Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Được miễn thuế vẫn khổ
17 | 08 | 2009
Nông dân luôn được miễn thuế VAT đối với mọi sản phẩm từ chăn nuôi, trồng trọt. Khó khăn lại bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, chính vì không phải nộp thuế, nông dân lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm bởi không có hóa đơn để giao cho các doanh nghiệp thu mua.

Nông dân được ưu ái khi tất cả nông sản làm ra khi đem bán đều không phải nộp thuế cho Nhà nước. Nhưng cũng chính vì vậy mà họ không được cấp hóa đơn VAT để tiêu thụ nông sản.

Doanh nghiệp gặp khó vì mua hàng không có hóa đơn

Sản lượng sữa bò sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng 28% nhu cầu sữa nguyên liệu. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình trạng có những thời điểm, nhiều nông dân nuôi bò phải đổ bỏ sữa vì các doanh nghiệp giảm thu mua.

Sữa tươi nguyên liệu trong nước có rất nhiều ưu điểm so với nguyên liệu nhập khẩu như giá mua rẻ hơn, không phải chịu thuế nhập khẩu, hàm lượng dinh dưỡng đảm bảo vì không phải qua quá trình rút hết các thành phần bơ và mỡ trong sữa.

Thế nhưng nghịch lý là các doanh nghiệp chế biến sữa dường như vẫn thích nhập khẩu sữa nguyên liệu hơn là sử dụng sữa tươi trong nước. Trong một cuộc hội thảo về sữa gần đây do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức, một đại diện của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội cho biết, nguyên liệu nhập khẩu tuy giá đắt hơn, nhưng có hóa đơn. Trong khi thu mua từ nông dân thì không thể có hóa đơn, vấn đề này gây nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp chế biến từ nguồn nguyên liệu nông sản.

Anh Nguyễn Văn Bạo, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Thực phẩm xanh Việt Nam - có nhà máy giết mổ gia cầm sạch tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức với diện tích 4.000 m2, công suất giết mổ 250 con/giờ - cho biết, Công ty thu mua gà thịt từ các trang trại, giết mổ rồi đưa vào bán ở các siêu thị. Bán hàng cho các siêu thị luôn phải có hóa đơn, vì vậy công ty chỉ nhập gà từ các trang trại có hóa đơn đỏ.

Trong khi nông dân nuôi gà chỉ có thể bán sản phẩm thương lái, họ không thể bán được gà cho các nhà máy giết mổ. Theo anh Bạo, khi đầu vào không có hóa đơn, toàn bộ giá bán đầu ra của công ty đều phải chịu thuế VAT. Mặc dù Nhà nước có quy định là phần nguyên liệu sản xuất thu mua từ nông dân có thể tự kê khai để khấu trừ thuế, nhưng thực tế việc chứng minh phần miễn thuế đầu vào rất phức tạp, nên hầu không thực hiện được.

Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế quy định: “Chi phí của cơ sở kinh doanh mua hàng hoá, dịch vụ không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào nhưng không lập bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho cơ sở, người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp: mua sản phẩm làm bằng mây, tre, cói, dừa, cọ, của người nông dân trực tiếp làm ra; mua sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân không kinh doanh; mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác; mua nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt... trực tiếp bán ra của cá nhân không kinh doanh”.

Còn đối với trường hợp cơ sở kinh doanh mua hàng nông, lâm, thủy sản qua trung gian là các cá nhân, hộ kinh doanh nộp thuế khoán và không sử dụng hóa đơn quyển thì cơ sở kinh doanh mua hàng phải yêu cầu bên bán cung cấp hóa đơn lẻ làm chứng từ hạch toán và căn cứ tính thuế.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp quy định này khó thực hiện bởi hai lẽ: sẽ không có một doanh nghiệp nào có đủ lực để xuống trực tiếp từng hộ nông dân thu mua nông sản. Ngược lại, nếu mua hàng qua trung gian thì không thể bắt buộc người bán hàng cung cấp hóa đơn bán lẻ (GTGT) được bởi thực chất đây là đối tượng “chạy chợ” thu mua của một ít hộ nông dân rồi bán lại cho các cơ sở kinh doanh lớn hơn để hưởng chênh lệch giá kiếm lời.

Ví dụ khác là Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam mỗi năm xuất hàng triệu tấn gạo nhưng lại có rất ít cửa hàng bán lẻ ở trong nước. Lý do bắt nguồn từ sự bất hợp lý của VAT.

Cụ thể là doanh nghiệp không phải chịu thuế VAT khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài (tức được khấu trừ theo hợp đồng xuất khẩu), nhưng phải chịu thuế VAT khi bán hàng trong nước, trong khi gạo thu mua từ nông dân và thương lái thì không bao giờ có hóa đơn VAT.

Được miễn thuế, hóa ra lại thiệt

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, một bất hợp lý mà các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản đang gặp phải là không được khấu trừ VAT đầu vào, vì mua nông sản từ nông dân đều không có hóa đơn. Bởi vậy, doanh nghiệp chuyển thiệt thòi này về phía nông dân bằng việc ép giá thu mua nông sản để bù vào khoản chi phí đội lên do không được khấu trừ VAT.

Ông Nguyễn Công Hoàng, một chủ trại chăn nuôi ở Sóc Sơn, Hà Nội phàn nàn, lợn thịt xuất chuồng không thể bán được cho các nhà máy giết mổ, chỉ có thể bán được cho thương lái. Các công ty chăn nuôi lớn như Charoen Pokphand bán lợn, gà đều có hóa đơn. Lợn thịt của những trại chăn nuôi như của ông Hoàng, cũng như hầu hết nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ luôn phải bán với giá thấp hơn lợn thịt của các công ty (mặc dù chất lượng tương đương). Trong khi đó, ông mua con giống từ các công ty, mua thức ăn chăn nuôi từ các đại lý đều được cấp hóa đơn.

Chìa cho chúng tôi xem cả tập hóa đơn mua hàng, anh Hoàng nói: “Hóa đơn đem về rồi chẳng biết để làm gì, vì nông dân như tôi đâu cần phải quyết toán thuế cho Nhà nước”.

Khi mua vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các máy móc thiết bị khác... nông dân phải trả VAT.

Trên thực tế, giá bán những sản phẩm này, về nguyên tắc doanh nghiệp đã hạch toán và bao gồm cả VAT. Thông thường, nông dân không yêu cầu doanh nghiệp xuất hóa đơn VAT khi mua vật tư phục vụ sản xuất (hay bất kỳ hàng hóa gì), vì nếu có hóa đơn đầu vào trong tay, nông dân cũng không được Nhà nước khấu trừ VAT.

Theo anh Nguyễn Văn Bạo, nếu doanh nghiệp thu mua nông sản từ nông dân, rồi chế biến, khi bán hàng ra sẽ phải chịu thuế tính trên toàn bộ giá trị hàng bán ra, vì không có hóa đơn đầu vào để khấu trừ thuế.

Trong khi đó, nông dân khi làm ra nông sản đã phải chịu thuế ở phần đầu vào (mua giống, phân bón, thức ăn). Như vậy, thực ra trong một chu trình sản xuất, thuế được tính chồng lên nhau, nhiều khi phải trả đến ba lần thuế VAT trong một chu trình sản xuất mà không một lần được khấu trừ.

Theo kiến nghị của một số doanh nghiệp thu mua sữa, Nhà nước nên cho doanh nghiệp hoàn thuế VAT đầu vào bằng hồ sơ thu mua sữa thay cho hóa đơn thuế VAT do đặc thù của ngành sữa, thu mua nông sản. Nông dân Nguyễn Công Hoàng cho rằng, Nhà nước nên nghiên cứu để giúp cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân được thuận lợi, chẳng hạn nông dân được cấp hóa đơn bán hàng với thuế VAT 0%.

Mặt khác, ông Hoàng nói, theo quy định, bất kỳ ai cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, có những chủ trang trại thu nhập hàng trăm triệu đồng năm, nhưng vì họ bán sản phẩm không phải xuất hóa đơn, nên Nhà nước sẽ chẳng biết mà thu thuế.

Nếu như mọi nông dân, chủ trang trại được cấp hóa đơn và bán hàng bắt buộc phải xuất hóa đơn, thì Nhà nước sẽ thu được thuế thu nhập cá nhân từ những chủ trang trại có thu nhập cao.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường