Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái phát nạn heo bơm nước
24 | 02 | 2009
Một con heo trên 100 kg có thể bơm nước tăng trọng lượng thêm khoảng 10 kg. Thịt heo bị bơm nước rất dễ bị nhiễm vi sinh, thịt mau bị ôi

Thông tin từ giới kinh doanh thịt heo tại TPHCM cho biết gần đây tình trạng các lò giết mổ bơm nước vào heo để gia tăng trọng lượng thịt lại xuất hiện và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Heo bơm nước chủ yếu tập kết về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, quận 8 - TPHCM, sau đó được phân phối về các chợ ở TPHCM để tiêu thụ.


Thịt ở chợ sỉ, chợ lẻ đều dính


Do nguồn heo bơm nước này đã được đóng dấu kiểm soát của cơ quan thú y địa phương từ các lò giết mổ nên khi về chợ đầu mối loại thịt kém chất lượng này đã được hợp thức hóa hợp pháp tiêu thụ trên thị trường, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được.


Theo số liệu thống kê từ ngành thú y TPHCM, mỗi ngày chợ Bình Điền tiêu thụ gần 2.000 con heo, trong đó số heo được giết mổ tại các lò ở TPHCM chỉ khoảng 800 con, số còn lại do các lò giết mổ ở Long An cũng như một số địa phương lân cận cung cấp, trong đó chỉ riêng ba lò giết mổ Chiến Thắng, Long Hiệp (Bến Lức, Long An), Cầu Tràm (Cần Giuộc, Long An) cũng đã cung cấp cho chợ Bình Điền gần 1.000 con heo/ngày.


Một cán bộ trạm kiểm dịch động vật An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết đêm nào trạm cũng phát hiện 5 - 6 xe (mỗi xe chở hàng chục con heo) trong đó có heo bơm nước từ khu vực Long An đưa về TP tiêu thụ, với hiện trạng thịt heo bị rỉ dịch. Chỉ trong tuần qua, trạm đã phát hiện gần 70 tấn thịt dạng này. Tình trạng thịt heo rỉ dịch do bơm nước cũng được trạm kiểm dịch thú y chợ Bình Điền phát hiện rất nhiều. Một số trường hợp mới phát hiện như 16 con heo của bà Nguyễn Thị L., vụ hơn chục con heo của ông Nguyễn Văn T. đều được giết mổ ở cơ sở Cầu Tràm (Long An). Hoặc vụ 10 con heo của hộ Nguyễn Thúy N. và 15 con heo của hộ Võ Thị Thanh X. ở chợ Bình Điền được lấy từ cơ sở giết mổ Chiến Thắng (Long An) cũng bị cơ quan thú y kiểm tra phát hiện rỉ dịch cao bất thường... Tất cả các trường hợp heo bị rỉ dịch đều đã có giấy chứng nhận của Chi cục Thú y Long An.


Bà Hạnh, buôn bán lẻ thịt heo tại chợ Minh Phụng, quận 6, cho biết các hộ bán lẻ như bà lấy nhầm thịt heo bơm nước là chuyện thường ngày. Lấy vô gần 20 kg thịt, đến khi bán xong thiếu hụt mất từ 1-2 kg. Bằng chứng là vừa bán, bà Hạnh vừa quơ tay thấm nước bằng mốp xốp, vắt liên tục... Cán bộ thú y kiểm soát tại các chợ trên địa bàn quận 5, 6, 8 cho biết không thể xử lý được người bán lẻ thịt heo bơm nước do nước được bơm vào heo trước khi giết mổ, vả lại thịt heo có hiện tượng rỉ dịch đều có giấy tờ đầy đủ.


Cán bộ thú y tắc trách


Tận mắt chứng kiến công tác kiểm soát giết mổ tại một số cơ sở giết mổ lớn ở Long An như Chiến Thắng, Cầu Tràm, Long Hiệp thật đáng lo ngại. Từ 14 giờ đến 17 giờ, các xe chở heo sống được tập kết về các lò giết mổ ầm ầm chờ đến giờ giết mổ nhưng không hề thấy bóng dáng cán bộ thú y nào kiểm tra tình trạng xe có còn niêm chì hay không, có đầy đủ giấy tờ hoặc kiểm tra lâm sàng tình trạng sức khỏe heo theo như quy định. Thời gian này, heo được bơm nước vô tư, mỗi con được bơm từ 2-3 lần. Nước bơm được lấy trực tiếp từ kênh, rạch ngay bên cạnh. Khoảng 19 giờ mới có cán bộ thú y xuất hiện nhưng chủ yếu họ ngồi ở phía ngoài, còn bên trong heo được các thợ giết mổ tiếp tục bơm tăng cường rồi giết mổ. Mỗi con heo bơm nước, lái heo phải trả thêm tiền công từ 10.000 đồng- 15.000 đồng, tùy theo trọng lượng. Heo càng lớn được bơm nước càng nhiều. Đặc biệt nguồn heo nái được đưa về các lò giết mổ này khá nhiều và lượng nước bơm vào loại heo này được tận dụng tối đa. Do các cơ của heo nái không còn chắc như heo thịt nên lượng nước được bơm vào càng nhiều càng tốt. Nước sẽ làm cho da, cơ heo nái căng phồng trở lại trông bắt mắt hơn sẽ dễ tiêu thụ hơn...


Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TPHCM, cho biết nạn bơm nước vô heo đang được chi cục quan tâm và tìm mọi biện pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng bơm nước diễn ra bên ngoài địa bàn TP nên công tác kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Gần đây Chi cục Thú y TPHCM cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y Long An, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng này nhưng vẫn chưa hiệu quả.

Khó xử lý heo... bơm nước

Ngày 22-2, ông Lê Minh Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, cho biết cán bộ kiểm dịch thú y huyện Cai Lậy phát hiện một lò giết mổ heo bơm nước vào heo để bán cho thương lái nhưng cơ quan thú y cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhắc nhở chứ không xử phạt hành chính được.

Theo ông Khánh cho đến nay chưa có quy định nào xử lý việc bơm nước vào heo để bán. Chi cục Thú y cũng đã có văn bản gửi Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Tiền Giang đề nghị phối hợp xử lý các trường hợp tương tự như trên. Theo một cán bộ thú y, thời gian gần đây, các thương lái thu mua heo hơi thường sử dụng ống nước loại phi 21 bơm nước trực tiếp vào miệng heo để tăng trọng lượng rồi đưa về TPHCM tiêu thụ. Trung bình mỗi con heo được bơm từ 15 đến 20 lít nước.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường