Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý
13 | 01 | 2009
Đại diện doanh nghiệp cho biết sẽ phối hợp thu mua sữa giúp dân nhưng không quên quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý, trong đó có Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế

“Nỗ lực của một vài doanh nghiệp liệu có thể gánh được toàn bộ gánh nặng của người chăn nuôi mà không có sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành?”, ông Đặng Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk), trao đổi với PV Tiền Phong.

Việc nông dân Vĩnh Phúc tiếp tục đổ bẩy tấn sữa, ông có nghe nói không?

Ông Đặng Anh Tuấn: Tôi biết vấn đề này.

Khu vực nông dân đổ sữa (Huyện Yên Lạc và huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), được biết, là vùng nguyên liệu của Hanoimilk?

Chính xác. Tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, và cả ngoại thành Hà Nội, là vùng nguyên liệu sữa của Hanoimilk.

Việc nông dân đổ sữa, nguyên nhân có phải là Hanoimilk ngừng mua sữa của họ?

Chúng tôi không ngừng mua sữa của nông dân. Chúng tôi đang duy trì thu mua sữa theo hợp đồng đã ký đầu năm 2008 (750 kg sữa/ngày). Dù hợp đồng như vậy, Hanoimilk vẫn thu mua gấp đôi (1,5 tấn/ ngày). Mới đây, một lần nữa Tổng Giám đốc Hanoimilk lại đưa ra quyết định nâng mức thu mua sữa lên hơn hai tấn/ngày.

Nếu không phải do Hanoimilk ngừng thu mua, theo ông, đâu là nguyên do khiến nông dân đổ sữa?

Một là do nông dân đầu tư chăn nuôi bò sữa tràn lan. Hai là cơn bão melamine vừa rồi. Năm 2008, nông dân đầu tư mạnh vào chăn nuôi bò sữa.

Khi Hanoimilk làm ăn tốt, hợp đồng 750 kg sữa/ngày được đặt sang một bên. Bà con mang sữa đến bao nhiêu, chúng tôi thu mua bấy nhiêu.

Tuy nhiên, khi xảy ra khó khăn (cơn bão melamine), chúng tôi phải kiểm soát tất cả các khâu. Nguồn lao động, nguồn sữa, hội họp, v.v…, phải đưa vào khung chi phí chuẩn. Nguồn sữa cũng phải thu mua theo đúng hợp đồng. Biết khó khăn của bà con, chúng tôi thu mua dôi dư đôi chút so với hợp đồng nhưng không thể quá 15 phần trăm.

Hanoimilk có suy nghĩ một giải pháp nào giúp nông dân thoát khỏi tình cảnh này?

Đây là trách nhiệm chung của cả cộng đồng chứ không phải của riêng Hanoimilk. Vĩnh Phúc, ngoại thành Hà Nội, là vùng nguyên liệu của Hanoimilk. Chúng tôi cũng suy nghĩ phải làm thế nào để giúp nông dân. Hanoimilk đang kêu gọi các nhà máy chế biến khác chia sẻ khó khăn của bà con chăn nuôi.

Bên cạnh đó, công ty cũng tính đến giải pháp tổng hợp từ bán hàng đến tiếp thị để có thể sớm thúc đẩy đầu ra, tăng thu mua đầu vào.

Sao công ty không tính đến giải pháp gần – xử lý số sữa dư thừa như hướng dẫn kỹ thuật để bà con chế biến sữa bán rẻ cho người tiêu dùng chẳng hạn?

Phương pháp ấy chỉ giải quyết được một đôi ngày, chứ chưa có cách gì giúp bà con bảo quản sữa và duy trì lâu dài. Nếu kể đến việc chế biến sữa làm sữa chua hoặc cô đặc thành bánh sữa như một số nơi, sữa nông dân sản xuất khó có thể đảm bảo chất lượng.

Biện pháp hiện giờ, theo tôi, là các nhà máy chế biến sữa nên hợp tác với nhau thu mua giúp nông dân. Thời điểm hiện tại, tôi được biết, các nhà máy sản xuất thu mua lượng sữa rất thấp. Vinamilk chỉ thu mua cầm chừng. Một số nhà máy không sử dụng sữa tươi như nhà máy chế biến sản phẩm sữa Elovi.

Vì vậy, giải pháp tổng hợp vẫn là các nhà máy chế biến chia sẻ với nhau. Việc này Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn phải có định hướng khuyến khích. Còn việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con chăn nuôi, về lâu dài, không khả thi.

Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT

Theo ông, các bộ, ngành liên quan nên có động thái gì trong thời điểm này?

Trách nhiệm ở đây thuộc về Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn.

Trước hết, cần xem xét quy mô của ngành chăn nuôi từng vùng. Hạn chế phát triển ồ ạt mà nên phát triển theo chiều sâu, lọc đàn có chất lượng tốt. Hiện con giống của bà con không hiệu quả do thói quen nuôi tận thu. Việc lọc đàn có chất lượng tốt, xem xét con giống không hiệu quả để chủ động loại bỏ là việc khó, do với bà con, bò là tài sản.

Để phát triển chăn nuôi theo chiều sâu, cần nâng cao chất lượng và kỹ thuật chăn nuôi, đầu tư giống và dinh dưỡng hiệu quả hơn để thu lại năng suất cao. Khi phát triển theo chiều sâu rồi, nuôi bốn con bò có thể cho năng suất bằng 6 – 7 con nuôi theo phương pháp cũ cộng lại.

Thứ hai, Bộ cần khuyến khích người chăn nuôi cũng như người thu mua sữa tươi (nhà máy chế biến sữa). Theo tôi, Bộ nên kích thích nhà máy thu mua thêm sữa và chia sẻ gánh nặng tài chính như hỗ trợ về lãi suất, trợ giá thu mua sữa cho nhà máy. Như vậy, vừa có thể khuyến khích bà con, vừa khuyến khích người thu mua sữa.

Theo ông, tình trạng đổ sữa của nông dân bao giờ mới có thể kết thúc?

Nếu các sở, ban, ngành cùng vào cuộc, sự việc sẽ được giải quyết trong tháng 1. Nỗ lực không thể đổ dồn vào một, hai doanh nghiệp. Cơ quan chủ quản ở đây là Bộ NN&PTNT phải vào cuộc. Bộ Y tế cũng cần vận động các nhà máy chế biến sữa thu mua sữa cho nông dân.

Cám ơn ông.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Bà con nên tạm thời tự giải quyết

T.S Hoàng Kim Giao: “Các doanh nghiệp thu mua sữa phải gắn bó mật thiết hơn với lợi ích của dân”.

“Bởi nhu cầu sữa ngày càng tăng, nhưng sản lượng sữa trong nước vẫn hạn chế” - Tiến sỹ Hoàng Kim Giao- Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nói như vậy khi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.

Tôi thực sự đau xót và muốn sẻ chia, thông cảm với nỗi khổ của người chăn nuôi khi phải đổ sữa.

Nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay giá sữa thế giới giảm một nửa so với thời điểm trước khi có bão melamine (nếu quy ra sữa tươi giá trung bình là 4.000 đồng/lít), trong khi giá sữa tươi trong nước đang tiêu thụ khoảng 6.500 - 8.000 đồng/lít.

Vào mùa này, sản lượng sữa lại cao hơn nhiều. Vì thế, các doanh nghiệp không hào hứng mua sữa tươi trong nước.

Để giải quyết tình trạng sữa tồn đọng, phải đổ đi, cần làm gì, thưa ông?

Trước mắt, bà con chăn nuôi bằng mọi giá phải đảm bảo sữa sạch theo quy định. Cùng đó, nếu có sữa dư thừa thì bà con nên tạm thời tự giải quyết bằng cách tự chế biến và sử dụng trong gia đình.

Đối với những con bò gần cạn sữa hoặc yếu, cần giảm cho ăn để bò cạn sữa, giảm sản lượng; lấy sữa dư thừa nuôi bê, bò; giúp đỡ các trường học, cơ sở nuôi dưỡng người già... Mặt khác, người chăn nuôi tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp tăng thu mua sữa.

Về lâu dài, Cục Chăn nuôi đã và sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ bốn giải pháp cơ bản. Đó là nâng thuế nhập khẩu sữa bột theo đúng lộ trình AFTA; áp dụng quota đối với sữa bột nhập khẩu (doanh nghiệp nào nhập bao nhiêu sữa nguyên liệu thì sẽ phải mua lượng sữa tươi trong nước tương ứng với tỷ lệ chế biến sữa hoàn nguyên); không cho phép xây dựng nhà máy sữa nếu chỉ nhập sữa bột mà không mua sữa tươi trong nước để chế biến sữa hoàn nguyên; hỗ trợ nông dân mức một triệu đồng/con bò sữa đối với khu vực gặp khó khăn (Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc).

Nông dân đổ sữa, trách nhiệm của Bộ NN&PTNT như thế nào, thưa ông?

Cục Chăn nuôi và Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến vụ việc để có biện pháp can thiệp kịp thời và đảm bảo kế hoạch lâu dài phát triển đàn bò sữa. Cụ thể, đã và tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì đàn bò sữa, không vì hiện tượng trước mắt trên mà phá huỷ đàn bò sữa mất nhiều công gây dựng.

Thiết nghĩ, đây cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp thu mua sữa phải gắn bó mật thiết hơn nữa với lợi ích của nông dân. Các cơ quan quản lý địa phương (nhất là thôn, xóm) phải vào cuộc, đứng ra giải quyết và có trách nhiệm cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

* Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng sữa bò tươi cả nước khoảng 262.000.000 lít/năm. Tại Vĩnh Phúc, với 485 con bò cho sữa, tổng thu khoảng 17 tỷ đồng/năm. Riêng Hà Nội, sản lượng sữa đạt 11.200.000 lít/năm, nếu với giá sữa hiện 6.500 đồng/lít thì tổng thu khoảng 72,8 tỷ đồng/năm.



Nguồn: www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường