Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ có cơ chế riêng cho doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu
05 | 10 | 2010
Ngày 1-10, Bộ Công thương phê duyệt đề án liên quan đến đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi thông qua các doanh nghiệp đầu mối.

Trong đó, có kế hoạch chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu chủ lực và xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng cho các đầu mối này. Bộ Công thương nhấn mạnh đây không phải là phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mà chỉ nhằm mục đích tăng cường xuất khẩu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn được tiếp tục hưởng chính sách hỗ trợ lâu nay.

Doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất nhập khẩu với châu Phi, năng lực tài chính tốt, đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn, xuất khẩu tổng hợp mới được chọn. Tùy năng lực và thế mạnh mặt hàng sẵn có mà doanh nghiệp được giao làm đầu mối cho từng phần thị trường. Doanh nghiệp tập trung vào phần thị trường của mình, tránh cạnh tranh lẫn nhau.

Theo đề án này, từ nay đến năm 2015, mỗi năm Bộ sẽ dành một khoản kinh phí riêng cho thị trường châu Phi, triển khai cho các đoàn đi giao thương, tham gia hội chợ triển lãm…

Ngoài ra, Bộ yêu cầu lập kênh thông tin gắn kết nhiều bên nhằm trao đổi thông tin kịp thời, xác minh tư cách đối tác, tư vấn nghiệp vụ, tháo gỡ vướng mắc phục vụ xuất khẩu sang châu Phi. Đồng thời nghiên cứu khả năng mở kho ngoại quan nhằm đưa hàng hóa Việt Nam sang phân phối tại châu Phi, nghiên cứu hình thức tín dụng phù hợp áp dụng cho xuất khẩu vào châu Phi, khuyến khích các ngân hàng thương mại xem xét khả năng mở chi nhánh tại châu Phi...

Các nước châu Phi nhập khẩu gạo, lúa mì, thực phẩm chế biến, cao su, cà phê hàng dệt may, giày dép, điện, điện tử… từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang châu Phi năm 2009 đạt gần 1,6 tỉ USD, sáu tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 760 triệu USD. Tuy nhiên, hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ.



Theo Pháp luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường