Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trái thanh long đi mở "đường" vào Mỹ
10 | 11 | 2008
Một container trái thanh long tươi của Công ty cổ phần Thủy hải sản Sơn Sơn ở TPHCM đã đến Mỹ và các trái cây này đã chính thức bán ở Mỹ mấy ngày qua. "Con đường" cho thanh long vào Mỹ đã được khai thông sau một quãng thời gian dài chuẩn bị.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp, hai container thanh long khác - một của Sơn Sơn, một của Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu ở Bình Thuận - đang lênh đênh trên biển, vài ngày nữa sẽ cập cảng Long Beach và cảng Los Angeles của Mỹ.

Kể từ giữa tháng này trở đi, mỗi tuần Sơn Sơn sẽ xuất khẩu ít nhất một container thanh long sang Mỹ theo hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu.

Mất 6 năm cho một "con đường"

“Mất 6 năm trời chúng tôi cùng doanh nghiệp, nông dân và cơ quan chức năng của Mỹ mới xây được “con đường” cho thanh long vào thị trường Mỹ, vốn nghiêm ngặt trong nhập khẩu trái cây tươi”, ông Đàm Quốc Trụ, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, nói tại họp báo thông báo thủ tục nhập khẩu quả tươi sang thị trường Mỹ do cơ quan này hợp tác với Tham tán nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam, diễn ra sáng 7-11 tại TPHCM.

Tuy nói là 6 năm, tính từ ngày Cục Bảo vệ thực vật đệ đơn yêu cầu Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cho phép trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ vào tháng 7-2003, nhưng thực ra Việt Nam đã khởi động chương trình xúc tiến xuất khẩu trái cây vào Mỹ từ hai năm trước đó nữa. Lúc đó, 16 loại trái cây được các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam chọn lựa là thanh long, vải, nhãn, chôm chôm, chuối, sầu riêng, ổi, mít, dứa, bưởi, mận, hồng xiêm, vú sữa, xoài, măng cụt và dưa hấu.

Cuối cùng thì tháng 7 năm ngoái, bản “khung kế hoạch về công nhận biện pháp tương đương” giữa Cục Bảo vệ thực vật và APHIS được ký kết, nhằm đảm bảo tính tương đương giữa hai quốc gia khi thực hiện biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật, cụ thể là biện pháp chiếu xạ trừ ruồi đục quả và các dịch hại khác theo quy định của luật pháp Mỹ.

APHIS công nhận quy trình sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP hoặc Euro GAP (GAP tạm dịch là thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn - PV) mà phía Việt Nam áp dụng cho các nhà vườn ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Hai bên cũng công nhận bốn nhà đóng gói là Sơn Sơn, Hàm Minh, Hoàng Hậu, Bảo Thanh, và công nhận nhà máy chiếu xạ bằng tia X của Sơn Sơn. Toàn bộ nhà vườn, nhà đóng gói, nhà chiếu xạ, quy cách vận tải đều được công nhận và cấp mã số.

Theo ông Trụ, chi phí toàn bộ chương trình trong ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay do Sơn Sơn đóng góp 110.000 đô la Mỹ theo thông lệ quốc tế là chi phí đánh giá, khảo sát hay công nhận tiêu chụẩn của các chuyên gia hai nước do doanh nghiệp bỏ ra. Theo dự kiến năm tài khóa 2009 (từ tháng 10 năm nay tới hết tháng 9 năm tới), Sơn Sơn sẽ đóng góp tiếp cho chương trình khoảng 300.000 đô la Mỹ.

Lô hàng đầu tiên, giá xuất khẩu 4,5 đô la/kg

Ông Trầm Bê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy hải sản Sơn Sơn, kể lô hàng thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam do công ty ông bán cho Công ty Giant của Mỹ có khối lượng thanh long nặng 6,8 tấn (không tính vỏ hộp) được lấy từ trang trại Duy Lan ở Bình Thuận, được thực hiện đúng theo quy trình kiểm dịch và chiếu xạ của Mỹ, xuất phát từ cảng TPHCM vào tuần đầu tháng 10.

Lô hàng đầu tiên này sau khi cập cảng đã được APHIS kiểm tra và công nhận cho bán ở Mỹ.

“Giá tốt lắm, đồng thời thanh long có bao nhiêu thì khách hàng mua bấy nhiêu. Theo tôi biết, giá bán lẻ 1 trái thanh long nhỏ ở Mỹ có thể tới 7 đô la Mỹ, còn trái nặng 1 kg có giá lên tới 14 đô la Mỹ, riêng tôi xuất giá bình quân 4,5 đô la Mỹ/kg”, ông nói và cho biết nhờ ký được giá cao nên ông mua của nông dân 13.000 đồng/kg thanh long, trong khi giá thị trường có lúc chỉ vài ngàn đồng.

Tuy nhiên, theo các hợp đồng xuất khẩu thanh long mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có được của Sơn Sơn và Hoàng Hậu thì giá xuất là 3,2 - 3,5 đô la Mỹ/kg.

Không chỉ thanh long, ông Bê còn cho biết sắp tới công ty của ông sẽ tiếp tục làm thêm nhiều mặt hàng trái cây tươi đi Mỹ nếu cơ quan chức năng hai nước thống nhất việc công nhận tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo lý thuyết thì mỗi ngày Sơn Sơn có thể chiếu xạ 1 container 20 tấn thanh long, có nghĩa một năm cao lắm cũng chỉ 7.000 - 8.000 tấn nếu so với hàng trăm ngàn tấn thanh long thu hoạch của cả nước.

Điều quan trọng là sản xuất sạch

Tại họp báo ngày 7-11, ông Đàm Quốc Trụ cho biết hiện Việt Nam đang đề xuất phía Mỹ mở rộng một số loại trái cây tươi Việt Nam như nhãn, chôm chôm, vải, vú sữa, xoài, măng cụt và mít tố nữ.

Bình Thuận là địa phương có diện tích và sản lượng thanh long lớn nhất cả nước. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, tuy thanh long của tỉnh hiện có 10.000 héc ta nhưng tạo ra giá trị bằng 30% so với tổng diện tích nông nghiệp của tỉnh 170.000 héc ta mang lại.

Đầu tư trồng thanh long tiêu tốn chi phí lớn, 50-60 triệu đồng/héc ta nhưng giá trị thương mại hàng năm mang lại 200-300 triệu đồng. Vì vậy, theo vị đại diện ngành nông nghiệp tỉnh, việc xuất khẩu thanh long vào Mỹ là tín hiệu tốt cho nông dân trồng thanh long, vốn lâu nay chủ yếu bán trong nước, xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc và một vài thị trường khác nhưng sản lượng không đáng kể.

Sau khi 5 trang trại và doanh nghiệp trồng thanh long ở Bình Thuận được Cục Bảo vệ thực vật chứng nhận sản xuất sạch theo Viet GAP và được phía Mỹ công nhận, cấp mã số để truy suất nguồn gốc, hiện có thêm hàng trăm héc ta trồng thanh long của tỉnh tự giác áp dụng sản xuất sạch.

“Chúng tôi đến từng trang trại trồng thanh long ký cam kết với nông dân là sản xuất sạch, an toàn và cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên lấy mẫu thanh long để kiểm tra dư lượng kháng sinh. Sản xuất an toàn, sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP bây giờ như một phong trào thực sự do chính nông dân tự giác thực hiện sau khi thấy sản xuất sạch là cách để bán được thanh long vào các thị trường lớn như Mỹ”, vị đại diện ngành nông nghiệp cho hay.

Còn tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết để hỗ trợ nông dân sản xuất sạch, an toàn đối với thanh long cũng như nhiều loại trái cây khác, viện này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu biên soạn lại các tài liệu hướng dẫn Viet GAP vốn quá khó hiểu với nông dân thành tài liệu bằng ảnh dễ nhìn, dễ nhớ cho nông dân thực hiện.

Ngoài thanh long, hiện nay, viện của ông Châu còn hỗ trợ nông dân tỉnh Hậu Giang áp dụng Viet GAP cho trái khóm, bưởi, nông dân trồng chôm chôm ở Vĩnh Long.





Nguồn: Kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường