Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông sản mang về bao nhiêu đô?
20 | 09 | 2010
Ngành nông nghiệp với nhiều mặt hàng xuất khẩu mang về hàng tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu trừ đi phần vật tư, nguyên liệu nhập khẩu, thì số ngoại tệ mang về không nhiều.

Ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc công ty TNHH Trại Việt – doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thức ăn cho rằng, giá thành nuôi cá phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.


Sản xuất thức ăn chăn nuôi gần như đang lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Ảnh: Đặng Hoàng

Nhìn từ con cá tra

Ba năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu cá tra mang về trung bình khoảng 1,3 – 1,5 tỉ USD. Nếu trừ các khoản nhập khẩu, số ngoại tệ ròng mà ngành này đem lại chỉ khoảng 200 – 400 triệu USD/năm. Nếu tính đúng, tính đủ phần chênh lệch đó chính là chi phí tài nguyên nước, đất, lao động... chứ chưa hẳn là lợi nhuận.

Tại các trại nuôi cá tra, thức ăn sử dụng hiện nay là cám viên, sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu như cám mì, cám gạo, bột cá, đậu nành, bột thịt, premix, các chất phụ gia… Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng hay giảm đều do giá nhập khẩu quyết định.

Theo ông Hoạt, so với hồi đầu năm, giá thức ăn hiện đã tăng tới 20%, ngoài việc giá thế giới tăng còn có yếu tố tỷ giá tăng.

Một ký cám viên hiện nay có giá từ 8.200 – 8.300 đồng, tăng trên dưới 1.000 đồng so với cách nay ba tháng. Theo tính toán, để nuôi được 1kg cá tra, cần 1.7 – 1.8kg thức ăn, tương đương trên 14.000 đồng (gần 0,7 USD/kg). Với sản lượng trung bình 1,5 triệu tấn cá nguyên liệu mỗi năm, riêng tiền chi ra nhập nguyên liệu lên đến 1,05 tỉ USD. Ngoài ra, thuốc thú y (kháng sinh, dinh dưỡng...) đến nay cũng phải nhập khẩu 100%. Theo tính toán, chi phí thuốc thú y cho 1kg cá tra tốn hết khoảng 700 đồng, tức 1.005 tỉ đồng (khoảng 54 triệu USD) cho 1,5 triệu tấn cá nguyên liệu.

Ngành nông nghiệp lệ thuộc

Ông Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện Chính sách chiến lược, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, giá trị gia tăng thu được từ hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như gạo, điều, cá tra, tôm vài năm trở lại đây giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là do sự̣ phụ thuộc vào nguyên nhập khẩu của những ngành này ngày càng cao.

Số liệu thống kê của tổng cục Hải quan, tám tháng đầu năm nay, tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 1,475 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là thống kê chưa đầy đủ, vì nhiều loại sản phẩm nhập khẩu khác cũng có thể dùng là thức ăn chăn nuôi, chẳng hạn như bột mì.

Ngành chăn nuôi trong ba năm trở lại đây, theo tính toán của bộ NN&PTNT, hàng năm cần đến 1,8 – 2 tỉ USD nhập nguyên liệu thức ăn, khoảng 1,5 – 1,7 tỉ USD nhập thuốc thú y.

Đến nay, ngoài thuỷ sản mang về trung bình mỗi năm khoảng 4 – 4,5 tỉ USD giá trị xuất khẩu, còn lại chăn nuôi gia cầm, heo dù phải bỏ ra hàng tỉ USD nhập nguyên liệu nhưng mới đáp ứng tiêu thụ nội địa chứ gần như chưa có xuất khẩu.

Sản xuất lúa gạo, chi phí đầu vào cũng phụ thuộc nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của tổng cục Hải quan, tám tháng đầu năm nay, Việt Nam chi ra tới 339,8 triệu USD mua thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là do diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, sâu bệnh phát triển mạnh nên số tiền bỏ ra nhập thuốc trừ sâu tăng mạnh qua các năm. Nếu như năm 2007, giá trị kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu trên 250 triệu USD, thì hai năm sau, tức 2009 tăng gấp đôi, lên gần 500 triệu USD. Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thuốc trừ sâu thừa nhận: thị trường thuốc trừ sâu phải phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Chúng ta đang nhập từ sản phẩm chế biến sẵn cho đến nguyên liệu của họ. Ngoài thuốc trừ sâu, sản xuất lúa gạo còn phải cần đến 1,2 – 1,5 tỉ USD nhập khẩu phân bón trong suốt nhiều năm qua.

Theo bộ NN&PTNT, có đến 80% lượng thuốc trừ sâu, phân bón nhập về sử dụng vào mục đích sản xuất lúa. Như vậy, với kim ngạch xuất khẩu gạo trung bình mỗi năm 2,2 – 2,5 tỉ USD, thì mất ít nhất khoảng 1,6 – 1,8 tỉ USD bỏ ra nhập phân bón và thuốc trừ sâu, xuất siêu nội ngành lúa gạo không nhiều. Đó là chưa kể những chi phí nhập khẩu khác cho sản xuất lúa như xăng dầu, máy móc thiết bị.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường