Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa gạo “sốt” từng ngày
17 | 11 | 2009
Sau khi chốt ở mốc 5.000 đồng/kg được khoảng một tuần, đến nay giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng.

“Sốt” do thị trường thế giới

Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, giá lúa trong nước tăng bởi hai nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do bị tàn phá bởi hai cơn bão vừa qua, hiện nay Philippines đang thiếu gạo rất nghiêm trọng, nước này cần nhập gấp một lượng lớn gạo. Trong tháng 12/2009 đến đầu năm 2010 Philippines sẽ nhập thêm khoảng 2 triệu tấn gạo.

Vào ngày 1/12/2009, Philippines sẽ mở thầu thêm 600 ngàn tấn gạo loại 15% và 25% tấm, sẽ có nhiều nước tham gia đấu thầu nhưng chủ yếu là Việt Nam (Việt Nam) và Thái Lan.

Các chuyên gia dự báo, so với loại gạo 25% tấm giá 480 USD/tấn mà Việt Nam vừa trúng thầu, vào thời điểm mở gói thầu 600 ngàn tấn có thể giá gạo sẽ được đẩy lên từ 520 USD đến 530 USD/tấn. Do vậy, giá lúa chất lượng cao tăng ở mức 5.350- 5.400 đồng/kg, lúa thường lên 5.100 đồng/kg là hoàn toàn phù hợp với giá gạo trên thị trường thế giới, chứ không phải sốt giá ảo.

Thứ hai, nhu cầu gạo từ thị trường Ấn Độ cũng đang rất cao, hàng năm nước này xuất khẩu gạo, nhưng năm nay do đầu mùa thì  hạn hán, cuối mùa lại bị lũ lụt, nên Ấn Độ cần nhập khẩu gạo và họ đang thương thảo với Chính phủ Việt Nam để nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn gạo.

Ngoài ra, nhu cầu gạo từ các nước châu Phi cũng hết sức bức thiết, do nguồn gạo dự trữ của họ đã hết trong khi đó mỗi năm châu lục này tiêu thụ đến 9 triệu tấn gạo, cần nhập khẩu ngay một lượng lớn gạo để tiêu thụ. Mặc dù Thái Lan còn tồn kho một lượng gạo khá lớn, nhưng Thái Lan đang thương thảo hợp đồng xuất cho châu Phi, nên chúng ta không sợ nước này mở kho để “hạ nhiệt” giá lúa gạo.

Tuy nhiên, do châu Phi không có nhiều tiền mua gạo nên Liên hiệp quốc sẽ phải mua hàng để cứu trợ cho châu lục này, hiện cũng có nhiều công ty nước ngoài đến Việt Nam tìm mua gạo để chuyển đi châu Phi. Hiện Malaysia và Indonesia cũng đang đàm phán nhập khẩu gạo của Việt Nam.

Nguy cơ thiếu gạo xuất khẩu

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu từ nguồn gạo tồn kho qua 3 lần mua tạm trữ, gồm 2 lần mua theo chỉ tiêu tạm trữ của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và một lần mua tạm trữ theo chỉ tiêu của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp thuộc VFA và Vinafood 2 đang vào khoảng 1,7 triệu tấn, cộng với lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp ngoài VFA và Vinafood 2 là khoảng 700 ngàn tấn, tổng cộng lượng gạo tồn kho trong nước khoảng 2,4 triệu tấn.

Từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp trong nước sẽ xuất hết lượng gạo tồn kho, nếu qua tháng 1/2009, vụ lúa đông xuân sớm chưa chín kịp thì vào tháng 1 và tháng 2 năm 2010 các doanh nghiệp sẽ thiếu nguồn gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường