Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Chuyển mình để hội nhập
21 | 09 | 2007
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nền nông nghiệp nước ta đã và đang chuyển mình, hướng tới sản xuất hàng hóa, tuân theo các điều kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này càng thấy rõ hơn ở TP. Hồ Chí Minh, nơi được coi là có nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (HCACS) xung quanh vấn đề này.



Ông đánh giá thế nào về vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh?

Nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh là nền nông nghiệp đô thịN, với thế mạnh là sản xuất rau sạch, bò sữa, cá sấu, hoa - cây cảnh,... Dù chỉ chiếm 1,6% GDP của thành phố (năm 2006) nhưng nông nghiệp có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố.

Sau 9 tháng Việt Nam chính thức gia nhập WTO, theo ông, ngành nông nghiệp thành phố đã có những biến chuyển gì?

Biến chuyển rõ nhất là nhận thức về sản xuất hàng hóa mang tính thị trường của bà con ngày càng lớn, trên cơ sở đó họ có những bước chuyển đổi sản xuất sao cho phù hợp. Có thể khái quát thành 3 xu hướng chính sau:

- Chuyển từ sản xuất đơn thuần sang sản xuất - dịch vụ, trở thành đầu mối tiêu thụ trong và ngoài nước, cung ứng hàng hóa đạt tiêu chuẩn cho các nhà phân phối lớn như hệ thống siêu thị Metro, Co-opMart...

- Xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và quốc tế, như thương hiệu Bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi), Cá sấu Hoa Cà, Nấm linh chi Lan...

- Liên kết hình thành các HTX, hiệp hội để nâng cao sức cạnh tranh.

Cơ chế, chính sách dành cho nông nghiệp của thành phố cần có những biến chuyển gì để hội nhập?

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển trong tình hình mới, lãnh đạo thành phố cũng đã ban hành quy chế chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, trên cơ sở đó có sự hỗ trợ một cách hiệu quả. Căn cứ thế mạnh từng địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp trọng tâm, đồng bộ, gắn liền sản xuất, chế biến với tiêu thụ. Ví dụ, vùng Tân Thạnh Đông rất thích hợp với chăn nuôi bò sữa. Từng bước khắc phục các điểm yếu khi hội nhập. Thành phố cũng đang thực hiện các chương trình giống, lập trung tâm quản lý kiểm định giống, trung tâm công nghệ sinh học, liên kết với các địa phương thực hiện chương trình sản xuất rau an toàn, tham gia Liên kết sông Tiền GAP, xây dựng những HTX lớn…

Các doanh nghiệp (DN) đã hỗ trợ nông dân như thế nào, thưa ông?

Quan hệ giữa nông dân và DN trên cơ sở hai bên cùng có lợi, hỗ trợ nhau để cung ứng hàng hóa đạt tiêu chuẩn, chất lượng. Nhiều DN hợp đồng với nông dân rất hiệu quả như: Công ty Giống cây trồng miền Nam, siêu thị Metro, Co-opMart, Vinamilk… Hiện chỉ tính riêng các hợp đồng sản xuất giữa DN và nông dân do HCACS làm đầu mối đã có 81 hợp đồng.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang tìm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của thành phố như nuôi bò sữa kiểu mẫu Israel (Hóc Môn); trồng nấm linh chi kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Hàn Quốc,... Những dự án này sẽ góp phần tạo một diện mạo mới cho nền nông nghiệp vốn đang phát triển rất năng động và đa dạng của TP. Hồ Chí Minh.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Kinh tế Nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường