Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thịt lợn tăng nhưng người chăn nuôi vẫn lo
19 | 03 | 2008
Hơn một tháng nay, giá thịt lợn hơi liên tục tăng. Ðến nay, giá lợn hơi đang đứng ở mức kỷ lục: 3,8 - 4 triệu đồng/tạ (100 kg). Chuyện tăng giá lợn hơi khiến không chỉ người tiêu dùng lo lắng, mà ngay cả thương lái, các tiểu thương và người chăn nuôi cũng không phấn khởi.
Theo thống kê của Ban Quản lý chợ Mỹ Tho, giá bán lẻ thịt lợn tại các chợ trong thành phố hiện nay đã tăng từ 10.000-12.000 đồng/kg, thực tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua bán trên thị trường. Cụ thể là cả tiểu thương bán buôn lẫn bán lẻ đều không dám mạo hiểm. Ai nấy chỉ lấy đủ lượng thịt bán hoặc ít hơn chứ không dám mua dư vì nếu mua nhiều, gặp chợ ế hoặc dội chợ là ôm hàng. Trong khi đó, người chăn nuôi lại tỏ ra lo lắng, không mạnh dạn tái đàn. Bởi theo họ, giá bán ra không theo kịp với giá đầu vào.

Bà Võ Thị Nữa, chủ trại có hơn 20 năm chăn nuôi lợn ở ấp Bình Quới Hạ, xã Bình Ninh (Chợ Gạo) so sánh: "Năm 2000, giá tấm 600 đồng/kg giờ lên 5.600 đồng/kg, lợn con từ 12.000 đồng/kg lên gần 60.000 đồng/kg, trong khi giá lợn tạ chỉ tăng từ 1 triệu đồng lên gần 3,8 - 4 triệu đồng/tạ. Lợi nhuận theo đó mà giảm xuống đáng kể, người nuôi vẫn không có lãi".

Chỉ tính từ năm 2006 đến nay, giá thức ăn đã tăng lên gần 200%/một bao thức ăn (25 kg). Theo hạch toán của người chăn nuôi, vốn mua lợn giống khoảng 1,5 triệu đồng, thức ăn gần 2 triệu đồng. Từ đó, giá thành một tạ lợn đã lên đến 3,5 triệu đồng. Vậy người nuôi lãi từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng/tạ. Song điều người chăn nuôi không yên tâm là giá đầu vào đang tăng và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng, nhưng giá lợn lại trồi sụt bất thường. Trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, giá lợn tăng lên 3 - 3,3 triệu đồng (kỷ lục vào thời điểm đó) nhưng chỉ được vài ngày rồi giảm xuống còn 2,7 triệu đồng/tạ. Lúc đó, người nuôi lao đao.

Mặc dù giá lợn hơi hiện tại tăng cao nhưng người dân lại không dám đầu tư nuôi. Nguyên nhân vẫn là diễn biến giá cả thời gian qua khá bất thường nên người chăn nuôi nói riêng và nông dân nói chung không khỏi cân nhắc. Theo dự đoán của các nhà chuyên môn, giá cả vẫn là "con ngựa bất kham", đầu tư mở rộng sản xuất trong tình hình này sẽ rất mạo hiểm. Chính vì thế, hiện nay các trang trại đều giảm quy mô hoặc ngừng phát triển đàn. Vì lý do vốn đầu tư, chi phí chăn nuôi cao, lợi nhuận giảm xuống và nguy cơ thua lỗ đang chực chờ. Theo nhiều người chăn nuôi dự đoán, mức giá lợn này sẽ tồn tại không lâu. Do đó, hiện nay chỉ có các mô hình chăn nuôi trang trại là còn có thể cầm cự (vốn lớn, giảm được chi phí trung gian do mua thức ăn, thuốc thú y tận nơi sản xuất, tự túc được công tác phòng trừ dịch bệnh, khi bán giá cao hơn những hộ nuôi lẻ), còn người chăn nuôi nhỏ, lẻ nghỉ rất nhiều.

Chị Lê Thanh Nguyên, ấp Thạnh Lạc Ðông, Thạnh Nhựt (Gò Công Tây) cho biết: "Ðợt lợn trước, xuất chuồng lãi 600 nghìn đồng/tạ. Tôi dự định mua thêm một số con bỏ vào chuồng nuôi thêm, nhưng giá thức ăn, lợn con tăng cao thế này nên không dám mạo hiểm. Hiện tôi rất lo vì không biết đợt xuất chuồng sắp tới giá có cao thế này không? Nếu sụt xuống là ôm nợ thức ăn luôn". Nhiều người đã nghỉ chăn nuôi vì không có vốn, hiệu quả không cao, rủi ro lại lớn vì thị trường và dịch bệnh luôn đe dọa.

Huyện Chợ Gạo là địa phương có phong trào chăn nuôi lợn mạnh nhất tỉnh, nhưng theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì số lượng đàn lợn của huyện vẫn không tăng, ngược lại còn tụt giảm khá mạnh, vì chăn nuôi hiện nay rất khó lãi trong tình hình mọi mặt hàng đều tăng giá. Do đó, có hiện tượng chuyển dịch trong chăn nuôi lợn theo hướng số đàn quy mô nhỏ lẻ đang giảm rất nhanh.

Giải thích về giá lợn tăng cao hiện tại, nhiều người cho rằng, số lượng lợn nuôi trong dân ít, lượng lợn đến kỳ xuất chuồng không còn nhiều, dẫn đến lượng cung ứng khan hiếm. Trong khi đó, sức mua trên thị trường vẫn không tăng. Nguyên nhân nữa do chi phí thức ăn và vận chuyển tăng. Ðặc biệt, gần đây nhu cầu tiêu thụ lợn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, miền trung bắt đầu tăng mạnh.

Trước thực tế giá lợn hơi tăng cao nhưng thực tế, người chăn nuôi, người tiêu dùng, tiểu thương đều không phấn khởi, giải pháp hạn chế tác động của "cơn bão" giá, theo các nhà chuyên môn là giảm chi phí đầu vào bằng cách khuyến khích chăn nuôi theo quy mô trang trại, những người chăn nuôi phải liên kết với nhau để bỏ chi phí trung gian (mua thức ăn tận nơi sản xuất, bán lợn tại lò giết mổ, không qua đại lý và thương lái). Song, việc này xem ra rất khó thực hiện do tâm lý và tập quán làm ăn nhỏ lẻ của phần lớn số nông dân.



Nguồn: Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường