Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Động thái chiến lược mới trên con đường chinh phục thị trường thủy sản thế giới của người Thái
06 | 09 | 2010
AGROINFO - Thái Lan là một trong những nhà xuất khẩu thủy sản lâu đời và lớn nhất trên thế giới, với các sản phẩm chủ lực là cá ngừ và tôm thẻ chân trắng chế biến. Với mặt hàng cá ngừ chế biến, các nhà cung cấp Thái Lan đã duy trì vị thế số 1 thế giới trong nhiều năm liền, với lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 450 – 500 ngàn tấn và có mặt trên hơn 150 thị trường.

Vị thế hiện tại của Thái Lan trên thị trường thủy sản thế giới

Thái Lan là một trong những nhà xuất khẩu thủy sản lâu đời và lớn nhất trên thế giới, với các sản phẩm chủ lực là cá ngừ và tôm thẻ chân trắng chế biến. Với mặt hàng cá ngừ chế biến, các nhà cung cấp Thái Lan đã duy trì vị thế số 1 thế giới trong nhiều năm liền, với lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 450 – 500 ngàn tấn và có mặt trên hơn 150 thị trường. Trên các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan lần lượt chiếm 19%, 35% và 56% tỷ trọng nhập khẩu cá ngừ các loại về giá trị. Thái Lan bắt đầu giữ vị trí nhà cung cấp các mặt hàng cá ngừ hàng đầu thế giới từ năm 1985 và dù phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến cá ngừ, cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như Indonesia, Philippines trên thị trường Mỹ và Nhật; Seychelles, Mauritius trên thị trường EU, Thái Lan vẫn duy trì được vị thế này.

Hình 1: Thái Lan trong cơ cấu giá trị nhập khẩu cá ngừ của Mỹ năm 2009

Nguồn: Hải quan Mỹ

Cùng với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan cũng giữ vị thế nhà cung cấp lớn mặt hàng tôm thẻ chân trắng các loại trên thị trường thế giới. Trên thị trường Nhật Bản, Thái Lan giữ vị trí nhà cung cấp hàng đầu mặt hàng tôm thẻ chân trắng chế biến và vượt Ấn Độ, Trung Quốc trong năm 2009, trở thành nhà cung cấp mặt hàng tôm thẻ chân trắng, tươi, ướp lạnh thứ ba trên thị trường này, sau Việt Nam và Indonesia.

Hiện nay, Mỹ đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, với mức tiêu thụ bình quân đầu người khoảng 1,8 – 2 kg/người/năm và giá trị nhập khẩu tôm các loại hàng năm khoảng 4 tỷ USD. Thái Lan là nhà cung cấp tôm hàng đầu trên thị trường Mỹ, với tỷ trọng giá trị khoảng 36%, so với tỷ trọng 13% và 10% của hai nhà cung cáp lớn tiếp theo là Indonesia và Việt Nam.

Tại thị trường EU, mặt hàng tôm xuất khẩu chủ lực của Thái Lan là tôm thẻ chân trắng chế biến và đây cũng là mặt hàng Thái Lan chiếm vị thế nhà cung cấp hàng đầu trên thị trường này, với tỷ trọng chiếm 19%. Kể từ năm 1999, EU rút quyền hưởng Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP của Thái Lan, dẫn đến mức thuế cho các mặt hàng tôm từ Thái Lan tăng lên mức 12%. Kể từ đó, các nhà chế biến – xuất khẩu Thái Lan tập trung vào các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao, thay vì cạnh tranh với các nhà cung cấp mặt hàng ướp lạnh hoặc đông lạnh có chi phí sản xuất thấp hơn tại Ecuador, Argentina và Ấn Độ.

Hình 2: Tỷ trọng tôm thẻ chân trắng chế biến Thái Lan trong cơ cấu nhập khẩu tôm thẻ chân trắng chế biến của EU27 năm 2009

Nguồn: Eurostat

Hoạt động giao dịch mặt hàng tôm của Thái Lan trên thị trường thế giới đã bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ 20, trước cả khi nước này phát triển hoạt động nuôi trồng tôm, tạo nguồn cung nguyên liệu tôm nuôi trồng nội địa vào thập niên 80.

Có thể nói, giao dịch lâu năm trên thị trường thế giới một phần đã tạo nên vị thế lớn cho các sản phẩm thủy sản Thái Lan, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như cá ngừ chế biến và tôm thẻ chan trắng các loại, trên thị trường thủy sản thế giới.

Chiến lược phát triển tập trung và ổn định giá của các nhà chế biến – xuất khẩu thủy sản Thái Lan

Trong hoạt động xuất khẩu thủy sản của Thái Lan, chiến lược nổi bật nhất là phát triển tập trung vào một số mặt hàng thủy sản có thế mạnh, xác định tốt thị trường trọng điểm, tạo lập vị thế lớn trong phân phối một số mặt hàng và ổn định giá tại các thị trường xuất khẩu lớn.
Ba mặt hàng chủ đạo của Thái Lan (cá ngừ ngâm dầu, tôm thẻ hấp và tôm thẻ chế biến/bảo quản) chiếm đến 62% trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Thái Lan. Từ năm 1995, hoạt động chế biến thủy sản tại Thái Lan đã bắt đầu chuyển sang một bước phát triển cao hơn, tập trung vào gia tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu. Động lực chính cho bước chuyển biến này là dịch bệnh trên tôm sú – mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thái Lan lúc bấy giờ, làm tăng chi phí đầu vào cho chế biến, khiến mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan trở nên kém cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại từ Indonesia, Bangladesh.

Bước chuyển này của Thái Lan không những đúng đắn về xu thế phát triển mà còn hợp lý về mặt thời điểm khi xuất khẩu thủy sản của nước này vấp phải sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các mặt hàng giá cả rẻ hơn từ Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh. Đồng thời, sự chuyển biến này cũng giúp các nhà xuất khẩu nước này dành được vị thế lớn trong cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng cao trên các thị trường Nhật và Mỹ.

Nếu như trên thị trường Nhật, Thái Lan nhường lại thị phần trong phân khúc các mặt hàng có hàm lượng chế biến thấp cho các đối thủ khác như Việt Nam, Indonesia, các nhà xuất khẩu Thái Lan tập trung vào thị trường Mỹ trên tất cả các mặt hàng chủ lực nhờ duy trì khả năng cung cấp hàng với khối lượng lớn, thời gian nhanh, giá cả ổn định cho các nhà bán lẻ và đảm bảo chất lượng.

Hình 3: Giá nhập khẩu tôm bóc vỏ đông lạnh, tôm đông lạnh chế biến và tôm đông lạnh có vỏ cỡ dưới 15 con/kg của Thái Lan tại thị trường Mỹ theo tháng, 2007 – 6/2010 (USD/kg)

Nguồn: Bộ thương mại Mỹ

Ngoài những chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu rõ ràng, công nghiệp chế biến thủy sản nội địa Thái Lan thể hiện sự ưu việt trong kiểm soát chi phí, tổ chức và định hướng hoạt động so với các đối thủ tại Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ. Nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi (CP và Globest), nguyên liệu đầu vào cho mặt hàng tôm hoàn toàn từ nội địa, ngành công nghiệp chế biến có thời gian chuyển đổi sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ thập niên 90 và tích lũy kinh nghiệm quản lý chi phí đã giúp tối ưu hiệu quả chi phí trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp chế biến thủy sản Thái Lan

Những chiến lược xuất khẩu thủy sản của Thái Lan đã phát huy tác dụng trong những năm qua nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng, tối đa hóa hiệu quả chi phí và gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu không còn là những chiến lược phát triển giúp các nhà chế biến – xuất khẩu duy trì lợi nhuận biên. Thay vào đó, người Thái đang hướng đến một chiến lược mới: thâu tóm các kênh phân phối sản phẩm cuối cùng nhằm chiếm lấy những phần thặng dư cuối cùng trong chuỗi giá trị.

Chiến lược mới: Thâu tóm những nhãn hiệu thủy sản hàng đầu thế giới

Tháng 6/2010, thông tin về việc TUF (Thai Union Frozen Products Plc) có tham vọng thâu tóm các nhãn hiệu đóng hộp MW – một trong những nhãn hiệu thủy sản hàng đầu tại EU – đã thu hút được đáng kể sự chú ý. Ngoài TUF, BC Partners, Blackstone và Permira trước đó đã thương lượng để mua MW Brands nhưng sau đó đã quyết định rút khỏi cuộc đua, để lai người mua cuối cùng là TUF và Bolton, nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp hàng đầu tại Pháp và Ý, trong thương vụ mua lại MW.

Cuối tháng 7/2010, TUF thành công trong việc mua lại MW, mở ra những cơ hội đầy hứa hẹn cho nhà cung cấp này trong việc thâm nhập sâu vào thị trường EU. Giá trị vụ mua lại này là là 680 triệu Euro, tương đương 883 triệu USD, cao gấp 8,2 lần so với doanh thu trước lãi vay, thuế và khấu hao năm 2010 của MW.

Đây là hướng đi đầy tham vọng trong thâm nhập các thị trường tiêu dùng thủy sản lớn của người Thái. Tuy vậy, với khuynh hướng tiêu dùng ưa chuộng các nhãn hiệu bán lẻ riêng đang ngày một rõ rệt tại thị trường EU, những nhà xuất khẩu Thái đang thực hiện những bước đột phát trên con đường phát triển hoạt động kinh doanh.

Trích: Báo cáo Thương mại thủy sản Thái Lan 6 tháng đầu năm 2010: Chiến lược mới



Kim Dung - AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường