Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi lợn cuối năm: Nông dân vẫn gặp khó
28 | 10 | 2010
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2011, thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao, nhưng hiện nay, tình hình chăn nuôi lợn ở ngoại thành vẫn còn ảm đạm. Nguyên do là vì giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cộng với tâm lý lo sợ rủi ro do dịch tai xanh vẫn chưa chấm dứt.

Ảm đạm bức tranh chăn nuôi

Xã Trung Hòa là một trong những vùng nuôi lợn lớn của huyện Chương Mỹ. Trước đây, đàn lợn nuôi của xã luôn duy trì ở mức trên 10.000 con. Thế nhưng thời điểm này, tại Trung Hòa, hầu hết các chuồng trại đều rắc vôi bột trắng xóa và bỏ không. Ông Nguyễn Huy Thạn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hòa cho biết: Dịch tai xanh thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến 60% đàn lợn của xã. Hiện tại, xã chỉ còn khoảng 2.000 - 3.000 con lợn. Chị Trần Thị Hà, hộ chăn nuôi thôn Chi Nê, xã Trung Hòa chia sẻ: "Đợt dịch đã khiến nhiều hộ thua lỗ nên bây giờ không có vốn tái đàn. Hơn nữa ai cũng sợ rủi ro nên không dám nuôi tiếp".

Chưa hết lo lắng sau dịch tai xanh, người chăn nuôi xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ lại đối mặt với dịch sốt đỏ xuất hiện trên lợn từ hơn 10 ngày nay. Anh Trần Văn Ba, thôn Hồng Thái buồn rầu: "Mấy hôm trước, nhà tôi bị chết 3 con lợn nái, 30 con lợn thịt 40 - 50kg, thiệt hại gần 50 triệu đồng. Vì thế, hiện tại tôi chưa thể nghĩ đến việc tiếp tục đầu tư chăn nuôi nữa". Ông Nguyễn Gia Đảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Phú cho biết: Tổng đàn lợn của xã khoảng gần 6.000 con nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 4.000 con. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 59% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp nhưng từ đầu năm tới nay, nhiều người không muốn đầu tư tái đàn, điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị kinh tế của xã.

Hiện nay, tại khu vực ngoại thành, giá lợn xuất chuồng tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với trước (32.000 đồng/kg lợn hơi và 44.000 đồng/kg lợn móc hàm). Tuy nhiên, giá chi phí đầu vào cũng tăng. Hiện, giá lợn giống từ 36.000 - 37.000 đồng/kg (tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg). Thức ăn chăn nuôi cũng tăng giá, chỉ trong vòng một tháng qua đã tăng giá tới ba lần với mức tăng trung bình 500 đồng/kg (cám đậm đặc), 400 đồng/kg (cám hỗn hợp).

Cần có chính sách hỗ trợ

Theo dự báo của Công ty Cổ phần phân tích và dự báo thị trường (Agromonitor), trong những tháng cuối năm có thể xảy ra thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do tốc độ tái đàn chậm. Điều đó dẫn đến nguy cơ tăng giá thịt, nhiều hộ chăn nuôi đều chưa dám tái đàn. Chính vì thế, việc hỗ trợ nông dân tái đàn trong thời điểm này là rất cần thiết. Ông Thạn đề nghị TP, huyện sớm hoàn thành dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư để đảm bảo vấn đề phòng dịch và môi trường. Hiện 60% nguồn giống của Trung Hòa vẫn nhập từ bên ngoài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ nguồn giống chất lượng cho nông dân. Đặc biệt, cho nông dân vay vốnđể tái đàn.

Nhà nước đã có chương trình hỗ trợ, cụ thể là Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó quy định chủ trang trại được vay tối đa 500 triệu đồng; cá nhân, hộ sản xuất nông nghiệp được vay tối đa 50 triệu đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, người nông dân vẫn rất khó tiếp cận với nguồn vốn này. Vì vậy, Hội Nông dân xã mới chỉ cho vay thông qua nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân được 5 triệu đồng/hộ.



Theo KTĐT
Báo cáo phân tích thị trường