Không chỉ các mặt hàng từ “cóc ổi” đến cao cấp đồng loạt rớt giá, mà chính là hành động thái quá của một số nhà vườn và thương lái đã manh nha ngọn lửa đốt cháy cả đường đi lẫn lối về của mặt hàng trái cây trên đất chín rồng.
Được giá, nhưng má đã… sưng
Bạn hàng đến tận vườn mua chôm chôm với giá 7.000đ/kg, còn giá dưa hấu tại ruộng cũng lên đến 5.000đ/kg” - một đồng nghiệp ở Tiền Giang hớn hở như bắt được vàng. Không vui sao được khi chỉ nửa tháng trước, cũng với giống chôm chôm Java này, nhưng người anh họ gần nhà chỉ bán được giá 3.000đ/kg, dưa hấu cũng chỉ dao động ở mức 2.000đ/kg, còn nhãn tiêu da bò chỉ còn 3.000đ/kg. Thậm chí nhiều mặt hàng còn lập kỷ lục về rớt giá. Ông Lê Văn Loan - một người có thâm niên trồng ổi ở ấp 3, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) chua xót: “Hồi giữa tháng 7.2011, ổi xuống giá còn 300đ/kg. Với giá này, phải bán đến 70kg mới đủ tiền ăn được tô hủ tiếu”. Ông Loan đã khiến chúng tôi thêm xót xa với bài toán lợi nhuận là con số âm đầy ngang trái: “Chưa kể tiền hái và công chăm sóc, chi phí đầu tư 1kg ổi lên đến 1.500 đồng. Như vậy sau nhiều tháng dầm mưa dãi nắng, nhà vườn tụi tui phải chịu lỗ vốn hơn 1.000đ/kg”.
Tuy nhiên cũng như nhiều nhà vườn khác, ông Loan rất dửng dưng với thông tin trái cây đang có giá trở lại. “Có lên giá cũng chẳng ăn thua, còn mấy nhà vườn còn trái cây để bán?” - ông Loan bức xúc.
Anh Đoàn Quốc Tuấn - Phó trưởng ban quản lý chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp (BQLCĐMTCĐT) xác nhận: “Sau thời gian nằm ở mức thấp, giá trái cây đã tăng trở lại. Có mặt hàng như nhãn giá tăng gấp đôi (bình quân 6.000đ/kg), nhưng mức tăng này không đủ tác động để nhà vườn khởi sắc, do rơi vào thời điểm cuối mùa và mức tăng chưa bằng 50% so với giá năm trước và thấp hơn nhiều so với mức tăng phi mã của nhiều mặt hàng vật tưnông nghiệp”.
Đã khó, đang khó và sẽ... khó hơn
ThS Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học - thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Có nhiều nguyên nhân khiến trái cây ĐBSCL loay hoay trong điệp khúc: Được mùa - mất giá, nhưng tựu trung là do thiếu điều tiết hợp lý trong khâu trồng lẫn khâu tiêu thụ”. Chính điều này đã đẩy nhà vườn vào thế tự bơi và thu hẹp cửa tiêu thụ. Theo ThS Tuyên, thời gian qua, đa số nhà vườn trồng theo cảm tính, theo phong trào nên vào mùa thì thu hoạch dồn dập với số lượng lớn là nguyên nhân tạo ra điệp khúc “đến mùa mất giá”. Bởi ngoài kênh tiêu thụ nội địa vốn có hạn, trái cây chỉ biết trông chờ vào đường tiểu ngạch đầy may rủi do lệ thuộc vào đối tác và nhiều khả năng bị thu hẹp do lối kinh doanh “bán cả đường đi lối về” của thương lái.
Anh Đoàn Quốc Tuấn - Phó trưởng BQLCĐMTCĐT, bức xúc: “Hàng ế thì đè giá nhà vườn để bán với giá như cho, nhưng vừa hút hàng là tìm cách gian lận. Đã có thời gian mặt hàng chanh bị đình trệ do đối tác phát hiện trộn chanh non vào”.
Theo các chuyên gia, thời gian tới chỉ có xuất khẩu trực tiếp mới mở ra khả năng tiêu thụ và gia tăng giá trị trái cây vùng ĐBSCL một cách bền vững. Tuy nhiên, thực tế con đường này đang rất chông gai. Bởi chỉ riêng 2 loại máy thiết yếu để trái cây có thể lọt qua hàng rào nhập khẩu của một số quốc gia trên thế giới là máy xông hơi và máy chiếu sạ thì Đồng Tháp vẫn chưa đầu tư và chưa biết đến bao giờ đầu tư được. Nguyên nhân cơ bản là thiếu đồng bộ: Không sắm máy thì không xuất khẩu được, nhưng sắm máy thì lại lo không có hàng, không phát huy hết công suất vì chưa có người cầm trịch trồng trái vụ.
Tuy nhiên điều khiến cho các chuyên gia lo lắng nhất hiện nay là nạn rớt giá sẽ nhen nhóm ngọn lửa đốt cháy cả tương lai của vương quốc trái cây. “Sau mỗi vụ rớt giá, nhà vườn quay trở lại sử dụng vật tư nông nghiệp, cây giống giá thấp để an toàn hóa lợi nhuận. Chính điều này đã làm mất an toàn cho vườn cây, châm ngòi cho nhiều loại dịch bệnh có điều kiện lan rộng mà bệnh chổi rồng trên cây nhãn là điển hình - ThS Tuyên nhấn mạnh - Đáng lo hơn nó còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái do thuốc BVTV không rõ nguồn gốc gây ra”.
Theo Lục Tùng
Lao động