Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản thiếu chiến lược cạnh tranh
17 | 08 | 2009
Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản đang rơi vào tình trạng không ổn định, giá cả lên xuống thất thường, khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế rất yếu kém.

Đến thời điểm này, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, chè... đều đã khẳng định được vị thế khi có mặt tại hầu hết các châu lục với số lượng xuất khẩu thuộc “top” hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu gạo hiện đang đứng đầu với trên 2,5 triệu tấn, cà phê 550 nghìn tấn, chè trên 32 nghìn tấn, hạt điều trên 44 nghìn tấn, hồ tiêu gần 40 nghìn tấn, chưa kể các mặt hàng “nhỏ lẻ” khác như thanh long, nhãn, bưởi, hạt bắp, hạt rau muống...

Lượng tăng, giá giảm

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, giá xuất khẩu nông sản của Việt Nam luôn bị “ép” xuống mức thấp nhất, thậm chí, thấp đến mức khiến doanh nghiệp không thể thu mua để xuất khẩu.

Mới đây, Chính phủ đã phải quyết định “mở hầu bao” mua tạm trữ 400.000 tấn gạo cho nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long, bởi giá gạo thu mua xuất khẩu quá thấp, người nông dân không có lãi.

Theo Bộ Nông nghiệp&PTNT, xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm tăng về số lượng nhưng giá trị lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lo ngại là nhiều mặt hàng đang rớt thê thảm, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào tình trạng “mua đắt bán rẻ”.

Nếu như đầu năm 2008, giá cà phê ở mức 42.000đ/kg, đến tháng 6/2009 sụt xuống còn 25.500đ/kg, sau đó lại giảm liên tục chỉ còn 21.500- 22.000đ/kg nhân sô, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Giá thấp, hàng loạt hộ trồng cà phê không bán bởi “thu không đủ chi”, các đại lý cấp 1 cũng “găm hàng” chờ giá lên khiến doanh nghiệp xuất khẩu như ngồi trên lửa vì không có hàng giao mà hợp đồng đã được ký trước đó lâu rồi.

Để tránh tình trạng bị kiện vì phá vỡ hợp đồng, nhiều doanhnghiệp “chữa cháy” bằng cách lùi thời điểm giao hàng trong tháng 7 sang tháng 9, đồng nghĩa với việc mỗi tấn cà phê nhân sô phải bù thêm 35 USD.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa), ông Lương Văn tự, cho biết: Do dự báo sai về diễn biến giá nên mấy tháng trước nhiều doanhnghiệp ồ ạt mua cà phê với giá cao nhằm chờ cơ hội tăng giá trên thị trường thế giới để bán kiếm lời. Vấn đề cốt lõi khiến cà phê rớt giá là do giới đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Được biết, hồi tháng 10/2008 thị trường cà phê cũng đã xảy ra tình trạng tương tự và Vicofa cũng đã từng nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp thu gom về vấn đề này.

Không riêng gì gạo, cà phê, nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam như hồ tiêu, điều... có tỷ trọng xuất khẩu hàng đầu thế giới về số lượng nhưng giá trị mang lại vẫn thấp, thậm chí có mặt hàng còn thấp hơn cả năm 2008.

Yếu thế

Đại diện ngành điều cho biết: Liên tục 3 năm nay, ngành điều Việt Nam giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu. Đáng lý ra các doanh nghiệp phải khống chế thị trường và quyết định về giá, nhưng thực tế ngược lại, đầu ra của xuất khẩu điều hết sức bị động.

Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ rõ là do nguồn vốn kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp dựa vào vốn vay nên thiếu chủ động, chưa tạo được tiếng nói có trọng lượng trên thương trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn theo kiểu “mạnh ai nấy lo”, thậm chí xuất hiện một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, bán hàng kém chất lượng...

Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu bán hàng thô, chưa qua chế biến, không thương hiệu, không nhãn mác, đặc biệt với hai mặt hàng chủ lực là gạo và điều, nên phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Tương tự, mặt hàng cà phê của Việt Nam có sản lượng khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng hoạt động kinh doanh ở nước ta lâu nay vẫn theo phương thức doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam mua về, sau đó đưa lên sàn giao dịch tại London hay New York bán lại kiếm lời.

Đầu tư chiều sâu

TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), đánh giá cao vai trò các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Năm 2008, dù nền kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng, hoạt động thương mại suy giảm mạnh, nhưng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng cao hơn năm 2007.

Ông Thành ví vai trò của nông sản xuất khẩu như một cứu cánh trong lúc kinh tế khó khăn, trở thành động lực thúc đẩy nền nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hoá lớn.

Trong bối cảnh mới hiện nay, xu thế bảo hộ hàng hoá trong nước với những rào cản kỹ thuật ngày càng tăng đòi hỏi ngành chức năng và doanh nghiệp phải xác định lại chiến lược cạnh tranh hàng nông sản cho phù hợp- TS. Võ Trí Thành chia sẻ.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau thời gian tăng trưởng xuất khẩu dựa vào chiều rộng, cần định vị chiến lược cạnh tranh, phát triển nông sản đi vào chiều sâu, phát triển theo hướng bền vững, căn cơ.

“Đã đến lúc tập trung đầu tư chiều sâu cho những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế- TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nói- Cần điều chỉnh lại chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.”



Theo Báo điện tử Tổ Quốc
Báo cáo phân tích thị trường