Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản để hội nhập
26 | 07 | 2007
Việc nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nông nghiệp là lĩnh vực bị sức ép cạnh tranh thị trường rất lớn.

Trong những năm đổi mới, nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển nhanh, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tự tin bước vào hội nhập thị trường nông sản quốc tế. Nhưng sức cạnh tranh hàng nông sản nhìn chung còn thấp.

Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng nông sản. Nông sản hàng hóa tuy phong phú về chủng loại, sản lượng khá nhưng sản xuất còn manh mún, năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định. Vùng nông sản hàng hóa bước đầu hình thành nhưng còn phân tán, vận chuyển khó, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến và thâm nhập thị trường quốc tế. Còn có nguyên nhân là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao để áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến.

Vậy để nâng cao sức cạnh tranh thị trường của hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cần tạo bước đột phá, kêu gọi đầu tư nước ngoài bằng chính thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long để khai thác tiềm năng của vùng giàu nguyên liệu nông nghiệp, thủy sản và là chợ bán sỉ lớn nhất nước này. Ðó là những dự án đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vận chuyển, chế biến, giảm hao hụt sau thu hoạch. Trước mắt tập trung xây dựng cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở bảo quản, phơi sấy đủ tiêu chuẩn quốc tế để hàng nông sản, thủy sản nâng cao giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Ðầu tư phát triển các hạm tàu đánh cá hiện đại, xây dựng cảng cá, hệ thống kho lạnh.

Ðể có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới thì điều cốt tử là tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Muốn vậy cần cải tạo, phát triển các loại giống có năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất để tạo sức mạnh cung cấp cho thị trường những lô hàng nông sản "ra tấm ra miếng". Thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã cổ phần nông nghiệp, qua đó hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Coi đây là bước đi cấp bách của nông nghiệp thời hội nhập.

Cần đánh giá cụ thể sức cạnh tranh của từng loại nông sản chủ yếu để có biện pháp khắc phục những yếu kém, bảo đảm nông sản của nước ta chiếm lĩnh thị trường trong nước (kể cả tiêu dùng và chế biến), bước vươn mạnh ra thị trường quốc tế. Trước hết là quy hoạch vùng cây, con chuyên canh, thâm canh, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ để có lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Về xuất khẩu trái cây, cần có chiến lược về sản xuất trái cây xuất khẩu. Trong đó, chú trọng các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật và kinh tế làm cho sản phẩm thích ứng với thị trường. Xác định rõ chủng loại và thị trường xuất khẩu chủ yếu, bảo đảm giống tốt cho cây trồng xuất khẩu. Xây dựng danh mục cây ăn trái cho xuất khẩu. Lựa chọn những loại quả đặc sản thị trường thế giới đang có nhu cầu lớn, dễ trồng mà các nước trong khu vực không có hoặc chưa chú ý sản xuất nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, áp dụng khoa học - kỹ thuật để tăng tỷ trọng xuất khẩu trái cây tươi. Ðối với các sản phẩm trái cây chế biến cần lựa chọn loại sản phẩm xuất khẩu vào thị trường nào tương đối rộng rãi và chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhất là các loại nước trái cây ép.

Nhà nước cần thành lập Trung tâm chứng nhận chất lượng nông sản xuất khẩu để trái cây Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới có chứng nhận chất lượng và dán nhãn nơi sản xuất.

Nhà nước hoạch định chính sách vĩ mô, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là phát triển thủy lợi, giao thông nông thôn, hướng dẫn và cung cấp thông tin thị trường. Các doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh. Ðó là những việc làm cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản của ta thời hội nhập.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường