Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lạm phát có nguy cơ bùng nổ?
05 | 06 | 2008
Thị trường tài chính ngân hàng đang đua nhau tăng lãi suất huy động vốn và cho vay, giá cả biến động mạnh, nhất là giá vàng, dầu mỏ và đô la cùng với những thông tin được công bố về chỉ số giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng mạnh, khiến người dân không khỏi không nghĩ đến nguy cơ một cuộc bùng nổ lạm phát từ nay đến cuối năm.
Những yếu tố thúc đẩy lạm phát

Trước hết phải nói đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh trong tháng 5 cũng như 5 tháng đầu năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 5 đã tăng lên 3,91%, trong đó nhóm lương thực tăng 22,19% (Nhóm lương thực và thực phẩm chiếm tới 42,75% chỉ số CPI). Nhìn chung, 5 tháng đầu năm chỉ số CPI tăng 15,96%, mức tăng cao nhất trong vòng 12 năm qua. Điều đó là tương đương với con số lạm phát cả năm ở mức 25%, một con số đáng lo ngại. Xu hướng giá tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng nhất là giá nhiên liệu và lương thực đang và sẽ gây sức ép tăng giá trong nước thời gian tới. Tình trạng giá lương thực và thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát ở nhiều nước châu Á không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, giá mặt hàng phi lương thực ở nước ta cũng tăng trên 10%, càng tạo ra áp lực đối với tăng lạm phát. Về giá lương thực nước ta là nước xuất khẩu gạo và năm nay lại được mùa nên có thể kiểm soát được giá cả không như các nước nhập khẩu lương thực trong khu vực.

Nhập khẩu 5 tháng đầu năm đã đạt 37,8 tỷ USD làm cho cán cân thương mại thâm hụt 14,4 tỷ USD so với mức nhập siêu 12,4 tỷ USD của cả năm 2007 và 4,8 tỷ USD của năm 2006. Điều đó gây áp lực mạnh tới mức tăng lạm phát trong thời gian tới. Đây là mức nhập siêu lớn nhất từ trước đến nay. Nó buộc phải huy động một lượng ngoại tệ lớn để trang trải và như vậy buộc Nhà nước phải có biện pháp kìm hãm lại tốc độ tăng trưởng để kiềm chế lạm phát.


Lượng tiền nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 5 tháng qua cũng tăng vọt với tổng giá trị vốn FDI đăng ký lên tới 14,724 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ 2007. Đó là chưa kể mức dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng TMNN đã tăng hết cơ số 30% được quy định cho cả năm, buộc NHNN phải bơm thêm tiền cho các NHTM để tăng tính thanh khoản cũng như cho vay các dự án… Số liệu này cho thấy cùng với các dòng vốn khác như kiều hối, khối lượng tiền tệ trong lưu thông tăng lên mạnh, một nhân tố góp phần tăng lạm phát. Việc tiếp nhận một lượng vốn nước ngoài rất lớn vượt quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế nước ta vốn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn nước ngoài, báo hiệu nguy cơ rủi ro rất lớn khi có sự bất ổn trong nền kinh tế những dòng vốn đó được chuyển đột ngột ra ngoài để bảo toàn vốn của các nhà đầu tư.

Những biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế cũng như giá cả nguyên nhiên liệu, lương thực, thực phẩm đã ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Việt Nam, một hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập vào thị trường thế giới. Những biến động mạnh trên thị trường xăng dầu, vàng, nguyên vật liệu thời gian qua là ảnh hưởng trực tiếp của thị trường quốc tế, đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Việc Chính phủ Mỹ liên tục cắt giảm lãi suất cũng đã ảnh hưởng xấu đến các nước đang phát triển, làm cho chính sách thắt chặt tiền tệ gặp nhiều khó khăn buộc phải tăng lãi suất để thu hút lượng vốn nhiều hơn và việc can thiệp giữ cho đồng nội tệ không lên giá cũng lại góp phần cho lạm phát cao hơn. !!

Hiệu quả của các biện pháp kinh tế vĩ mô

Từ tháng 3 trở lại đây, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, trong đó có chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu công, cắt giảm các công trình kém hiệu quả, tăng quỹ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản… Trong ngắn hạn những biện pháp đó đã có những hiệu quả tích cực, khống chế mức tăng giá tiêu dùng thời gian qua. Tuy nhiên, việc duy trì sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính kéo dài sẽ làm cho nền kinh tế khó thích ứng với những biến động từ bên ngoài và làm cho những nhân tố rủi ro tích tụ và dễ có nguy cơ bùng nổ một khi Nhà nước không đủ sức can thiệp lâu dài vào thị trường. Thực tế cho thấy, việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang gây ra tình trạng thiếu vốn trên thị trường, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để huy động vốn trong dân, một mức cao chưa từng thấy, báo hiệu tiềm ẩn nguy cơ mất giá đồng tiền. Kể từ khi NHNN phát hành 20.000 tỷ tín phiếu bắt buộc trong tháng 3, khiến xuất hiện một yếu tố rủi ro lớn trong hệ thống. Việc vừa qua NHNN buộc phải tăng lãi suất cơ bản cũng như cung cấp thêm tính thanh khoản cho các NHTM cho thấy việc điều chỉnh kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ.

Thị trường chứng khoán, một kênh huy động vốn chủ yếu cho nền kinh tế thì đang bị tê liệt, Nhà nước vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để vực dậy tạo ra tâm lý lo sợ hoang mang trong dân chúng và dẫn đến tâm lý đầu cơ tích trữ những tài sản có giá trị bảo toàn giá trị cao như vàng, ngoại tệ hay bất động sản.

Tuy nhiên, chống lạm phát chỉ bằng chính sách thắt chặt tiền tệ không thôi chỉ có tác dụng nhất thời. Nếu không có điều chỉnh linh hoạt và kịp thời nó còn tác dụng xấu đến tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát. Lạm phát ở nước ta hiện nay không chỉ nằm ở nguyên nhân tiền tệ mà còn có nguồn gốc sâu xa từ căn bệnh cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu đầu tư trong thời gian dài trước đó đã không được điều chỉnh đúng hướng làm cho tiền đổ vào đầu tư thì nhiều nhưng hiệu quả đem lại không được tương xứng. Người ta đang nói nhiều đến việc đầu tư dàn dải, trong đó một nguồn vốn lớn đã được đổ vào thị trường bất động sản và chứng khoán thời gian qua. Đó là chưa kể tới một lượng vốn lớn đổ vào lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ mát và sân golf. Một điều rất lạ là ở một nước còn chưa phát triển như Việt Nam mà số lượng sân golf được chấp nhận đầu tư lên tới 123 sân golf với tổng diện tích là 38.445 ha, trong đó 15.264 ha đất nông nghiệp (đất trồng lúa là 2.433 ha). Riêng Tp HCM đã có tới 13 sân golf được chấp nhận đầu tư, Bà Rịa - Vũng tàu có 12 sân golf… một mật độ đáng kinh ngạc. Đầu tư không phục vụ sản xuất kinh doanh và kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân chính gây ra lạm phát, làm giảm lòng tin của người dân và đẩy quá nhanh tốc độ từ một xã hội lẽ ra tập trung sản xuất thành một xã hội tiêu thụ.

Dự báo của các chuyên gia

Lạm phát hiện đang là vấn đề toàn cầu tuy mức độ có khác nhau. Theo đánh giá của tờ tạp chí The Economist mới đây thì có tới 2/3 dân số thế giới đang phải đối mặt với lạm phát trên hai con số. Lạm phát ở Trung Quốc hiện đang ở mức 8,5%, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua so với mức chỉ 3% cách đây một năm. Lạm phát ở Indonesia hiện đang là 9% và có thể tăng lên 12% trong thời gian tới. Lạm phát ở Nga cũng từ 8% tăng lên 14%. Các nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh đều có lạm phát ở mức hai con số. Tuy nhiên so với các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực thì lạm phát ở Việt Nam đang ở mức đáng lo ngại.

Theo đánh giá của tập đoàn Goldman Sachs thì lạm phát đang là vấn đề nổi cộm nhất ở Việt nam hiện nay. Tập đoàn này dự đoán với đà tăng trưởng 7,3% trong năm nay và với những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát thì lạm phát sẽ ở mức 19% trong năm nay và còn 10% trong 2009.

Đây cũng là mức kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước.

Đánh giá về lạm phát của Việt Nam, mới đây tập đoàn Merrill Lynch cho rằng hiện có các biểu hiện của một cú sốc lạm phát trong thời gian tới như: do lạm phát tăng mạnh nên NHNN buộc phải phản ứng bằng chính sách tiền tệ; Việc thắt chặt tính thanh khoản của các ngân hàng, lãi suất cao sẽ ảnh hưởng làm cho tăng trưởng xấu đi; Giá cả các mặt hàng chịu tác động lớn của yếu tố tâm lý như chứng khoán, bất động sản giảm nhanh, đồng nội tệ lên xuống và cho rằng nếu có bất ổn xảy ra, tăng trưởng xấu đi và dòng vốn ngoại chảy ra thì đồng nội tệ sẽ mất giá mạnh, nguy cơ lạm phát tăng cao.

Merill Lynch cho rằng tình trạng của Việt Nam hiện nay tương tự như tình trạng của Trung Quốc mùa Xuân 2004, mùa Thu 2007 và Ấn Độ đầu 2008, Indonesia Hè 2005…

Trong buổi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 30/5 Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc đã thừa nhận “mức lạm phát thấp nhất của năm nay là 22%, nhưng phải có quyết tâm cao mới giữ được”.

Rõ ràng các dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế đang dần bộc lộ cùng với quá trình tích tụ của khối lượng tiền tệ trong lưu thông rất lớn cũng như sức ép tăng giá nhiều mặt hàng trong thời gian tới có nguy cơ bùng phát khó kiểm soát. Thực tế đang đặt ra cho Chính phủ phải có các biện pháp kịp thời, vừa hành chính, vừa kinh tế, can thiệp một cách chủ động và linh hoạt mới có thể tránh được nguy cơ bùng nổ lạm phát từ nay đến cuối năm. Với đà tăng giá tiêu dùng như hiện nay nếu không có kiểm soát kịp thời thì tốc độ lạm phát trong năm nay khó có thể giữ được dưới mức 25%.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường