán về các địa phương (ước tính mỗi ngày có hơn 500 con nhập lậu VN); còn tại khu vực biên giới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trâu, bò từ Campuchia tràn qua khá nhiều. Nguồn gia súc này xâm nhập địa phận tỉnh Long An 5 tháng nay lên đến 17.500 con, tỉnh An Giang 34.300 con, tỉnh Kiên Giang 64.600 con.

Bất lực trước nạn bán gia cầm sống

Khảo sát nhiều khu vực tại TPHCM ngày 14-1, chúng tôi nhận thấy tình trạng kinh doanh gia cầm sống cũng đang tái phát.

Tại khu vực chợ Trần Chánh Chiếu, nhất là trên đường Phú Hữu, Phú Giáo (quận 5), có 5 - 6 điểm bày bán công khai gia cầm sống. Họ còn tổ chức giết mổ tại chỗ với tiền công từ 7.000 đồng - 10.000 đồng/con (nếu khách yêu cầu).

Ở quận Bình Tân, gia cầm sống bày bán tràn lan trên các tuyến đường Lê Văn Quới, Lê Trọng Tấn, Hồ Ngọc Lãm hoặc các chợ Bình Hưng Hòa, chợ Bình Trị Đông...

Tại quận Gò Vấp, các điểm nóng như khu vực chợ Cầu, cầu An Lộc, cầu Trường Đai, chợ Tân Sơn, chợ lề đường Thống Nhất..., hoạt động mua bán gia cầm sống diễn ra khá sôi động...


Chi cục Thú y TPHCM thừa nhận tình trạng kinh doanh gia cầm sống không qua kiểm dịch không hề giảm mà đang có chiều hướng gia tăng vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Thống kê sơ bộ trên địa bàn TP hiện có 212 điểm bày bán gia cầm sống tại 14 quận, huyện; tập trung nhiều ở các quận 12, Gò Vấp, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Hóc Môn...



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường