Ngày 12/10, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khẳng định an ninh lương thực năm 2010 không còn là nỗi lo của thế giới và có thể hoàn toàn an tâm về nguồn cung lương thực toàn cầu.
Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao của FAO nhấn mạnh cho dù giá lương thực đang có chiều hướng tăng nhưng không xảy ra tình trang thiếu lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Các kho lúa mỳ dự trữ của thế giới vào cuối tháng 5 đạt mức cao nhất kể từ năm 2002 còn các kho gạo dự trữ của thế giới vào cuối tháng 7 cũng đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm qua sẽ làm giảm sức ép tăng giá vì an ninh lương thực chủ yếu dựa trên cơ sở nhu cầu tăng.
Giá ngô tăng 12% trong suốt 3 mùa vừa qua sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo sản lượng ngô giảm nhưng nền kinh tế thế giới suy yếu sau khủng hoảng đã làm giảm nhu cầu lương thực cho con người và chăn nuôi so với nhu cầu trong năm 2008, năm lương thực thiếu hụt đã làm bùng lên bạo loạn ở Haiti, Ai Cập và nhiều nước khác.
Tuy nhiên, FAO cũng cảnh báo rằng do cung và cầu lương thực trên thế giới vẫn rất mong mạnh nên an ninh lương thực toàn cầu có thể đứng trước nguy cơ nếu diện tích và sản lượng lúa mỳ, gạo, ngô và đậu tương giảm trong năm thị trường hiện nay (bắt đầu từ tháng 6/2010).
Diện tích trồng lúa đã giảm từ 159 triệu ha năm thị trường trước đó xuống còn 155,1 triệu ha năm nay trong khi diện tích thu hoạch lúa mỳ chỉ tăng 0,3%. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, diện tích lúa mỳ được thu hoạch năm thị trường hiện nay có thể giảm 2%. Giá lúa mỳ, lúa gạo tăng từ tháng 6 do tác động bất lợi của thời tiết đã tác động đến các nước nghèo trong tháng 9 và 10/2010.
Abdolreza Abbassian khuyến cáo rằng các nước cần học bài học của 2 năm 2007 và 2008 để hành động thận trọng hơn, tránh tình trạng mua bán hoảng loạn dẫn đến bạo loạn vì lương thực ở các nước nghèo khi giá lương thực tăng cao.
Sản lượng ngô của Mỹ sẽ giảm 3,4% trong năm nay so với năm trước là một bất ngờ khiến dự trữ ngô của thế giới trước vụ thu hoạch năm 2011 xuống mức thấp nhất kể từ năm 1997. Nền kinh tế phục hồi đang làm tăng nhu cầu lương thực thế giới trong thời gian sắp tới khiến nguồn cung cấp lương thực toàn cầu có thể trở nên căng thẳng nếu sản lượng lương thực giảm trong các năm tới.
Abdolreza Abbassian nhấn mạnh tình hình có thể phát triển đáng lo ngại nhưng hiện nay, tình hình lương thực toàn cầu vẫn đang được kiểm soát tốt.