Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thể cứ trông vào... sản lượng!
13 | 05 | 2014
Tiền Giang hiện có 69.000ha cây ăn trái, mỗi năm đưa ra thị trường trên 1,2 triệu tấn sản phẩm. Một số nhà vườn trồng cây đặc sản thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng/ha.

 Tuy nhiên đó không phải là số đông, ngược lại tình trạng được mùa mất giá vẫn cứ là điệp khúc đối với phần lớn nông dân. Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang Cao Văn Hóa, thời gian qua ngành cây ăn quả (CĂQ) đã tuyển chọn, lai tạo giống cho ra đời nhiều chủng loại CĂQ đặc sản (Tiền Giang hiện có 7 loại trái đặc sản là vú sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, sơ ri Gò Công, bưởi lông Cổ Cò). 

 
Nhiều nhà vườn và cán bộ quản lý đã có ít nhiều kinh nghiệm trong giữ vững kết quả tăng năng suất và chất lượng trái cây; đặc biệt đã triển khai gần 300ha CĂQ sản xuất theo hướng an toàn (GAP). Hầu hết các loại trái đặc sản đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể, có nông sản được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (xoài cát Hòa Lộc...). 
 
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang chiều ngày 6.5, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát: “... đã đến lúc sản xuất nông nghiệp không chỉ trông chờ vào sản lượng mà phải nhắm vào mục tiêu cuối cùng là giá trị nông sản - tức thu nhập của nông dân”. 
 
Lãnh đạo Sở NNPTNT Tiền Giang cũng thừa nhận, thời gian qua tuy có nhiều nỗ lực tạo cầu nối giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân để đẩy mạnh khâu tiêu thụ, nhưng thực tế rất khó khăn. Nguyên nhân do phần lớn diện tích đất vườn của nông hộ nhỏ nên khó đưa cơ giới hóa vào sản xuất - thu hoạch, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn lớn; nhất là khâu bảo quản trái cây. Liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chưa chặt; trong đó có lý do trong chuỗi giá trị này nhà vườn “được hưởng rất ít trong khi họ phải chịu rủi ro kép (thiên tai và biến động giá cả thị trường)!... 
 
Rõ ràng, ngành hàng CĂQ của Tiền Giang không còn cách nào khác ngoài phải “tập trung đầu tư theo chiều sâu” (công nghệ, hạ tầng...) nhằm nâng sức cạnh tranh; trước hết là công nghệ sản xuất giống để nâng cao giá trị và giá trị gia tăng của nông sản gắn với hình thành vùng sản xuất tập trung với chủng loại đồng nhất để tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến và tiêu thụ tươi. Phải ưu tiên đầu tư thiết bị chế biến, kho lạnh, xe chuyên dùng, hệ thống chiếu xạ, khử trùng và bảo quản hiện đại; hình thành các liên kết ngang (thành lập các HTX hoạt động theo mô hình DN để cung cấp các yếu tố “đầu vào” cho nông dân) và liên kết dọc (giữa DN và HTX đầu mối) trong đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh sản xuất theo hướng GAP; tăng cường xúc tiến thương mại, chủ yếu là tạo điều kiện để ngành hàng này tiếp cận các tập đoàn phân phối quốc tế có tiềm lực mạnh để cùng xây dựng tiêu chuẩn nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu “vươn ra biển lớn” trong hội nhập quốc tế... 


Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường