Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
NGÀNH CHĂN NUÔI VIỆT NAM – THÁCH THỨC TỪ TPP
29 | 07 | 2014
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 2,58 triệu con trâu, tương đương cùng kỳ năm trước; 5,18 triệu con bò, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung số lượng trâu giảm chủ yếu do hiệu quả chăn nuôi thấp và diện tích chăn thả bị thu hẹp; riêng đàn bò sữa tiếp tục tăng, đạt 200,4 nghìn con, tăng 26 nghìn con (+14%) so cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu, bò 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ.

I. Tình hình chăn nuôi tại Việt Nam năm 2014  

1. Tình hình chăn nuôi và tương quan cung-cầu thịt tại Việt Nam năm 2014
Chăn nuôi trâu, bò: 
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 2,58 triệu con trâu, tương đương cùng kỳ năm trước; 5,18 triệu con bò, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung số lượng trâu giảm chủ yếu do hiệu quả chăn nuôi thấp và diện tích chăn thả bị thu hẹp; riêng đàn bò sữa tiếp tục tăng, đạt 200,4 nghìn con, tăng 26 nghìn con (+14%) so cùng kỳ. Sản lượng thịt trâu, bò 6 tháng đầu năm đạt xấp xỉ cùng kỳ. Sản lượng sữa bò đạt 265,4 nghìn tấn, tăng 19,2% so cùng kỳ năm trước.
 
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt bò của Việt Nam vào khoảng 408 nghìn tấn, tăng 2 nghìn tấn so với năm 2013. Sản lượng thịt bò của Việt Nam năm 2014 dự kiến ở mức 393 nghìn tấn và để đáp ứng đủ nhu cầu cần phải nhập khẩu ít nhất 15 nghìn tấn.
 
Chăn nuôi lợn: 
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 26,39 triệu con lợn, tăng nhẹ (0,3%) so với cùng kỳ. Hiện tại chăn nuôi lợn khá thuận lợi do giá lợn hơi tăng và dịch lợn tai xanh không xảy ra đã kích thích người chăn nuôi đầu tư tái đàn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1963,3 nghìn tấn, tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước.
Theo USDA, năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam vào khoảng 2,245 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2013. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2014 dự kiến ở mức 2,26 triệu USD, đảm bảo cho Việt Nam xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn thịt lợn.
 
Chăn nuôi gia cầm: 
Theo kết quả điều tra sơ bộ tại thời điểm 1/4/2014 của Tổng cục Thống kê, tổng số gia cầm của cả nước có 314,4 triệu con, tăng 0,7% so cùng kỳ năm 2013. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước tính bằng 442,8 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trứng gia cầm đạt 4.543 triệu quả, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo USDA, năm 2014 nhu cầu tiêu thụ thịt gà của Việt Nam vào khoảng 825 nghìn tấn, tăng 4,2% so với năm 2013. Sản lượng thịt gà của Việt Nam sẽ vào khoảng 393 nghìn tấn, do đó để có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nước ta cần phải nhập khẩu ít nhất 50 nghìn tấn.
 
2. Thương mại thịt của Việt Nam năm 2014
Xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu thịt trong 5 tháng đầu năm 2014 nhìn chung khá ổn định. Trị giá xuất khẩu các tháng đạt từ 3,8 – 4,5 triệu USD, cho thấy mức độ dao động khá thấp nếu so với giai đoạn cùng kỳ các năm gần đây. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, trị giá xuất khẩu thịt đạt 20,92 triệu USD, giảm, chỉ giảm nhẹ gần 2,4% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Kim ngạch xuất khẩu thịt các tháng, năm 2012 – 2014 (USD)
 
Nguồn: TCHQ
 
Thịt lợn (dạng tươi, ướp lạnh, đông lạnh) vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: 5 tháng đầu năm 2014 đạt trị giá 14,46 triệu USD, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 69,1% tổng trị giá xuất khẩu thịt các loại. 
 
Nếu như trong những năm qua, thịt lợn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng chi phối trong khi xuất khẩu các loại thịt khác rất hạn chế thì đến năm nay đã xuất hiện một điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu thịt gia cầm (chủ yếu là thịt gà). Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu thịt gà đều tăng mạnh gấp nhiều lần so với các tháng cùng kỳ năm 2013. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, trị giá xuất khẩu thịt gà đạt 2,22 triệu USD, tăng 576% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 10,6% tổng trị giá xuất khẩu thịt các loại.
 
Về thị trường 5 tháng đầu năm 2014, Việt Nam xuất khẩu thịt chủ yếu sang các thị trường: Hồng Kông, Trung Quốc và Malaysia, với tỷ trọng kim ngạch lần lượt 58,8%, 18,9% và 10,6%. Xuất khẩu tới Singapore - một trong các thị trường nhập khẩu nhiều thịt từ Việt Nam trong các năm qua – đã sụt giảm mạnh từ 1,4 triệu USD trong năm 2013 xuống còn 260 nghìn USD trong 5 tháng đầu năm nay (tỷ trọng chỉ chiếm 1%).
 
Nhập khẩu
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, trị giá nhập khẩu thịt cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đều tăng so với các tháng cùng kỳ năm 2013. Cụ thể, tháng 1/2014 đạt 18,16 triệu USD, tăng 16,5$; tháng 2/2014 đạt 16,98 triệu USD, tăng 90,8%; tháng 3/2014 đạt 19,54 triệu USD, tăng 4,8%; tháng 4/2014 đạt 15,89 triệu USD, tăng 13,9% và tháng 5/2014 đạt 18,68 triệu USD, tăng 51,8%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2014, trị giá nhập khẩu thịt đạt 89,25 triệu USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Trị giá nhập khẩu thịt các tháng năm 2012 – 2014 (USD)
 
Nguồn: TCHQ
 
Về chủng loại, thịt gia cầm là mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất trong 5 tháng đầu năm 2014, đạt 36,26 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 45,2% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt các loại. Tiếp đến là thịt trâu bò, với trị giá đạt 35,84 triệu USD, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm tỷ trọng kim ngạch 40,2%. Trong đó, nhập khẩu thịt bò dạng đông lạnh chiếm khoảng 92% và nhập khẩu dạng tươi sống chỉ chiếm 8%. Nhập khẩu thịt lợn đạt 2,63 triệu USD, tăng nhẹ 6,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng chỉ khoảng 3%. Nhập khẩu thịt chế biến các loại đạt trị giá 1,14 triệu USD, tăng gần gấp hai lần so với mức 0,62 triệu USD của cùng kỳ năm 2013.
 
Về thị trường, Mỹ vẫn là đối tác nhập khẩu thịt lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2014, với trị giá đạt 28,17 triệu USD, giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Ấn Độ, với trị giá đạt 26,8 triệu USD, tang 58,3% so với cùng kỳ. Các thị trường cung cấp thịt đáng chú ý khác gồm: Braxin (10,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 12%), Úc (9,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10%) và Hàn Quốc (3,96 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4%).
 
3. Giá thịt năm 2014
 
Sau gần 2 năm khủng hoảng nặng nề khiến doanh nghiệp làm giống, người chăn nuôi lao đao, gần 3 tháng trở lại đây, thị trường chăn nuôi trong nước ổn định tích cực. Tương quan cung – cầu thịt thực phẩm trong nước vẫn đảm bảo. Theo tổng cục Thống kê, tổng đàn gia súc gia cầm và lượng thịt hơi trong nửa đầu năm 2014 ít thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Sau quãng thời gian giảm thấp cuối quý I/2014, giá cả thịt thực phẩm đã nhanh chóng phục hồi trở lại trong quý II. Bước sang quý III (tháng 7/2014), nhìn chung giá thịt lợn trong xu hướng tăng cao, trong khi thịt gà và thịt bò tương đối ổn định.
 
Giá thịt lợn hơi tại một số tỉnh thành năm 2012 – 2014 (Đồng/kg)
 
Nguồn: Agro Info
 
Giá thịt bò (bán lẻ) tại một số tỉnh thành năm 2012 – 2014 (Đồng/kg)
 
Nguồn: Agro Info
 
Giá thịt gà (bán lẻ) tại một số tỉnh thành năm 2012 – 2014 (Đồng/kg)
 
Nguồn: Agro Info
 
II. Thách thức từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới ngành chăn nuôi và giải pháp
1. Ngành chăn nuôi của Việt Nam tồn tại nhiều yếu kém
 
Đánh giá một cách tổng quan, hiện ngành chăn nuôi còn rất nhiều yếu kém:
- Trước hết là đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao. Trong khi, đối với chăn nuôi thì giá thành thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%. 
 
- Tiếp đó là vấn đề kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.
 
- Vấn đề về con giống cũng là một trong những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Sự phát triển nâng cao chất lượng con giống tại Việt Nam quá chậm so với thế giới. Cụ thể như, trong khi lợn giống tại các nước sinh sản đạt 25-26 con/lứa thì Việt Nam vẫn cứ ì ạch ở mức 17-20 con. 
 
- Về cách thức tổ chức ngành chăn nuôi: Quy mô còn manh mún, thiếu tính liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao. 
 
- Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt.
 
2. Thách thức đối với ngành chăn nuôi trước Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
 
Hiện nay, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thịt vào Việt Nam ở mức tương đối cao: thịt bò từ 14% – 30%; thịt lợn từ 15% – 25%; thịt gà từ 15% - 40%; các loại thịt khác cũng từ 5% trở lên. Tuy nhiên trong thời gian tới có thể hàng rào bảo hộ trên sẽ không còn, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết (có khả năng được ký kết thành công vào cuối năm 2014). Tới lúc đó, dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước sẽ chịu tổn thương nặng nề.
 
Cùng với rất nhiều khó khăn đang tồn tại, ngành chăn nuôi sẽ lại yếu thế hơn khi tham gia TPP. Điển hình như đối với mặt hàng thịt bò, hiện mặt hàng này dù vẫn được áp thuế nhưng không thể cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu. Đó là bởi trong nước còn đang duy trì nền chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ nuôi một vài con bò, trong khi các quốc gia như Mỹ, Úc bò được chăn nuôi công nghiệp trên những đồng cỏ bạt ngàn. Hiện nay, giá thành thịt bò nhập khẩu từ Úc khá thấp, chỉ 2,2-2,4 USD/kg (tương đương 46-50 nghìn đồng/kg) thịt hơi, trong khi giá thịt bò hơi tại Việt Nam lên tới 65-80 nghìn đồng/kg. Chính vì vậy mà hiện nay trong các siêu thị ở các thành phố lớn, thị bò Úc đã áp đảo thịt bò Việt Nam.
 
3. Giải pháp giúp ngành chăn nuôi có thể đương đầu với sự cạnh tranh:
 
Trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Trong đó, tập trung cao nhất vào hai khía cạnh là nâng cao chất lượng con giống kể cả sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại, song song với đó là tạo ra hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành trên địa bàn cả nước.
 
Ngoài ra, cần có những biện pháp nhằm động viên, thúc đẩy DN, cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống tốt, tạo điều kiện từng bước giúp sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn.
 

 



Mỹ Ý/AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường