Báo Trung Quốc Global Times ngày 10-8 cho biết giá gạo tối thiểu ở nước này đã tăng 16% so với năm 2008, hiện ở mức 1.900 nhân dân tệ (280,71 USD) một tấn, mức tăng cao nhất kể từ năm 2004.
Sản lượng giảm 10-20%
Các nhà khoa học ước tính thế giới sẽ phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực vào giữa thế kỷ tới để nuôi sống dân số hơn 9 tỉ người vào năm 2050. Trong những năm gần đây, một số nước có tiềm lực sản xuất nông nghiệp như Trung Quốc, Saudi Arabia và Hàn Quốc đã mua những mảnh đất khổng lồ để sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài, chủ yếu là ở châu Phi, để chủ động kiểm soát an ninh lương thực trong nước.
Điều đáng lo ngại là các nhà khoa học dự báo thời tiết khắc nghiệt dẫn đến sản lượng lương thực sụt giảm không chỉ xảy ra trong ngắn hạn. BBC ngày 10-8 dẫn nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Philippines do Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) bảo trợ cho thấy sự gia tăng nhiệt độ đã làm giảm sản lượng gạo ở 227 cánh đồng tại sáu nước Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam trong giai đoạn 1994-1999.
Một nghiên cứu khác tiến hành riêng ở Philippines vào năm 2004 cho thấy cứ tăng thêm 1oC vào buổi tối lại khiến sản lượng gạo giảm 10%.
“Khi nhiệt độ tối thiểu ban ngày tăng hoặc nhiệt độ buổi tối nóng hơn, sản lượng gạo ngay lập tức giảm sút” - giáo sư Jarrod Welch của Đại học California, San Diego, Mỹ, người đứng đầu công trình nghiên cứu vừa được xuất bản ngày 9-8 trên tạp chí Proceedings của Viện Khoa học quốc gia Mỹ, nói. Các nhà nghiên cứu ước tính nhiệt độ tăng nhanh trong 25 năm qua đã làm sản lượng gạo ở một số khu vực sản xuất trọng yếu giảm 10-20% và tình hình còn có thể nghiêm trọng hơn trong những năm tới.
Gạo hiện là một loại ngũ cốc cơ bản nuôi sống khoảng 3 tỉ người mỗi ngày. Tại châu Á, đó là lương thực chủ chốt cho khoảng 600 triệu người, theo nghiên cứu của FAO. Việc sản xuất sụt giảm có thể đẩy tới giá gạo tăng cao và đe dọa gây nên tình trạng thiếu ăn.
Lúa mì tăng giá vì hạn hán
Một loại ngũ cốc quan trọng khác - lúa mì - đã tăng giá chóng mặt trong thời gian qua, nhất là sau khi Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này do hạn hán và cháy rừng đe dọa nghiêm trọng vụ mùa năm nay.
Christian Science Monitor cho biết giá lúa mì đã tăng 75% so với đầu tháng 7, hiện ở mức gần 263 USD/tấn, cao nhất trong hai năm qua và là đợt tăng giá nhanh nhất kể từ năm 1973.
“Trên thị trường không có người bán, chỉ toàn người mua” - Fabien Foulliard, một người môi giới trên thị trường hàng hóa Paris, nói với Financial Times. Hạn hán không chỉ hoành hành ở Nga mà cả ở những nơi sản xuất lúa mì trọng điểm khác tại khu vực biển Đen, bao gồm Ukraine và Kazakhstan.
Ở Canada, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, sản lượng năm nay ước tính chỉ ở mức 18,5 triệu tấn, giảm 36% so với năm ngoái, theo số liệu từ Cục Lúa mì Canada. Lý do chủ yếu là bởi những cơn mưa lớn tại khu vực Bắc Mỹ đã khiến nông dân phải bỏ không gieo cấy một diện tích đất canh tác rộng lớn.
Cơ quan Dự trữ lương thực quốc gia (CGR) ước tính sản lượng gạo ở Trung Quốc sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay. Tại nhiều vùng lúa chính bị lũ lụt ảnh hưởng nặng nề như Giang Tây, An Huy, sản lượng có thể giảm 20-30%. Hiện Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ lúa gạo lớn nhất thế giới. Mỗi năm nước này chiếm 35% sản lượng sản xuất gạo toàn cầu nhưng vẫn phải nhập khẩu 174.000 tấn nửa đầu năm 2010.