Hiện nay, thịt gia súc, gia cầm nhập ngoại đang ngày càng được kinh doanh, tiêu thụ tại Việt Nam, chủ yếu thông qua hệ thống các siêu thị. Gia súc, gia cầm và các sản phẩm thịt nhập ngoại thường được sản xuất theo công nghệ hiện đại của nước ngoài, do đó cho chất lượng tốt, trong khi giá cả lại cạnh tranh (do có lợi thế về công nghệ và chi phí đầu vào thấp). Một mặt, sản phẩm thịt nhập ngoại giúp tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng, song mặt khác lại gấy khó khăn cho người sản xuất chăn nuôi trong nước.
Đơn cử, mặt hàng thịt bò Úc đang có nhu cầu lớn trên thị trường tiêu dùng thịt bò tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp cho biết đang có kế hoạch tăng cường nhập khẩu bò Úc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bò Úc được doanh nghiệp chế biến nông súc sản nhập khẩu ngày càng nhiều do Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc và New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 quy định thuế nhập khẩu bò sống nguyên con rất thấp là 5%, so với mức thuế nhập khẩu thịt bò khá cao từ 14%. Theo số liệu của Cơ quan Thú y vùng 6 (Bộ NN & PTNN), 9 tháng đầu năm 2013, số lượng bò Úc nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 32.500 con (13.000 tấn thịt hơi, theo tính toán của AGRO).
Trong các nước tham gia TPP, 3 nước có ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành chăn nuôi Việt Nam là: Úc, New Zealand và Mỹ. Dự kiến khi chính thức là thành viên của TPP, thuế nhập khẩu thịt bò từ các quốc gia trên vào Việt Nam sẽ ở mức 0%. Úc và New Zealand là 2 nước có năng lực cạnh tranh vào hàng cao nhất thế giới ở các sản phẩm ngành chăn nuôi bò như thịt và sữa. Trong khi đó, khả năng tiếp cận thị trường hai nước này của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam hầu như không đáng kể do dung lượng thị trường hạn chế, các yêu cầu kỹ thuật cao và khả năng cạnh tranh nội địa về nông sản thuộc loại cao nhất trên thế giới. Còn Mỹ là nước có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo và với mức thuế suất hiện tại, Việt Nam cũng đang nhập khá nhiều các mặt hàng này từ Mỹ. Nếu mở cửa, nguy cơ sản phẩm tương tự của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm NK từ Mỹ là rất lớn.
Theo các chuyên gia trong ngành, để bảo hộ sản phẩm chăn nuôi trong nước và cũng là bảo vệ lợi ích người chăn nuôi, cần xây dựng các hàng rào mềm với sản phẩm nhập khẩu bằng lộ trình thuế quan. Cách thức bảo hộ này tuy không triệt để do chỉ thực hiện được trong một khoảng thời gian hạn chế nhưng khả thi trong khuôn khổ TPP. Do đó, cần tận dụng triệt để cơ chế này cho những mặt hàng nông sản nhạy cảm, đặc biệt là chăn nuôi. Bên cạnh đó, có thể bảo hộ bằng hạn ngạch NK (quota) nếu như biện pháp thuế quan không thể áp dụng được. Ngoài ra, cần xây dựng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ (TBT, SPS) đối với sản phẩm chăn nuôi NK. Tuy nhiên, cần lưu ý một số biện pháp TBT, SPS nếu tiêu chuẩn quá cao sẽ gây khó cho nông sản nội địa do Việt Nam chưa có đủ nguồn nhân lực, phương tiện và kỹ năng để thực hiện việc đảm bảo tuân thủ các biện pháp này. Vì vậy trong quá trình đàm phán TPP, phương án tốt hơn cả là đề nghị các nước đối tác phát triển trong TPP có cam kết hỗ trợ kỹ thuật theo các hình thức cụ thể, khả thi và hiệu quả để thực hiện các biện pháp TBT, SPS.