Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ có quỹ bình ổn giá lúa
19 | 01 | 2010
Quỹ này sẽ trực tiếp bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn thu mua lúa gạo; hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn để mua tạm trữ lúa gạo.
Tình trạng “trúng mùa rớt giá”từng xảy ra với hàng triệu hộ nông dân sẽ chấm dứt nếu Dự thảo Đề án Chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm bình ổn thị trường thóc gạo sớm được Chính phủ phê duyệt. Thời gian qua, Chính phủ đã sử dụng nhiều công cụ tài chính để hỗ trợ người nông dân bảo đảm có lãi trong sản xuất nông nghiệp, số tiền thực chi hàng năm không phải là nhỏ. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2007, Nhà nước đã bỏ ra 101.479 tỷ đồng, chiếm 25% tổng chi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn; năm 2008 con số này lên đến 130.788 tỷ đồng, chiếm 32,8% tổng chi. Năm 2009, số tiền mà Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã tương đương 35,9% tổng chi ngân sách (ước khoảng 176.190 tỷ đồng). Không chỉ đầu tư từ ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ còn sử dụng nhiều giải pháp tài chính khác như miễn, giảm thuế, phí; hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua tạm trữ lúa gạo… Tất cả những biện pháp này đều nhằm đảm bảo cho người nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu 30%. Chỉ riêng việc miễn thủy lợi phí cho sản xuất nông nghiệp, năm 2009, ngân sách đã phải chi 2.916 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với con số 1.570 tỷ đồng của năm 2008. Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trên thực tế tại nhiều địa phương, người trồng lúa vẫn không thể có lãi tối thiểu 30% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra (vụ hè - thu 2009, người trồng lúa tại 5/10 tỉnh sản xuất lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu lãi dưới 30%). Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, ngoài việc kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi, Bộ Tài chính cùng Bộ Công thương đã đặt ra 5 phương án mang tính chiến lược, trong đó vẫn nhất quán thực hiện nguyên tắc giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo hướng Nhà nước tôn trọng quyền định giá và tự cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật, bảo đảm để giá cả vận động theo thị trường. Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường bằng những biện pháp hỗ trợ gián tiếp để thị trường vận động theo định hướng, ngăn ngừa giá lúa gạo giảm quá mức hoặc tăng quá cao. Ngoài ra, phương án hỗ trợ sẽ kiên quyết không quay trở lại cơ chế bao cấp thông qua việc sử dụng ngân sách nhà nước bù giá, bù lỗ cho sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. “Tất cả chính sách hỗ trợ mà Bộ Tài chính đặt ra đều phải bảo đảm nguyên tắc không trái với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia”, ông Ninh khẳng định. Theo Đề án Chính sách hỗ trợ của Nhà nước để bình ổn giá thị trường thóc gạo đang được Bộ Tài chính xây dựng, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ người nông dân bằng nhiều phương án khác nhau. Trong đó, Bộ Tài chính hướng theo quan điểm hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho người sản xuất lúa vay vốn ngân hàng mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư, ưu đãi miễn, giảm thuế, phí như hiện nay nhằm góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp… Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính đã thảo luận với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thành lập Quỹ Bình ổn giá lúa gạo. Quỹ này sẽ trực tiếp bù đắp phần chênh lệch giữa giá thị trường và giá sàn thu mua lúa gạo theo định hướng của Bộ Tài chính; hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn để mua tạm trữ lúa gạo; bù đắp phần chênh lệch lỗ phát sinh (nếu có) giữa giá thóc mà doanh nghiệp phải mua theo giá sàn định hướng và giá xuất khẩu gạo. Nguồn vốn của Quỹ sẽ được trích từ khoản lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp (khoảng 30%); nếu việc bù đắp bị thâm hụt thì sẽ được tạm vay từ ngân sách.

InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường