Vào thời điểm này, tại Bắc Yên, Sơn La đâu đâu cũng thấy táo Mèo. Ngay tại thị trấn Bắc Yên, táo Mèo được bày bán la liệt với đủ loại xanh, chín khác nhau.
Ông Lê Ngọc Lâm- Chủ tịch UBND thị trấn Bắc Yên cho biết: "Mấy hôm nay, táo được đưa xuống thị trấn để bán và giao hàng đi các nơi khác nhiều lắm. Bà con đưa táo xuống bao nhiêu, bán hết tới đó, thậm chí có nhiều thời điểm, còn xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán".
Ngược lên các xã là thủ phủ của táo như Xím Vàng, Hang Chú, Làng Chếu, Tà Xùa, Háng Đồng mới thấy hết được không khí thu hoạch táo của bà con. Nông dân tên Mín có 2ha táo Mèo ở Xím Vàng phấn khởi nói: "Táo à, nhiều lắm, cứ lên đỉnh đồi kia tha hồ mà hái. Vụ này, mình đang định bán hết táo để xây nhà và mua xe máy đây".
Theo ước tính, mỗi một cây táo Mèo cho năng suất tới vài tạ quả và với giá như hiện nay (7.000-10.000 đồng/kg), mỗi hộ có thể thu về tới vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Theo ông Lê Ngọc Lâm: "Do đầu vụ, táo nhiều nên giá có rẻ đôi chút, chứ đến tầm giữa hoặc cuối vụ, giá còn có thể lên tới 30.000-35.000 đồng/kg, mà còn không có mà mua. Được cái mấy năm nay táo Mèo có đầu ra rất lớn và ổn định, nên đời sống của bà con 5 xã trồng táo đã giàu lên trông thấy".
Táo Mèo chủ yếu mọc ở độ cao 1.500-2.000m, phân bố rất dày đặc. Theo thống kê, toàn huyện Bắc Yên hiện có tới 1.000ha táo Mèo, tập trung ở cả 5 xã trên. Ước tính sản lượng táo Mèo của huyện có thể lên tới 200.000-300.000 tấn/năm.
Ngoài việc thu mua quả tươi để đưa đi tiêu thụ ở các địa phương khác với số lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm, quả táo Mèo hiện còn được tiêu thụ tại chỗ. Kể từ khi một doanh nghiệp xây dựng được công nghệ chế biến và ép quả táo Mèo chiết xuất thành rượu vang, cùng các loại nước cốt khác có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, sức tiêu thụ của táo Mèo ở Bắc Yên càng tăng cao.
Toàn huyện Bắc Yên hiện có tới 1.000ha táo Mèo, tập trung ở cả 5 xã trên. Ước tính sản lượng táo Mèo của huyện có thể lên tới 200.000-300.000 tấn/năm.
Ông Đỗ Mạnh Thắng- Giám đốc Công ty TNHH Bắc Sơn, nơi đang tiêu thụ một lượng lớn táo Mèo ở địa phương, cho biết: "Trước nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng, kể từ năm ngoái, chúng tôi đã quyết định nâng công suất chế biến của nhà máy lên 100.000 lít/năm, tương đương với khoảng trên 100.000 tấn táo Mèo".
Trước đây, khi chưa được quảng bá và tiêu thụ tại chỗ, quả táo Mèo ở Bắc Yên gần như không có giá trị gì, đến mùa thu hoạch, bà con chỉ lên rừng hái một ít về dùng hoặc đem cho, biếu, còn lại để rụng thối trong rừng, nhưng tại thời điểm này, mọi việc đã thay đổi hoàn toàn.
Ông Thắng tâm sự: "Công ty chúng tôi hiện đang tiếp tục nghiên cứu, mở rộng thị trường, nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Trong tương lai không xa, chắc chắn người dân sẽ không còn phải lo đầu ra cho quả táo Mèo nữa".
Theo Dân Việt