Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chăn nuôi lợn: Bức tranh 10 năm tới?
05 | 12 | 2017
Chăn nuôi lợn chiếm khoảng 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. “Bão giá lợn” vừa qua là cuộc thanh lọc khốc liệt của thị trường. Nhận thức đúng hiện trạng, những thách thức và triển vọng là điều cần thiết để “vẽ” nên bức tranh với những gam màu sáng cho ngành chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

 

Đàn lợn đứng thứ 7 trên thế giới, 500.000 hộ sẵn sàng chăn nuôi

Theo Cục Chăn nuôi, hiện nước ta có đàn lợn khoảng 29 triệu con, đứng đầu ASEAN, đứng thứ 2 ở châu Á, nằm trong top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng đàn lợn; giai đoạn 2007 – 2017 đạt 0,91%/năm. Sản lượng thịt lợn trong năm 2016 đã đạt mức kỷ lục với 3,36 tấn, tăng 5% so với năm 2015 và đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Braxin và Nga.
 
Hiện tại, ước tính có 3 triệu cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước và khoảng 500.000 hộ chăn nuôi sẵn sàng tham gia nuôi khi lợn được giá. Trong giai đoạn 2012 – 2017, số cơ sở chăn nuôi lợn nông hộ ước giảm 5 – 6%/năm. Lợn nuôi theo hướng hàng hóa chiếm đến 75% số cơ sở chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có sử dụng cám công nghiệp ước khoảng 70%. Năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam thuộc dạng thấp, chỉ từ 17 – 24 con cai sữa/nái/năm.
 
Các công ty TĂCN phát triển mạnh mẽ, chất lượng TĂCN đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất. Tốc độ tăng trưởng về quy mô và sản lượng TĂCN công nghiệp vào loại nhanh nhất thế giới. TĂCN công nghiệp quy đổi từ 400.000 tấn năm 1993 lên 23,15 ngàn tấn năm 2016 (trong đó TĂCN 20,15 triệu tấn, thức ăn thủy sản 3 triệu tấn).
 
Nhiều công ty cung ứng, những giống lợn nổi tiếng nhất trên thế giới đã phát triển tại Việt Nam. Số lượng lợn giống nhập khẩu năm 2016 là 9.521 con (Landrace, Duroc, Yorkshire, Pietrain) từ Mỹ, Canada, Đan Mạch, Đài Loan, Pháp, Anh, Bỉ.
 
Các công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và người chăn nuôi Việt Nam đã tiếp cận tốt. Môi trường đầu tư thuận lợi cụ thể là chính sách của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành chăn nuôi (ưu đãi về thuế). Các doanh nghiệp FDI Việt Nam từ con số 0, nay đã trở thành những đế chế chăn nuôi hùng mạnh.
 
Nhà nước đang giảm bớt các giấy phép con, hiện đại và tin học hóa các thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn.
 
Bức tranh chăn nuôi lợn trong 10 năm tới…
 
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, cuộc khủng hoảng lợn vừa qua là sự thanh lọc của thị trường, nhiều nước có ngành chăn nuôi heo cũng trải qua những cuộc khủng hoảng tương tự, thậm chí vài năm mới khắc phục được.
 
Các chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra 8 khó khăn chính của chăn nuôi nói chung cũng như chăn nuôi lợn nói riêng, đó là: Sản xuất thị trường còn thiếu kết nối và điều hành tổng thể, nhiều khâu trung gian, chi phí sản xuất còn cao; dịch bệnh truyền nhiễm khó kiểm soát, đặc biệt là bệnh tai xanh và LMLM; Tái cơ cấu ngành còn thấp, chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp; Giết mổ chế biến chưa quản lý và quy hoạch tốt; Tổ chức sản xuất còn yếu, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, khó đi vào cuộc sống; Thể chế thiếu hoàn thiện còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm,…; Hợp tác liên kết theo chuỗi còn chưa định hình, rời rạc, liên kết chưa chặt chẽ,…
 
Từ những khó khăn còn tồn tại như trên, để ngành chăn nuôi phát triển và bền vững. Trong 10 năm tới, bức tranh ngành chăn nuôi được định hình theo hướng: Thứ nhất, số lượng trang trại lớn tăng lên. Đến năm 2027, sản lượng thịt lợn trong các trang trại ước chiếm tỷ trọng trên 70%
 
Thứ hai, chăn nuôi quy mô nhỏ giảm mạnh (5 – 7%/ năm) tương đương với sản lượng thịt lợn nuôi trong nông hộ còn dưới 30%.
 
Thứ ba, chăn nuôi lợn chủ yếu là “cuộc chơi” của doanh nghiệp và những người chăn nuôi “chuyên nghiệp”.

Cùng với đó là những triển vọng: Hợp tác liên kết chuỗi phát triển mạnh giữa nhà chăn nuôi, nhà giết mổ và nhà phân phối. Ước đến 2027, 100% trang trại chăn nuôi có hợp đồng đầu ra; Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ chăn nuôi và giết mổ, an toàn thực phẩm, môi trường; Áp dụng đăng ký chăn nuôi trên toàn quốc và phát triển mạnh chuỗi thực phẩm có truy xuất nguồn gốc. Sản lượng thịt lợn tăng chậm (khoảng 3%/năm), chế biến sâu thịt lợn được quan tâm hơn; Phát triển nhiều loại hình chăn nuôi lợn hữu cơ; Tỷ trọng giết mổ công nghiệp sẽ tăng lên; Sản phẩm thịt lợn chế biến có thương hiệu và xuất khẩu được sang nhiều nước.
 
Thách thức cần vượt qua
 
Nhìn chung, ngành chăn nuôi lợn nước ta có nhiều lợi thế, cụ thế, cụ thể nhân lực trong ngành có truyền thống và kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn, nông dân Việt Nam rất chịu khó, cần cù, thông minh; các doanh nghiệp rất năng động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong 10 năm tới ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp những thách thức lớn do cạnh tranh ngày càng tăng. Thịt lợn Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh bởi thịt lợn Mỹ, Đan Mạc, Braxin, Hà Lan mà thậm chí là còn cả Trung Quốc và Nga; Chi phí chăn nuôi cao và khó khăn trong kiểm soát môi trường. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh sản phẩm ngoài ngành (thịt gia cầm, thủy sản, thịt bò,…) có thể khiến nhu cầu về thịt lợn chững lại.
 
Để vượt qua những thách thức trên, cần những giải pháp cốt lõi như nhà nước cần xây dựng chiến lược điều hành tổng thể ngành chăn nuôi. Tổ chức và quy hoạch sản xuất gắn với thị trường. Tổ chức quản lý tốt dịch bệnh, giết mổ, ATVSTP,…
 
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người chăn nuôi cần bắt tay xây dựng hợp tác theo chuỗi; áp dụng KHKT về giống, TĂCN, công nghệ chuồng trại để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng thịt, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đầu tư vào giết mổ và chế biến thịt sâu, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu,…

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:

Phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi lợn theo 2 hướng đó là: Một hướng đi theo công nghiệp, cần thiết phải hạ giá thành, bằng cách cải thiện giống, chuồng trại, quản lý tốt. Hướng thứ hai là đẩy mạnh rất nhanh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo hướng đặc sản. Coi phát triển bền vững là đòi hỏi cấp thiết từ môi trường, kinh tế và an sinh xã hội. Đây là câu chuyện rất khó của ngành chăn nuôi Việt Nam bởi chúng ta phải lo cho 3 triệu hộ nông dân, phải chuyển đổi lao động một cách từ từ.

 



Nguồn: Tạp chí Người Chăn nuôi
Báo cáo phân tích thị trường