Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thực phẩm, rau xanh vẫn còn... hơi tết
23 | 02 | 2010
Đến ngày mùng 9 Tết Canh Dần, các chợ trên địa bàn TP.Hà Nội đã hoạt động bình thường, tuy nhiên giá các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả, hoa vẫn giữ ở mức cao.

Lượng hàng về chợ, các điểm kinh doanh tăng hơn so với những ngày cuối tuần trước, nhưng vẫn còn nhiều mặt hàng cung không đáp ứng đủ cầu.

Mở hàng đầu năm, giá trên trời

Các mặt hàng thực phẩm, rau củ, quả, hoa tươi tăng giá mạnh vào ngày mùng 2-3 Tết Nguyên đán, trong đó có những mặt hàng tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm trước tết, cụ thể: Rau xanh tăng gấp 2 lần, thịt bò tăng 50%, cá đồng tăng gấp 2 lần, hải sản tươi sống tăng 20 – 40%, hoa quả các loại tăng 35%, thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao...

Theo một số tiểu thương tại chợ Hôm - Đức Viên: Nguyên nhân chính của tình trạng tăng giá là do nhiều hộ kinh doanh chưa mở hàng đầu năm, lượng hàng về chợ ít. Anh Nguyễn Văn Bảy - chủ cửa hàng kinh doanh thịt lợn tại chợ Trương Định - cho biết: “Nguồn thịt lợn từ các tỉnh về Hà Nội chưa nhiều, một số lái buôn thịt lợn nhà bán để mở hàng đầu năm. Lượng cung ít là yếu tố chính dẫn tới tình trạng giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức cao. Sau ngày mùng 10 tết, hoạt động kinh doanh sẽ diễn ra bình thường, lượng hàng từ các tỉnh chuyển về Hà Nội tăng, nhiều mặt hàng sẽ hạ nhiệt, trong đó có mặt hàng thực phẩm tươi sống”.

Tuy nhiên, một thực tế là đến sáng mùng 9 tết, nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng cho các đại lý vẫn trong tình trạng “nhỏ giọt”. Theo anh Nguyễn Văn Hùng - chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo ở phố Hàng Buồm: “Sau ngày 30 tết, hàng bánh kẹo gần như hết sạch, đầu năm mở hàng ngày mùng 6 gọi hàng, nhưng đại lý đều trả lời chưa có hàng bán mặc dù đã có ký hợp đồng từ trước tết nhưng vẫn chưa có hàng cung ứng. Đến mùng 9 tết, lượng hàng cung cấp cho các cửa hàng vẫn trong tình trạng cầm chừng. Nhiều khách quen của tôi muốn lấy thêm hàng, nhưng không có”.

Hàng ở siêu thị cũng chưa đủ chủng loại

Tại Hà Nội, từ ngày mùng 4 - 6 tết, một số siêu thị, trung tâm thương mại đã mở hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con như: Siêu thị BigC, hệ thống Fivimart, Intimex, Citimart, siêu thị Cầu Giấy, Trung tâm thương mại Vân Hồ, Metro..., mặc dù các siêu thị, trung tâm thương mại giá ổn định hơn thị trường tự do nhưng lượng hàng thực phẩm, rau xanh còn hạn chế.

Theo ông Sỹ Danh Phúc – Giám đốc Siêu thị Fivimart Đại La, Hoàng Quốc Việt: “Mặc dù siêu thị, trung tâm thương mại đã có kế hoạch dự trữ hàng hoá và đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong những ngày đầu năm mới, nhưng chủng loại hàng vẫn chưa thật sự phong phú như thời điểm trước tết”.

Ông Nguyễn Thái Dũng – Phó Tổng giám đốc Siêu thị BigC Thăng Long - cho biết thêm: “Giá các mặt hàng tại siêu thị tương đối ổn định, hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đều bán hàng với giá đã cam kết với Sở Công Thương Hà Nội nên người dân ngày càng thích đến siêu thị mua hàng. Tình trạng nhiều mặt hàng, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, đồ ăn nhanh... tại siêu thị, trung tâm thương mại bán hết nhanh trong ngày là vì hầu hết khách vào đây chỉ tập trung mua nhóm ngành hàng nhu yếu phẩm.

Dự kiến phải sau ngày mùng 10 Tết Nguyên đán thì lượng cung cầu mới cân bằng, giá các mặt hàng mới dần ổn định”.

Mặc dù nhiều siêu thị, trung tâm thương mại bắt đầu đón đợt hàng đầu tiên của các nhà phân phối, sản xuất từ TPHCM chuyển ra từ ngày mùng 4 tết, nhưng số lượng hàng không nhiều vì vậy sự đa dạng về chủng loại hàng hoá còn hạn chế. Như cơ quan quản lý thị trường nhận định: Cung cầu hàng hoá sẽ tự cân đối, giá hàng hoá sẽ giảm dần sau khi hoạt động kinh doanh, sản xuất bình thường trở lại, nguồn hàng từ các tỉnh về Hà Nội ổn định trở lại. Chỉ từ ngày mùng 10 đến rằm tháng giêng, giá hàng hoá sẽ dần hạ nhiệt.

Dự kiến nhu cầu hàng hoá của người dân trong Tết Nguyên đán Canh Dần - 2010 tăng 15 – 20% so với Tết Nguyên đán Kỷ Sửu - 2009.



Theo Lao Động Online
Báo cáo phân tích thị trường