Trong xuất khẩu gạo vẫn còn tình trạng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Trước tình trạng này, Bộ Công thương đã đưa ra một dự thảo nghị định nhằm chấn chỉnh kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này. Dù dự thảo đã lấy ý kiến nhiều bộ ngành, doanh nghiệp... thế nhưng đến nay nó vẫn chưa được ban hành.
Ai cũng có thể xuất khẩu gạo
Dự thảo nghị định về kinh doanh, xuất khẩu gạo do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo với bảy chương, 29 điều kèm theo nhiều phụ lục, biểu mẫu đã qua 4-5 lần chỉnh sửa. Nếu được thông qua thì gạo là mặt hàng nông sản đầu tiên có một nghị định riêng để điều hành kinh doanh xuất khẩu.
Trước đây, doanh nghiệp nào cũng có thể xuất khẩu gạo. Việc điều hành xuất khẩu gạo, về mặt pháp lý, thể hiện trong một khoản của Điều 10 Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23-1-2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại.
Chính vì xuất khẩu theo cơ chế tự do nên tất cả doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng đều có thể xuất khẩu gạo. Do vậy nảy sinh tình trạng doanh nghiệp làm chứng khoán, bất động sản, sắt thép… không hề có kho bãi, nhà máy chế biến cũng tham gia gom gạo xuất khẩu, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường.
Đóng gạo xuất khẩu tại một nhà máy ở miền Tây.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) Trương Thanh Phong cho biết cả nước đang có tới hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trong số này có 57 doanh nghiệp xuất khẩu trên 10.000 tấn và chiếm 87% lượng gạo xuất khẩu. 137 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 13% lượng gạo xuất khẩu. Có 40 doanh nghiệp xuất khẩu một năm chỉ 200-300 tấn gạo, thậm chí có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được... 1 tấn gạo/năm.
Nhìn vào số liệu ông Phong đưa ra có thể thấy đang có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu gạo dù không đủ năng lực. Theo ông Phong, phải kiên quyết loại bỏ việc xuất khẩu gạo mà không bảo đảm kho chứa, cơ sở chế biến, buộc doanh nghiệp có trách nhiệm với người trồng lúa và cạnh tranh sòng phẳng với những doanh nghiệp làm ăn bài bản khác.
Doanh nghiệp nhỏ phản đối
Điểm mấu chốt của dự thảo quy định, thương nhân muốn xuất khẩu gạo phải có ít nhất một cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ; ít nhất một kho chuyên dùng để chứa lúa, gạo với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn; tăng lượng dự trữ tồn kho… Tuy nhiên, những quy định lại vấp phải sự phản đối của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết những quy định mà dự thảo đưa ra sẽ đẩy doanh nghiệp nhỏ tới chỗ khó khăn và thị trường sẽ kém đi tính cạnh tranh. Điều kiện của dự thảo đòi hỏi vốn đầu tư rất cao mà nhiều doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Hiện nay để đầu tư kho bãi có thể chứa 5.000 tấn gạo (bao gồm dây chuyền, nhà máy chế biến), doanh nghiệp cần phải bỏ ra một số vốn tương đối lớn cỡ 25-35 tỉ đồng.
“Nên chăng cơ quan quản lý hạ bớt tiêu chí và nên kéo dài thời gian áp dụng quy định mới khi nó được ban hành để tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo. Có thể có quy định doanh nghiệp nếu không có kho bãi chỉ được xuất khẩu với lượng bao nhiêu. Để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán như hiện nay thì nhà nước cần quản lý giá sàn cho chặt” - ông Long gợi ý.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo (xin giấu tên) cho biết nếu nói doanh nghiệp gạo nhỏ “tay không bắt giặc” hay “chỉ bỏ nước bọt để buôn gạo” là không đúng. Các công ty nhỏ khi mua gạo cũng phải ứng trước cho bên cung cấp 80%-90% giá trị khi ký hợp đồng gạo, số còn lại sẽ được giao sau khi nhận hàng. Trong khi đó, muốn xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ cũng phải mất từ 30 đến 45 ngày mới nhận được tiền từ đối tác nhập khẩu. Cho nên dù doanh nghiệp nhỏ hay lớn, khi muốn xuất khẩu gạo phải có sẵn một lượng vốn để quay vòng.
Điều đáng nói là trong khi dự thảo đang trong thời gian lấy ý kiến để hoàn chỉnh thì xuất khẩu gạo vẫn còn nhiều tình trạng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Ủng hộ chuyện siết lại Tôi ủng hộ quan điểm nên siết lại điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp gạo cần phải đầu tư kho bãi, vùng nguyên liệu bài bản chứ không làm ăn lộn xộn như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp có tâm huyết, năng lực nhưng do thấy cách quản lý không tạo sự bình đẳng cho các doanh nghiệp nên họ không muốn làm nữa. Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang Vẫn còn tỉnh bao cấp, độc quyền Lý do dự thảo nghị định chưa được thông qua vì nội dung của dự thảo vẫn mang đặc tính bao cấp, độc quyền và xem ra chưa đem lại lợi ích đích thực cho hàng triệu nông dân. Đến nay lãnh đạo nhiều địa phương, nông dân và doanh nghiệp tư nhân chưa đồng tình một số điểm dự thảo này. Người ta cứ viện lý do an ninh lương thực quốc gia nhằm duy trì cơ chế độc quyền, xin-cho trong xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu đều phải thông qua hai tổng công ty lương thực miền Nam, miền Bắc. Nếu không được sự đồng ý của hai “ông lớn” này thì doanh nghiệp đừng hòng chen chân vào Ông TRẦN ĐỨC TỤNG, nguyên chuyên viên Vụ Kế hoạch - Bộ NN&PTNT |