Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhãn rớt giá: “Ta đã thua cả năng suất và chất lượng”
25 | 08 | 2011
Năng suất nhãn của Thái Lan gấp 3 lần của Việt Nam, giá của họ rẻ hơn, chất lượng ngon hơn, nên nhãn nội bị lấn cũng không có gì lạ.
Tóm tắt
  • Nhãn Thái Lan đang lấn át thị trường.
  • Cây nhãn hiện có diện tích lớn thứ hai ở nước ta cùng với cây vải, chỉ sau chuối.
  • Diện tích nhãn tại Sơn La lớn nhất, với 10 nghìn ha, nhưng quả lại chỉ tiêu thụ tươi được 10 - 15%, do chất lượng kém.
  • Nhãn tươi của nước ta, chiếm 70 - 80% diện tích lại không phải nhãn lồng.
  • Giá long nhãn rớt thê thảm, vì phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.
  • Năng suất nhãn Thái Lan gấp 3 lần của Việt Nam, chất lượng tốt hơn, giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, về VN là 25.000 đ, và nông dân lãi lớn.

Lâu nay, nông dân Hưng Yên luôn tự hào vì có đặc sản nhãn lồng ngon ngọt nhất nước. Thế nhưng thời điểm này, khi nhãn từ đất nước Thái Lan xa xôi tràn ra tận miền Bắc, vừa ngon, đẹp mà lại rẻ, thì nhiều người mới vội đặt câu hỏi: Vì sao nhãn lồng Hưng Yên thất thế?

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) thì đến năm 2011, diện tích nhãn của cả nước vẫn duy trì ở mức xấp xỉ 100 nghìn hecta, với tổng sản lượng quả ước tính lên tới 500 nghìn tấn. Trong các loại cây ăn quả, diện tích nhãn chỉ đứng sau cây chuối và gần tương với diện tích cây vải, được xếp vào danh sách các loại cây ăn quả chủ lực của nước ta. Thế nhưng cũng như số phận của cây vải thiều, việc giá cả quả nhãn vụ trồi vụ sụt đã khiến nông dân ngày càng xa lánh loại cây này, và xu hướng trong mấy năm gần đây là diện tích nhãn trên cả nước đang giảm một cách đáng kể.

Trong khu vực, Việt Nam (cùng với Trung Quốc và Thái Lan) là một trong các quốc gia ít ỏi có lợi thế khí hậu và đất đai để trồng được cây nhãn. Nhưng đáng tiếc là năm nay, khi nhãn Thái Lan tràn ngập và chiếm lĩnh ở thị trường miền Bắc – nơi được xem là thị trường của nhãn lồng Hưng Yên thì người ta mới té ngửa ra rằng, nhãn lồng Hưng Yên đã thua cả về chất lượng và giá cả. Vì sao lại như vậy?

Chúng tôi đã đưa câu hỏi này tới Viện Nghiên cứu Rau quả- đơn vị hàng đầu cả nước trong việc phát triển cây nhãn thì được biết, trong số gần 100 nghìn hecta nhãn trên toàn quốc hiện nay, miền Bắc chiếm đến gần 2/3 tổng diện tích. Trong số này, lớn nhất vẫn là diện tích nhãn tại Sơn La với gần 10 nghìn hecta, tiếp đến là Hưng Yên với khoảng 3.000 hecta. Số còn lại nằm rải rác ở nhiều tỉnh ĐBSH và Trung du MNPB.

Đáng nói là ngoại trừ Hưng Yên hiện nay có tỉ lệ nhãn lồng, nhãn hàng hóa chất lượng cao dùng bán quả tươi chiếm 75 – 80% diện tích, thì hầu hết các diện tích nhãn còn lại ở miền Bắc đều là loại nhãn nước, nhãn thóc, thậm chí là nhãn rừng cổ xưa. Điển hình là trong số 10 nghìn hecta nhãn tại Sơn La hiện nay, thì chỉ có khoảng 10 – 15% diện tích là nhãn hàng hóa tiêu thụ tươi mà thôi, còn lại đều là loại nhãn thóc, nhãn nước, nhãn rừng quả bé như đầu ngón tay,ăn tươi không được mà có khi xoáy thành long nhãn cũng không xong. Loại nhãn này tại Sơn La ngay từ đầu mùa giá chỉ có 5 – 6.000đ/kg, và hiện tại chỉ còn 2 – 3.000 đ/kg mà chẳng bán được cho ai.

Như vậy, ngoại trừ một tỉ lệ diện tích nhãn chất lượng cao, thì gần như tới 70% diện tích nhãn ở miền Bắc hiện nay không phải là dòng nhãn dùng để bán quả tươi, mà chỉ dùng để chế biến thành long nhãn mà thôi. Trong khi đó, tìm hiểu về thị trường long nhãn tại miền Bắc, chúng tôi được biết loại hàng sấy khô này cũng đều được XK và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Anh Nguyễn Văn Nghiêm, một chủ lò sấy long nhãn gia truyền tại vựa nhãn Nam Hồng (TP Hưng Yên, tỉnh hưng yên) cho biết, ngay từ đầu mùa, khi biết chắcvụ nhãn năm 2011được mùa to thì giá long nhãn XK sang Trung Quốc cũng đã bắt đầu giảm, đến nay đã giảm từ 200 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 150 nghìn đồng/kg. Do thị trường tiêu thụ trong nước quá ít ỏi chỉ chiếm khoảng 10 – 20% nên giá long nhãn lên xuống, kéo theo giá nhãn tươi lên xuống thế nào là phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc.

Xung quanh câu hỏi vì sao quả nhãn lồng Hưng Yên năm nay, mới đầu mùa đã rớt giá thê thảm như vậy, Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hồng (Bộ môn Cây ăn quả, Viện Nghiên cứu Rau quả) – người nghiên cứu sâu về cây nhãn vừa có chuyến công tác ở Thái Lan vềkhẳng định: Nhãn Thái Lan năm nay tuồn ra miền Bắc quá sớm, từ đầu tháng 7 chúng tôi theo dõi đã tràn ngập thị trường. Hiện tại, mặc dù nhãn Hưng Yên đã thu hoạch nhưng không thể cạnh tranh được so với nhãn Thái Lan về giá cả.

Theo bà Hồng, nhờ chiến lược đầu tư cho cây ăn quả, đặc biệt là chú trọng chọn tạo giống và công nghệ cấy ghép gen nên Thái Lan hiện nay có bộ giống nhãn rất tuyệt vời như Bewkew, Ido.. Các giống nhãn này có quả to đều, cùi dày và mềm, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm. So với nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Thái Lan thậm chí còn có ưu thế hơn về chất lượng. Đặc biệt, tuy mùa vụ thu hoạch gần trùng với Việt Nam, nhưng công nghệ xử lý cho nhãn ra hoa bằng các chế phẩm như Clorat kali giúp nhãn ra hoa rải vụ đều, gần như quanh năm.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hồng:

“Để ghép cải tạo cơ bản diện tích nhãn kém chất lượng ở miền Bắc, đặc biệt là vùng nhãn Sơn La, có thể phải mất ít nhất 5- 7 năm nữa. Bởi để ghép được một gốc nhãn thành dòng chất lượng cao,riêng tiền công ghép hiện nay đã lên đến 200 nghìn đồng/gốc. Kinh phí này quá lớn đối với dân nghèo miền núi, nếu không có sự trợ giúp của các chương trình hỗ trợ của nhà nước”.

Vào một vườn nhãn ở Thái Lan, nông dân có thể khoanh vùng thành từng khu, khu thì đã có quả thu hoạch, khu mới ra quả, khu mới ra hoa, khu chưa ra hoa. Có thể nói, công nghệ xử lí này đã giúp nông dân Thái Lan gần như chủ động hoàn toàn về mùa vụ, và không chịu sức ép ứ đọng thị trường. Trong khi đó, dù đã rất cố gắng trong việc phổ biến các kỹ thuật xử lý ra hoa rải vụ, nhưng nhãn Hưng Yên hiện nay thời vụ thu hoạch dài nhất cũng chỉ kéo dài được gần 1 tháng.

Về năng suất, các vườn nhãn thâm canh tốt của Thái Lan hiện có năng suất tới 10 – 12 tấn/hecta. Trong khi đó, năng suất nhãn của Việt Nam hiện nay trung bình chỉ có 3 – 4 tấn/hecta, cá biệt mới có vườn năng suất 6 – 7 tấn/hecta chỉ bằng ½ năng suất nhãn Thái Lan. Từ năm 2008, Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã từng NK các giống nhãn của Thái Lan về trồng thử nghiệm, hiện tại đã cho quả, nhưng do không thích nghi tốt nên tỉ lệ quả rất thấp.

Bà Hồng kết luận: “Tuần trước, tôi sang Thái Lan hỏi giá nhãn nông dân bán tại vườn bao nhiêu, họ bảo chỉ tương đương khoảng 10 nghìn đồng Việt Nam/kg. Nhưng với giá đó, nông dân của họ đã có lãi rất lớn, bởi năng suất của họ rất cao và chi phí SX của họ cũng không quá đắt đỏ như mình. Với giá nhãn đó, thương lái vận chuyển về Hà Nội, chỉ cần bán giá 25 nghìn/kg thôi cũng lãi lớn. Rõ ràng, nhãn chúng ta đã thua Thái Lan cả về chất lượng và năng suất”.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường