Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực phẩm cuối năm - Cảnh báo lạm dụng chất tăng trọng
24 | 12 | 2013
Cuối năm, nhu cầu thực phẩm thường tăng cao, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, ATVSTP vẫn đang là vấn đề rất nóng bỏng. Nhiều loại kháng sinh, dư lượng đã được phát hiện trong các sản phẩm rau, thịt… Chất cấm lại “tái xuất”

 

Sau khi Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương đẩy mạnh kiểm tra thị trường hàng hóa, thực phẩm - đặc biệt là nhóm thịt nhập lậu vào hồi đầu năm thì tình hình ATVSTP đã tạm lắng xuống. Nhưng về cuối năm, tình trạng lạm dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm lại đang nở rộ, đe dọa tới sức khỏe người dân. 
 
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản - Bộ NN-PTNT, mới đây, khi thực hiện chương trình giám sát chất lượng ATVSTP ở khu vực miền Bắc, đã phát hiện các mẫu thịt gà có chứa campylobacter (một loại vi khuẩn gây tiêu chảy). Đặc biệt, trong số 40 mẫu gà thịt thu tại chợ về kiểm tra, có 6 mẫu dương tính với chloramphenicol và furazolidon - đây là 2 chất cấm trong chăn nuôi. Ngoài ra, có 4/40 mẫu phát hiện tetracycline (kháng sinh dùng trong thú y) vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại nhiều vùng nông thôn đang có tình trạng nông dân sử dụng một loại chất tăng trọng trộn với thức ăn chăn nuôi để vỗ béo đàn gia cầm để kịp bán thị trường tết. Nhờ vậy đã rút ngắn tới gần một nửa chu kỳ chăn nuôi, sinh trưởng. Đây là điều mà từ nhiều năm nay các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo. 
 
Cũng do cuối năm nhu cầu thực phẩm tăng cao nên sau một thời gian lắng xuống, hiện hoạt động buôn lậu thịt gia súc, gia cầm đang tái xuất trở lại. Không chỉ gia cầm từ Trung Quốc tràn vào nội địa qua các cửa ngõ phía Bắc mà mới đây, Thanh tra Bộ NN-PTNT còn phát hiện một vụ việc vận chuyển trâu bò chưa qua kiểm dịch được đưa từ Thái Lan vào Việt Nam. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, lo ngại: nếu dịch bệnh bùng phát vào dịp cuối năm sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng rõ rệt tới nguồn thực phẩm cũng như mục tiêu bình ổn giá. 
 
Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết thêm, hiện cơ quan này đang phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, điều tra một số doanh nghiệp sử dụng chất cấm gốc betagonist trong chăn nuôi. Đây là một loại chất tăng trọng rộ lên hồi năm 2011 nhưng sau đó đã bị xử lý.
 
Còn theo bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT - phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm, ở nhóm hàng hóa rau củ quả cũng có những sự cố chưa thể yên tâm. Theo dõi trong hơn 1 tháng qua, Cục Bảo vệ thực vật đã lấy 96 mẫu rau củ quả và phát hiện 8 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, gồm: 1 mẫu củ cải trắng, 5 mẫu quýt và 2 mẫu cà rốt. Đây chỉ là những mẫu nông sản nhập khẩu được kiểm tra tại cửa khẩu. Còn trên thực tế, nguồn nông sản được sản xuất ngay trong nước vẫn còn rất nhiều bất cập khi nông dân đang lạm dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, thúc chín tố…
 
Cơ quan chức năng ở đâu?
 
Trước đây, các sự cố về “chất cấm” đã từng diễn ra. Và ngay lập tức dư luận phản ứng rất gay gắt, các cơ quan chức năng như Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế cũng đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ. Thế nhưng vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”, vấn nạn cứ lặp đi, lặp lại! Tình trạng trên tái diễn vì đơn giản chúng ta không thể kiểm soát được nguồn chất cấm tràn vào cũng như đang lưu hành trên thị trường nội địa.
 
Chúng ta thực sự đang “loạn” giữa hàng ngàn sản phẩm vật tư nông nghiệp, như thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, phụ gia thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản… mà nguyên nhân là do đã cấp phép quá nhiều cho doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu. 
 
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thừa nhận, chỉ riêng danh mục thức ăn chăn nuôi hiện có tới hơn 1 vạn loại, hơn 20 năm qua chưa được chỉnh sửa, rà soát vì cơ quan quản lý cũng… bận. Hơn nữa, do quy định còn thông thoáng nên việc cho ra đời một sản phẩm vật tư nông nghiệp mới như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu… quá dễ dàng. Nhiều khi, doanh nghiệp sản xuất tự nghĩ ra một cái tên rồi công bố chứ không dựa trên bất kỳ một kết quả nghiên cứu nào. 
 
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát thẳng thắn nói: “Như vậy là các đồng chí không làm gì cả. Trách nhiệm này thuộc về ai? Không ai có trách nhiệm, chỉ bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân sao?”. 
 
Ông Phát yêu cầu: “Từng tổng cục, cục chuyên ngành phải tự kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân. Văn bản chúng ta đã có nhiều, chỉ đạo cũng nhiều nhưng tình trạng vi phạm vẫn không được chuyển biến, vì sao?”. 
 
Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, từ nay đến cuối năm, lượng thực phẩm, rau xanh sẽ được tiêu thụ với số lượng lớn, lượng nhập khẩu cũng nhiều. Vì vậy, ATVSTP phải được đặt lên hàng đầu. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu tập trung giám sát rau củ quả tươi, thịt gia súc gia cầm và thủy sản tại khâu giết mổ lẫn chợ đầu mối. 
 
Từ nay đến Tết Nguyên đán và sau tết, ông Cao Đức Phát yêu cầu các đơn vị phải tăng cường kiểm tra thị trường thực phẩm trên địa bàn Hà Nội và TPHCM cùng một số tỉnh, thành lân cận. “Ngành bảo vệ thực vật phải tung quân xuống đồng hướng dẫn bà con sản xuất chứ không thể chỉ ra chợ lấy mẫu, kiểm tra xong thì hàng hóa cũng đã bán hết rồi”. Với những cơ sở sản xuất, kinh doanh yếu kém, không đảm bảo điều kiện, cơ quan chức năng “thẳng tay” loại bỏ nếu không sửa đổi.


Theo Sài Gòn giải phóng
Báo cáo phân tích thị trường